Chỉ còn tình người mãi đọng

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, bằng bài thơ ngắn, đã gợi lại một kỉ niệm đẹp của đời yêu Trần Thế Tuyển, mà qua đây, tôi càng hiểu hơn tác phẩm, tài năng và nhân cách thi sĩ họ Trần: SỐNG và YÊU hết mình; làm việc và sáng tác cũng hết mình...

Tôi được đọc bài nhà thơ Trần Thế Tuyển giới thiệu tuyển tập thơ của Đỗ Nam Cao mang tựa đề “Hỡi cô cắt cỏ” nhân kỷ niệm 12 năm ngày mất của Đỗ Nam Cao, một trong những người bạn tri kỷ, tri âm của nhà thơ họ Trần. Hôm nay lại được đọc bài “Nhớ bông hồng đêm nao”, tôi càng nể phục tài năng thơ của Trần Thế Tuyển:

NHỚ BÔNG HỒNG ĐÊM NAO…

Tặng Trần Thế Tuyển

Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ[1]

Thì tình yêu chưa thể yên nằm

Với anh, từng qua bom rơi, đạn lạc

Đâu dễ quên đêm nào thiêng liêng…

Đêm ấy, anh vội rời bạn hiền

Chọn ba chục bông HỒNG đẹp nhất

Dù biết, con số không làm nên cái ĐẸP

Cũng khó gắn duyên phận chúng mình!

Nhưng đời người chỉ có một lần sinh

Tình yêu như suối nguồn năm tháng

Anh đã gặp bao em trong đời chinh chiến

Mà sao chỉ có em nối mãi nhớ thương?!

Thời 4.0, anh tin Trái đất cứ tròn

Nụ cười em mãi như trăng tỏa sáng

Vồng ngực vẫn căng tràn sức sống

Như đêm nào gặp nhau đầu xuân…

Nơi em, thu vàng rực cánh rừng

Còn đây, mưa vẫn như trút nước

Giá em về lại Sài thành

Anh sẽ bơi qua dòng triều cuộn sóng

Để gặp em, thỏa khao khát chờ mong!

Ơn thơ Đỗ Nam Cao nói thay điều sâu lắng tâm hồn

Chiều kích của Tình yêu dài rộng

Những đơn côi khi một mình kìm nén

Từ giã đời, xao xuyến mãi cõi âm…

Sài thành, mưa tháng Mười, 2023

Nguyễn Hồng Vinh

Đọc Lời giới thiệu của Trần Thế Tuyển, tôi tâm đắc những câu thơ của chàng trai đất Hà thành họ Đỗ, được Trần Thế Tuyển viện dẫn và luận bình, toát lên nỗi cô đơn, khắc khoải của một người tự nguyện rời mái trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhập đội quân vượt Trường Sơn trong những năm chống Mỹ cứu nước. Thực tiễn bao gian khổ, hy sinh, mất mát lớn lao của đồng đội làm nhói lòng họ Đỗ; và sự cô đơn, khắc khoải đã ùa về giữa sự lặng im của hai trận đánh, đã gieo mầm nhiều câu chữ, bài thơ tài hoa của tác giả, mà bao trùm lên là sự bất diệt của tình yêu con người, được thể hiện tinh tế, lắng sâu qua rất nhiều bài thơ mà Trần Thế Tuyển đã dẫn ra. Chính vì vậy, tôi rất đồng cảm với thi sĩ Nguyễn Hồng Vinh khi anh viết bài thơ “NHỚ BÔNG HỒNG ĐÊM NAO” tặng Trần Thế Tuyển sau khi đọc xong bài giới thiệu, mà có hai câu được họ Trần nhắc lại hai lần: “Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ/ Thì tình yêu chưa thể yên nằm”.

