Chỉ đạo triển khai chương trình VNEN, Bộ GDĐT 'làm khó' cơ sở

Bộ GDĐT vừa tiếp tục có văn bản chỉ đạo về việc triển khai chương trình VNEN trong năm học mới. Tuy nhiên có những điểm không rõ ràng, gây khó khăn cho cơ sở trong điều kiện năm học mới đã cận kề.

Học sinh Hà Tĩnh vui mừng vì không còn phải học VNEN. Ảnh: LVV

Triển khai VNEN phải chịu trách nhiệm về chất lượng

Ngày 8.8, Bộ GDĐT có công văn số 3459/BGDÐT-GDTrH về việc rà soát, đảm bảo các điều kiện thực hiện mô hình trường học mới.

Tinh thần chung của văn bản nói trên là thừa nhận những bất cập của việc triển khai VNEN, yêu cầu các trường rà soát các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, sự tự nguyện của phụ huynh, học sinh, nếu đủ điều kiện thì tiếp tục triển khai.

Năm 2016, Bộ GDĐT cũng có văn bản 4068 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, với nội dung “Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh”.

Tuy nhiên, Bộ GDĐT không quy định rõ yếu tố “tự nguyện” như thế nào, nên nhiều địa phương lúng túng. Tại Nghệ An, một số trường chỉ lấy ý kiến giáo viên bằng hình thức giơ tay.

Năm nay, yếu tố “tự nguyện” (học sinh và cha mẹ học sinh) tiếp tục được nhắc lại, nhưng Bộ GDĐT cũng không quy định phương thức trưng cầu ý kiến phụ huynh học sinh như thế nào; bao nhiêu % đồng thuận thì triển khai và ngược lại…

Điều này tiếp tục “làm khó” cơ sở, trong khi năm học mới đã cận kề.

Bộ GDĐT còn chỉ đạo các trường triển khai VNEN “chịu trách nhiệm về chất lượng và hiệu quả thực hiện mô hình”.

Như vậy, có thể thấy, sau khi dự án thí điểm kết thúc, Bộ GDĐT đã không có quyết định cụ thể, mà chỉ đạo theo kiểu phó mặc cho địa phương, cơ sở.

Tỉnh quyết dừng VNEN bậc THCS

Tại Hà Tĩnh, trước khi có văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT, ngày 4.8, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi Sở GDĐT, quyết định “số phận” của VNEN tại địa phương.

Theo đó, tỉnh dừng chương trình VNEN bậc THCS, quay lại chương trình truyền thống; không cần khảo sát thêm về các điều kiện như cơ sở vật chất, đội ngũ, sự đồng thuận của phụ huynh….

Ở bậc Tiểu học, Hà Tĩnh yêu cầu rà soát các yếu tố sĩ số lớp, cơ sở vật chất, đội ngũ… Nếu đạt, tiếp tục tổ chức lấy ý kiến giáo viên, học sinh bằng phiếu kín, được 2/3 trở lên đồng ý thì mới tiếp tục triển khai.

Như vậy, Hà Tĩnh chú trọng yếu tố đồng thuận của giáo viên, đặc biệt là phụ huynh học sinh, coi đây là điều kiện để tiếp tục triển khai VNEN hay không.

Lường trước những “bất trắc”, tạo điều kiện cho giáo viên, cán bộ, phụ huynh bày tỏ nguyện vọng, tỉnh đã quy định cụ thể phương thức trưng cầu ý kiến bỏ phiếu kín.

Nhiều giáo viên dự đoán: Hầu hết phụ huynh sẽ không đồng ý tiếp tục VNEN.

Tại huyện Hương Sơn, sau khi tỉnh chỉ đạo, huyện tổ chức lấy ý kiến phụ huynh của 10 trường tiểu học, tỷ lệ không đồng ý triển khai VNEN dao động từ 77,78%  đến 100%, phần lớn trên 90%.

Nhiều khả năng, sau khi trưng cầu ý kiến phụ huynh, bậc Tiểu học ở Hà Tĩnh cũng sẽ dừng hẳn VNEN.

Tuy nhiên, với hướng dẫn có những nội dung không rõ ràng từ Bộ GDĐT, có thể một số địa phương vẫn tiếp tục duy trì VNEN. Hiện chưa có tập thể, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm về những bất cập, hậu quả của việc triển khai VNEN. 

QUANG ĐẠI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/chi-dao-trien-khai-chuong-trinh-vnen-bo-gddt-lam-kho-co-so-691245.bld