Chi bộ nông thôn: Việc dân gắn cùng việc nướcBài 3: Thực trạng 'tre già' chưa đủ 'măng' thay

Thời gian qua, nhiều chi bộ nông thôn đã phát huy được vai trò là hạt nhân kết nối Đảng với dân trong việc hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, thành phố… Song, vẫn có không ít chi bộ còn chậm chạp đổi mới cách thức sinh hoạt, chưa gắn việc nước với việc dân, việc dân với việc nước.

Bên cạnh đó, nhiều chi bộ đối diện với thực trạng “tre già” nhưng chưa đủ “măng” thay, số lượng đảng viên lớn tuổi nhiều, nguồn phát triển Đảng lại thiếu, khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới.

Lễ kết nạp đảng viên mới tại Chi bộ 2 thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất), tháng 9-2023.

Từ chậm đổi mới sinh hoạt chi bộ…

Đầu tháng 10-2023, phóng viên Báo Hànôịmới đã đến thôn Mã Kiều, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai dự một buổi sinh hoạt chi bộ. Với đặc thù nông thôn, hầu hết các chi bộ đều sinh hoạt vào buổi tối, nhằm bảo đảm số lượng đảng viên. Buổi sinh hoạt bắt đầu từ 19h30 kéo dài đến hơn 22h, với 7 ý kiến của đảng viên nhưng hầu hết không trúng và không đúng những nội dung được chi bộ đưa ra.

Chi bộ thôn Mã Kiều xây dựng nội dung thảo luận tháng 10-2023 là tập trung sản xuất vụ đông, giám sát dự án đường giao thông trong thôn… Thế nhưng, hầu hết ý kiến của đảng viên lại xoáy vào những kiến nghị của các gia đình, như cấp sổ đỏ hay việc kết nạp đảng viên chưa đúng yêu cầu… Đảng viên Phạm Văn Phiến thẳng thắn chỉ rõ tại buổi sinh hoạt: Chi ủy cần xây dựng kế hoạch thực hiện sát thực tế và cấp ủy cần cập nhật kiến thức để có câu trả lời phù hợp. Buổi sinh hoạt chỉ nên tập trung thảo luận vào những nội dung chi bộ đã xây dựng.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) Phạm Văn Toàn, tại một số chi bộ thôn, sinh hoạt thường kỳ và chuyên đề chưa thực sự hiệu quả, vẫn mang tính hình thức, nội dung dàn trải, sơ sài, nhàm chán và lối mòn. Đảng viên dự sinh hoạt ngại phát biểu ý kiến do nể nang, sợ va chạm; có nơi đảng viên không tập trung vào việc chung, lấy việc gia đình để thắc mắc và tinh thần tự phê bình, phê bình chưa cao; chưa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Việc xây dựng nội dung sinh hoạt là rất quan trọng, quyết định chất lượng sinh hoạt của chi bộ. Khảo sát tại nhiều chi bộ nông thôn, có một thực tế vẫn tồn tại, đó là nội dung sinh hoạt giữa các tháng gần giống nhau và có tình trạng coi nhẹ sinh hoạt chi bộ. Chi ủy chuẩn bị nội dung không chu đáo, cẩn thận, đến khi họp chi bộ điều hành lúng túng, không rõ trọng tâm, chủ đề buổi sinh hoạt. Đảng viên không được thông tin trước về nội dung cụ thể nên không chuẩn bị ý kiến phát biểu, tham luận. Trong hội nghị chi bộ hoặc là không tham gia ý kiến, hoặc là phát biểu qua loa, chiếu lệ, thậm chí lan man, không đúng chủ đề…

Về vấn đề này, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Oai Đinh Hữu Bình cho biết, thực tế cho thấy, việc xây dựng chuyên đề sinh hoạt, nội dung, nhiệm vụ không sát thực tế, trong sinh hoạt chủ yếu là truyền đạt nghị quyết, văn bản cấp trên, sau sinh hoạt chưa phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên... Việc xác định nhiệm vụ chính trị chưa có trọng tâm, thiếu giải pháp về các vấn đề đang tồn tại ở địa phương. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số thôn còn hình thức, kém hiệu quả, chưa huy động được sự đóng góp trí tuệ của người dân...

Trong câu chuyện về những vấn đề đặt ra với việc xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết của các chi bộ khu vực nông thôn, cũng như công tác xây dựng Đảng nói chung, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phú Xuyên Lê Thanh Hải cho hay, nghị quyết chi bộ và phân công đảng viên thực hiện nghị quyết chưa cụ thể, rõ ràng; công tác quản lý đảng viên còn hạn chế, nhất là trong các chi bộ nông thôn. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho đảng viên có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý đảng viên còn hạn chế, tỷ lệ đảng viên thuộc các chi bộ nông thôn xin miễn sinh hoạt cao.

Một số bí thư chi bộ còn hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng; ghi chép diễn biến hội nghị sinh hoạt chi bộ, ban hành nghị quyết, kết luận có nơi còn sơ sài, chưa khoa học...