Với bài thơ này, tôi có cảm nhận Hồng Vinh hiểu thấu cái hồn cốt tình yêu của họ Trần rất giống họ Đỗ: “Với anh, từng qua bom rơi, đạn lạc/ Đâu dễ quên đêm nào thiêng liêng”. Đó là cái đêm trong thời bình, họ Trần đã vội vã rời cuộc gặp đông vui của bạn bè thân thiết đi chọn bằng được 30 bông hồng đẹp nhất đến tặng sinh nhật người bạn gái từng làm xao động trái tim anh từ rất lâu. Tôi chú ý, chữ HỒNG được Hồng Vinh viết hoa, hình như có hàm ý giới thiệu tên người được tặng hoa tên là Hồng, kỷ niệm ngày sinh tròn 30 tuổi. Anh háo hức đến tặng em, nhưng lý trí vẫn mách bảo họ Trần: “Dù biết con số (30) không làm nên cái ĐẸP/ Cũng không gắn duyên phận chúng mình”, nhưng sức mạnh từ tiếng gọi con tim, anh không thể nào cưỡng lại! Có lẽ lúc ấy thi sĩ họ Trần nhớ tới câu thơ mãnh liệt của “ông hoàng” thơ tình Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/ Còn hơn là le lói suốt trăm năm!”. Trên đường đi, hình ảnh một đêm nào đầu xuân, anh được gặp Hồng, đã hút hồn mình từ dạo ấy, để từ đó luôn canh cánh trong lòng một bóng hình kiều diễm: “Nụ cười em như trăng tỏa sáng/ Vồng ngực vẫn căng tràn sức sống”… khiến anh trong đời chinh chiến dù đã từng gặp bao em, nhưng đến với riêng em “Mà sao chỉ có em nối mãi nhớ thương?!”. Rồi sau đêm sinh nhật ấy, em sang trời Tây công tác dài ngày, làm cho anh gặp lại sự cô đơn, khắc khoải như người bạn thơ tri kỷ Đỗ Nam Cao đã từng diễn tả trong tập thơ. Còn thi sĩ họ Trần bộc bạch: “Nơi em, thu vàng rực cánh rừng/ Còn đây, mưa vẫn như trút nước”. Ai đã sống lâu ở Sài Gòn trong mùa mưa tháng 10 mới thấu hết sự đe dọa cùng nỗi buồn sâu thẳm khi nước trời liên tục trút xuống cộng với nước triều dâng tràn vào các ngôi nhà ngập sâu lầu 1. Vì thế, niềm ước ao: “Giá em về lại Sài thành/ Anh sẽ bơi qua dòng triều cuộn sóng/ Để gặp em, thỏa khao khát chờ mong” mới thấy hết cái vĩ đại của nỗi đợi chờ trong tình yêu muôn mặt…

Đúng là thiên nhiên nghiệt ngã đã cướp đi tất cả nét thu đẹp của Sài Gòn, nhưng “chiều kích của Tình yêu dài rộng” vẫn thắp lửa trong tâm hồn thi sĩ, để gần 20 năm qua, dù trong bề bộn lo toan của đời sống thường nhật, nguồn thơ của thi sĩ họ Trần vẫn ắp đầy; từ đó ra đời hàng chục tác phẩm, gồm trường ca, thơ, tiểu thuyết, truyện ngắn, phê bình tiểu luận..., gây được dấu ấn sâu đậm trong đồng nghiệp và công chúng yêu văn nghệ.

Tôi càng nể trọng sức đi, sức viết, sức sáng tạo của Trần Thế Tuyển trong điều kiện anh vừa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, vừa làm Tổng Biên tập tờ báo Linh khí quốc gia của Hội. Chính từ con đường thi ca với niềm nhớ thương, tôn vinh đồng đội đã khuất, anh đã sáng tạo hai câu thơ để đời, được khắc ghi tại Đền thờ liệt sĩ Long Khốt – nơi đồng đội đơn vị anh đã nằm lại, mà hiện nay đã thành câu đối được ghi trước đền thờ liệt sĩ ở nhiều vùng đất nước: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên thành nguyên khí quốc gia”.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh, bằng bài thơ ngắn, đã gợi lại một kỉ niệm đẹp của đời yêu Trần Thế Tuyển, mà qua đây, tôi càng hiểu hơn tác phẩm, tài năng và nhân cách thi sĩ họ Trần: SỐNG và YÊU hết mình; làm việc và sáng tác cũng hết mình để cuộc đời này sáng rực những màu Hồng của tình đời, tình người trân quý!

Sài Gòn, tháng 10/2023

[1] Trích câu thơ của Đỗ Nam Cao, mà nhà thơ Trần Thế Tuyển viết Lời giới thiệu tập thơ này.

Thu Vân

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chi-con-tinh-nguoi-mai-dong-post267892.html