Chỉ 'hợp đồng miệng', chủ nhà 'quên' lợi ích của người giúp việc

Người lao động làm nghề giúp việc thường không biết đến những quyền lợi của mình được pháp luật quy định và bảo vệ.

Chủ nhà “quên” quyền lợi của người giúp việc

Trong nhiều trường hợp mà tuyến bài Chuyện người giúp việc đã nêu, đa số người làm nghề giúp việc không biết đến những quyền lợi và nghĩa vụ mà pháp luật quy định cho đối tượng lao động là người giúp việc.

Lao động là người giúp việc thường thỏa thuận quyền lợi, nghĩa vụ bằng “hợp đồng miệng” với chủ nhà.

Khi bị xâm hại lợi ích, người giúp việc thường mặc định đó là những thiệt thòi phổ biến, đặc thù mà lao động làm nghề giúp việc gặp phải.

Nhiều lao động là người giúp việc chỉ thỏa thuận quyền lợi bằng miệng với chủ nhà.

Lý giải về tình trạng trên, TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội phân tích: “Bộ luật Lao động sửa đổi bổ sung năm 2019 đã có nhiều quy định về lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, người sử dụng lao động và người lao động làm nghề giúp việc còn thờ ơ hoặc chưa nắm rõ.

Nếu như trước đây, hợp đồng giữa chủ nhà với người lao động giúp việc gia đình chủ yếu là 'hợp đồng miệng', nội dung có thể bị thay đổi, chủ nhà có thể 'quên', vi phạm hợp đồng, không thực hiện những lời hứa, cam kết ban đầu thì đến nay, pháp luật đã quy định loại hình lao động này bắt buộc phải lập hợp đồng bằng văn bản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên”.

Theo ông Cường, hiện tượng người lao động giúp việc gia đình bị ngược đãi, hành hạ, bị lạm dụng tình dục, bóc lột sức lao động có xu hướng ngày càng gia tăng.

Ngược lại, tình trạng người giúp việc xâm hại lợi ích của chủ nhà cũng xảy ra nhiều khiến mối quan hệ lao động giữa các bên trở nên căng thẳng, dễ phát sinh tranh chấp.

Từ đó, nhu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo về quy định pháp luật đối với hoạt động lao động này là rất cần thiết.

Luật bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho cả hai phía

TS. LS Đặng Văn Cường cho biết, Điều 161, bộ luật Lao động 2019 quy định, lao động là người giúp việc gia đình “là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình”.

Các công việc trong gia đình bao gồm nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ em, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại.

Điều 162 bộ luật này quy định rõ, hợp đồng lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình như sau:

Người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng bằng văn bản với lao động là người giúp việc gia đình.

Thời hạn của hợp đồng do hai bên thỏa thuận. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất kỳ khi nào nhưng phải báo trước ít nhất 15 ngày.

Hai bên thỏa thuận trong hợp đồng về hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, thời giờ làm việc hàng ngày, chỗ ở.

Quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng do các bên tự thỏa thuận nhưng không trái pháp luật. Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận cụ thể thì quyền và nghĩa vụ được thực hiện theo quy định của bộ luật Lao động.

TS. LS Đặng Văn Cường

Ông Cường nhấn mạnh: “Điều 163, bộ luật Lao động 2019 cũng quy định rõ nghĩa vụ của người sử dụng lao động là người giúp việc gia đình như sau:

Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

Trả cho người giúp việc gia đình khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật để người lao động chủ động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người giúp việc gia đình.

Bố trí chỗ ăn, ở hợp vệ sinh cho người giúp việc gia đình nếu có thỏa thuận.

Tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, giáo dục nghề nghiệp.

Trả tiền tàu xe đi đường khi người giúp việc gia đình thôi việc về nơi cư trú, trừ trường hợp người giúp việc chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn”.

LS Cường đánh giá, đây là những quy định rất cụ thể, nhân văn, nhân đạo của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người yếu thế trong mối quan hệ này là người lao động giúp việc gia đình.

Bộ luật Lao động cũng quy định cụ thể về nghĩa vụ của người lao động giúp việc gia đình tại điều 164:

Thực hiện đầy đủ thỏa thuận đã giao kết trong hợp đồng lao động.

Phải bồi thường theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật nếu làm hỏng, mất tài sản của người sử dụng lao động.

Thông báo kịp thời với người sử dụng lao động về khả năng, nguy cơ gây tai nạn, đe dọa an toàn, sức khỏe, tính mạng, tài sản của gia đình người sử dụng lao động và bản thân.

Tố cáo với cơ quan có thẩm quyền nếu người sử dụng lao động có hành vi ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động hoặc có hành vi khác vi phạm pháp luật.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm phải thông báo, thông tin và thỏa thuận cụ thể quyền và nghĩa vụ của người lao động trong hợp đồng, đảm bảo các điều kiện để họ thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Bộ luật Lao động cũng quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà vẫn ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình; Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động; Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Đa số lao động làm nghề giúp việc không biết đến quyền và nghĩa vụ được pháp luật quy định.

Trong trường hợp người sử dụng lao động vi phạm, có hành vi ngược đãi, bị quấy rối tình dục, bị cưỡng bức lao động hoặc có các hành vi khác, người giúp việc có quyền trình báo sự việc với cơ quan chức năng để được xem xét giải quyết.

Trách nhiệm quản lý người giúp việc được quy định cụ thể tại Điều 91, Nghị định 145/2020/NĐ-CP như sau:

UBND cấp tỉnh chỉ đạo Sở LĐ-TB-XH: Hướng dẫn Phòng LĐ-TB-XH thực hiện tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình; quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trên địa bàn.

UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chỉ đạo Phòng LĐ-TB-XH: Hướng dẫn công chức cấp xã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình; quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trên địa bàn.

UBND cấp xã: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình theo hướng dẫn của Sở và Phòng LĐ-TB-XH; Phân công đầu mối theo dõi, quản lý, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật về lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý; Tiếp nhận thông báo về việc sử dụng, chấm dứt sử dụng lao động là người giúp việc gia đình quy định tại Khoản 2 Điều 90 Nghị định 145/2020/NĐ-CP; tổng hợp, báo cáo tình hình sử dụng lao động là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Khi nhu cầu thuê người giúp việc của các gia đình ngày càng tăng thì chuyện xoay quanh người giúp việc và chủ nhà càng phong phú, trong đó có nhiều tình huống cảm động. Nhưng cũng có những cuộc sống chung khiến đôi bên nhận về bi kịch và những tình huống dở khóc dở cười.

VietNamNet giới thiệu tuyến bài Chuyện người giúp việc để người đọc có thêm góc nhìn về mối quan hệ này.

Ngọc Lài

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chi-hop-dong-mieng-chu-nha-quen-loi-ich-cua-nguoi-giup-viec-2200890.html