Chỉ gieo sạ 80kg lúa giống/ha, nông dân ĐBSCL tiết kiệm 4.500 tỷ

Thực tiễn cho thấy, nếu gieo sạ trung bình khoảng 80 - 100kg lúa giống/ha sẽ giúp người nông dân tiết kiệm trên 3 triệu đồng/ha (cho phí lúa giống, thuốc bảo vệ thực vật...); mở rộng ra toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nếu gieo sạ theo tỷ lệ này sẽ giúp tiết kiệm khoảng 300 nghìn tấn hạt giống lúa/năm, tương đương khoảng 4.500 tỷ đồng.

Theo tính toán của Bộ NNPTNT, việc giảm lượng giống sạ không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất mà bên cạnh đó còn giúp giảm sâu bệnh, giúp cây lúa phát triển khỏe mạnh, hạn chế đổ ngã, tăng năng suất lúa và hơn hết là tăng lãi cho nông dân trồng lúa.

Sử dụng lượng giống từ 80 - 100kg/ha để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất lúa (Ảnh: IT)

Nông dân... “tính già hóa non”?

Thực tế, theo khảo sát của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNN), hiện nay nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vẫn sử dụng lượng giống sạ khá cao (phổ biến là 120 - 150kg lúa/ha) dù phía Bộ NNPTNT đã nhiều lần khuyến cáo nên sử dụng lượng giống từ 80 - 100kg/ha để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất lúa. Cụ thể, Bộ NNPTNT đã ra nhiều chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa theo quy trình 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, canh tác lúa cải tiến... để nông dân giảm lượng giống sạ.

Đặc biệt, năm 2016, Bộ NNPTNT còn ban hành văn bản chỉ đạo về giảm lượng giống gieo sạ tại các tỉnh ĐBSCL, đồng thời tổ chức 2 hội nghị phát động chương trình giảm khối lượng giống sạ tại Hậu Giang và Ninh Thuận.

Nhờ những cố gắng này, tỷ lệ nông dân sử dụng lượng giống cao ở khu vực ĐBSCL đã giảm đi đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ sử dụng trên 150kg/ha từ 57,28% (vụ Hè Thu 2016) giảm còn 29,65% (vụ Hè Thu 2017); tuy nhiên tỷ lệ sử dụng lúa giống từ 100-120 kg lại tăng lên từ 12,7% lên 24,29% và tỷ lệ sử dụng lúa giống từ 120-150kg tăng từ 21,27% lên 38,25%.

Lý giải nguyên nhân người nông dân sử dụng lượng giống lúa gieo sạ/ha vẫn còn khá cao, ông Lê Thanh Tùng, đại diện Cục Trồng trọt cho biết, nguyên nhân khiến người nông dân vẫn sử dụng lượng giống sạ cao là vì thói quen lâu nay, cùng với bản tính người nông dân vốn là “ăn chắc” nên lo lắng gieo không đủ, thà gieo dư ra còn... hơn thiếu.

Nông dân xã Vị Tân, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang gieo sạ lúa. Ảnh: Huỳnh Xây

“Thực tế, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu đã chỉ ra rằng lượng gieo sạ "lý tưởng" là từ 80-100kg lúa/ha. Lượng gieo này không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất (phân bón, thuốc trừ sâu...) mà bên cạnh đó còn giúp lúa có mật độ phát triển tốt, giảm sâu bệnh, hạn chế đổ ngã và góp phần làm tăng năng suất lúa...”, ông Tùng thông tin.

Đồng quan điểm, TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho rằng, ngoài tính hay lo của người nông dân, một nguyên nhân khiến người nông dân sử dụng lượng giống lúa lớn gieo sạ xuất phát từ chính chất lượng lúa giống đang trôi nổi trên thị trường khiến tỷ lệ sạ của người nông dân đạt hiệu quả thấp.

Theo ông Thạch, với diện tích đất lúa hơn 1,6 triệu ha, sản xuất 3 vụ/năm nên nhu cầu lúa giống ở khu vực ĐBSCL là rất lớn. Tuy nhiên, thống kê cho thấy lượng lúa giống do các doanh nghiệp, đơn vị có uy tín làm ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% - 60% nhu cầu, còn lại nông dân tự để giống, trao đổi, mua bán trôi nổi rất khó kiểm soát...

“Cũng bởi lượng giống lúa trôi nổi trên thị trường rất nhiều nên tỷ lệ sạ cũng kém chất lượng do có nơi còn có cả... lúa thịt đóng bao giống xác nhận. Vì vậy không gì ngạc nhiên khi ngay tại Cần Thơ cũng có nhiều nông dân sạ tới 200kg lúa/ha”, ông Thạch chia sẻ.

Giúp nông dân tiết kiệm... hàng nghìn tỷ đồng

Trước thực tế việc sử dụng lượng giống quá cao không chỉ làm giảm hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng đến chất lượng lúa gạo và cản trở tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trong vùng, mới đây Cục Trồng trọt đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia, Viện Lúa ĐBSCL tổ chức truyền thông giảm lượng giống sạ.

Nông dân Bắc Giang thực hiện gieo sạ lúa. Ảnh: Báo Bắc Giang

Cụ thể, Cục Trồng trọt sẽ lựa chọn 3 điểm tại tỉnh Vĩnh Long (mỗi điểm 5ha, chia làm 5 lô liền kề) để gieo lượng giống sạ mật độ khác nhau gồm: 60kg/ha, 80kg/ha, 100kg/ha, 120kg/ha và 140kg/ha.

Các lô thí điểm này sẽ được bón phân theo công thức 80-100kg Đạm, 40-50kg Lân và 30-40kg Kali. Tiến trình phát triển của cây lúa theo từng giao đoạn sẽ được ghi nhận và công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông để người nông dân trồng lúa tiện theo dõi.

Theo ông Lê Thanh Tùng, đại diện Cục Trồng trọt, mục đích của chương trình truyền thông này nhằm giúp người nông dân có cơ sở đối chứng nhằm tăng cường các giải pháp kỹ thuật giảm khối lượng giống gieo sạ xuống còn 100-120kg/ha, đồng thời quản lý và sử dụng giống lúa chất lượng cao cấp xác nhận tăng từ 40% lên 60-70% diện tích gieo trồng mỗi vụ.

“Nếu tỷ lệ gieo sạ khoảng 100kg/ha chiếm tỷ lệ 25% (gấp 3 lần hiện nay) thì có thể tiết kiệm ít nhất 40.000 tấn lúa giống/vụ sản xuất, nhưng quan trọng hơn lượng giống tiết kiệm trên sẽ có cơ hội tăng thêm 400.000 ha sử dụng lúa giống cấp xác nhận và như thế năng suất, chất lượng lúa sẽ gia tăng. Đồng nghĩa với việc giá trị và giá bán lúa tăng lên, nông dân sẽ tăng thu nhập”, ông Tùng nói.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh cho biết, nếu đến năm 2020 toàn vùng ĐBSCL giảm lượng gieo sạ còn 80kg/ha sẽ tiết kiệm được khoảng 300.000 tấn lúa giống (tương đương 4.500 tỷ đồng). Đây cũng là cơ sở để giảm chi phí đầu vào của sản xuất lúa gạo, giảm chi phí thuốc BVTV, phân bón... góp phần tăng hiệu quả sản xuất và tăng lợi nhuận cho người trồng lúa.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-nong-nghiep/chi-gieo-sa-80kg-lua-giong-ha-nong-dan-dbscl-tiet-kiem-4500-ty-792515.html