… đến bài toán về nguồn phát triển Đảng

Qua sinh hoạt chi bộ ở một số địa phương, có thể nhận thấy một thực trạng là, nhiều cán bộ, đảng viên tuổi cao, số đảng viên miễn sinh hoạt nhiều nên khó khăn cho việc tiếp cận với những vấn đề mới, đáp ứng những đòi hỏi thực tế đang đặt ra. Đặc biệt, việc phát triển đảng viên mới rất khó khăn, do hầu hết thanh niên nông thôn đi lao động xa nhà.

Đảng bộ xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên có 195 đảng viên và 4 chi bộ nông thôn. Một trong những khó khăn hiện nay là thiếu nguồn cán bộ ở chi bộ nông thôn và không có nguồn để kết nạp Đảng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Quang Trung Phạm Cao Cường, nhiều năm nay, nguồn phát triển Đảng ở chi bộ chủ yếu dựa vào lực lượng thanh niên trong khối đơn vị hành chính sự nghiệp. Số thanh niên trong độ tuổi lao động đủ tiêu chuẩn để đưa vào nguồn, giúp đỡ phấn đấu vào Đảng không nhiều, bởi sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, hầu hết thanh niên vào học các trường đại học, cao đẳng, đi học nghề hoặc đi làm xa. Một số quần chúng muốn được đứng trong hàng ngũ của Đảng thì lại thiếu tiêu chí về trình độ văn hóa…“Tre già nhưng măng mọc chậm”, khiến công tác phát triển Đảng ở khu vực nông thôn đang đứng trước nhiều thách thức.

Chia sẻ thêm về những khó khăn trong việc tìm nguồn phát triển đảng viên mới ở nông thôn, Bí thư Chi bộ thôn Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh Trần Anh Ngọc thông tin, hai nhiệm kỳ qua, Chi bộ vẫn chưa kết nạp được đảng viên nào, vì không có nguồn. Bởi, trong nguồn kết nạp đảng viên mới, đoàn viên, thanh niên là thành phần quan trọng nhưng hầu hết họ không có mặt ở địa bàn, mà đi làm thuê cho các doanh nghiệp hoặc đi học. Số ít thanh niên có mặt tại thôn, do bận làm ăn, ít gắn bó với hoạt động chung nên chưa đủ điều kiện để bồi dưỡng kết nạp Đảng…

Trong câu chuyện “tre già nhưng măng mọc chậm” với phóng viên Báo Hànôịmới, Bí thư Chi bộ thôn Thiết Bình, xã Vân Hà, huyện Đông Anh Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ, Chi bộ có 32 đảng viên thì có tới 10 đảng viên được miễn sinh hoạt. Trong số 22 đảng viên còn lại, có tới 80% ở độ tuổi trên 54, một số đảng viên trẻ đều là công chức xã. Công tác phát triển đảng viên gặp nhiều khó khăn do đa số thanh niên trong thôn đều đi làm ăn xa… Còn theo Bí thư Chi bộ thôn Khê Ngoại 2, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, Chi bộ có 64 đảng viên, thì có tới 20 đảng viên được miễn sinh hoạt…; trong khi đó, nguồn phát triển Đảng cũng hạn chế.

Thực trạng này xảy ra ở hầu hết các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Oai Đinh Hữu Bình cho hay, hiện thanh niên nông thôn đi lao động ở khắp mọi nơi, dẫn đến nhiều chi bộ không có nguồn. Nhiều đoàn viên, thanh niên có phẩm chất, năng lực, được bồi dưỡng, giúp đỡ và có nguyện vọng đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng kết nạp được một thời gian thì lại chuyển công tác đến khu công nghiệp, hằng năm không về sinh hoạt. Do vậy, về chỉ tiêu mỗi năm, Đảng bộ xã phát triển được từ 5 đến 7 hay 10 đảng viên mới thì vẫn có thể bảo đảm nhưng ngay sau đó lại có sự thay đổi và không mang tính ổn định.

Qua khảo sát tại các huyện Thanh Oai, Thạch Thất, Mê Linh, Đông Anh, Phú Xuyên, Ứng Hòa…, có thể thấy một thực trạng, hằng năm, đảng bộ các xã, thị trấn đều dựa trên chỉ tiêu phát triển đảng viên mới của huyện để xây dựng kế hoạch và chỉ tiêu phát triển đảng viên cho địa phương mình. Đảng ủy các xã, thị trấn lại giao về các chi bộ và bí thư chi bộ thôn. Do không được bổ sung nguồn nên nhiều chi bộ thôn nhiều năm không kết nạp được đảng viên, tuổi đời bình quân của đảng viên hiện là trên 60 tuổi. Tình trạng già hóa này sẽ còn kéo dài, nếu như thanh niên nông thôn không làm việc tại quê hương.

Chậm đổi mới sinh hoạt chi bộ, thiếu nguồn kết nạp Đảng hay tình trạng “già hóa” đảng viên ở khu vực nông thôn đang là một trở lực lớn, cũng là vấn đề đang đặt ra từ thực tế, đòi hỏi tập trung nhiều giải pháp khắc phục.

(Còn nữa)

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chi-bo-nong-thon-viec-dan-gan-cung-viec-nuoc-bai-3-thuc-trang-tre-gia-chua-du-mang-thay-646028.html