Chỉ 20% người lang thang xin ăn, xin tiền có nhu cầu thực sự

Kinhtedothi – Số người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu thực sự chỉ chiếm 20%, còn lại 80% là do bảo kê chăn dắt. Khi thực hiện Quyết định 2252/QĐ-UBND, số lượng người lang thang xin ăn, xin tiền được tập trung tăng đột biến, lên tới 30 người/tuần.

Thông tin trên được Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân thông tin tại Hội nghị triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện công tác người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội, được tổ chức tại trụ sở UBND quận Hà Đông.

80% người lang thang xin ăn, xin tiền có bảo kê chăn dắt

Các đại biểu tham dự Hội nghị triển khai Quyết định số 2252/QĐ-UBND ngày 17/4/2023 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện công tác người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: Trần Oanh.

Trước khi có Quyết định số 2252/QĐ-UBND, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 6053/QĐ-UBND ngày 29/8/2017. Sau gần 6 năm thực hiện Quyết định 6053/QĐ-UBND, Hà Nội tập trung được 3.457 người lang thang xin ăn, xin tiền và chèo kéo khách trên địa bàn. Từ thực tiễn triển khai và trên cơ sở những đề xuất, kiến nghị của từ cơ sở, các ngành và ý kiến chỉ đạo của TP, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tham mưu UBND TP ban hành Quyết định số 2252/QĐ-UBND, thay thế Quyết định số 6053/QĐ-UBND.

Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nguyễn Hồng Dân cho biết: Số người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn Hà Nội có nhu cầu thực sự chỉ chiếm 20%, còn lại 80% là do bảo kê chăn dắt.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, hiện nay người lang thang xin ăn, xin tiền ở các ngã ba, ngã tư và nơi công cộng có nhu cầu thực sự chỉ chiếm 20%. Còn lại 80% là do đối tượng bảo kê chăn dắt, lạm dụng, lợi dụng những người khuyết tật, người cao tuổi để xin ăn, xin tiền. Khi các cán bộ Đội trật tự xã hội lưu động của 3 Trung tâm bảo trợ xã hội đến tập trung người lang thang xin ăn, xin tiền thì bị những đối tượng bảo kê chăn dắt cản trở nên rất khó để tập trung. Thậm chí còn có câu chuyện xe ô tô của Trung tâm bảo trợ vừa ra khỏi cơ quan để đi tập trung người lang thang xin ăn, xin tiền đã bị đối tượng phát hiện. Vì thế, để tập trung người lang thang xin ăn xin tiền thì rất cần sự phối hợp đồng bộ, tổng thể của các sở, ngành, địa phương từ cấp quận, huyện, thị xã đến phường, xã, thị trấn.

Và, khi liên sở, ngành gồm Sở LĐTB&XH Hà Nội, Công an TP Hà Nội, Sở Y tế, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch có Hướng dẫn 2320/HD-LS: LĐTBXH-CA-YT-VH&TT – DL về việc thực hiện công tác tập trung người lang thang trên địa bàn TP Hà Nội và trực tiếp Giám đốc Công an TP vào cuộc, thì thời gian qua, số lượng người lang thang xin ăn, xin tiền được tập trung tăng đột biến. “Chưa bao giờ một tuần chúng tôi có thể tập trung được 15 – 20 – 30 người lang thang xin ăn, xin tiền trên địa bàn TP, chủ yếu là người ngoại tỉnh” – ông Hồng Dân cho hay.

Sẽ phối hợp xử lý hình sự vài vụ điển hình

Sau hơn 4 tháng thực hiện Quyết định số 2252/QĐ-UBND, tại Hội nghị này, đại diện các quận, huyện, sở, ngành đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như có những kiến nghị đề xuất. Cụ thể là việc thực hiện thanh toán chi phí điều trị đối với đối tượng bệnh nhân là người lang thang ốm yếu suy kiệt vượt quá quy định chi thì phải làm sao? Nhóm người mặc quân phục kéo loa đi hát rong trên các tuyến phố xin tiền để làm từ thiện thì phải xử lý thế nào?

Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Thị Minh Loan có ý kiến về việc đối tượng người nước ngoài lang thang xin tiền trên các tuyến phố thì xử lý thế nào.

Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội làm nhiệm vụ tập trung người tâm thần lang thang mong muốn được đăng kiểm xe ô tô có song sắt. “Bệnh nhân tâm thần lang thang rất khỏe, phản kháng lại. Chúng tôi bố trí xe cứu thương có song sắt nhưng khi đăng kiểm thì không được chấp nhận. Với tình hình vận chuyển 120 – 150 bệnh nhân tâm thần mỗi năm mà họ đập phá thế này thì xe hỏng, Trung tâm lấy đâu ra tiền mua xe cứu thương” – Bác sĩ Nguyễn Thành – Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chia sẻ.

Cùng với đó là những băn khoăn về việc đối tượng người nước ngoài lang thang xin tiền thì xử lý thế nào. Cũng có ý kiến phản ánh về việc địa phương chưa phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý người lang thang xin ăn xin tiền sau khi tái hòa nhập cộng đồng dẫn đến đối tượng từ Trung tâm bảo trợ xã hội về nhà một thời gian lại đi xin ăn, xin tiền. Và đối tượng này lại bị tập trung vào Trung tâm bảo trợ xã hội.

Với những ý kiến về thực tế triển khai công tác tập trung người lang thang còn có vướng mắc đã được đại diện các sở, ngành trả lời ngay tại Hội nghị. Về ý kiến đối tượng bảo kê, chăn dắt chống người thi hành công tác tập trung người lang thang, Trung tá Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính, Công an TP Hà Nội cho rằng, cần có sự phối hợp để xử lý hình sự vài vụ điển hình, Công an phường là nơi tiếp nhận thông tin, có phối hợp để xử lý. Trong trường hợp đối tượng chưa đến mức xử lý hình sự thì xử lý vi phạm hành chính.

Để công tác tập trung người lang thang hiệu quả hơn, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân đề nghị các quận, huyện cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Quyết định 2252/QĐ-UBND như: Tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong Nhân dân không làm từ thiện không đúng chỗ. Cần xác định rõ 3 nhóm đối tượng người lang thang được tập trung, bảo trợ.

UBND các xã, phường, có trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, rà soát đối tượng người lang thang và báo cho các đơn vị liên quan… để đảm bảo mục tiêu cuối cùng là TP Hà Nội giữ gìn được an ninh trật tự, mỹ quan đô thị và không còn người lang thang xin ăn, xin tiền ở ngã ba, ngã tư và nơi công cộng.

Quyết định 2252/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định đối tượng người lang thang được tập trung, bảo trợ, bao gồm:

- Người có hành vi xin ăn, xin tiền (bao gồm người đi cùng); người dẫn theo trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi để bán hàng rong, đeo bám, chèo kéo người đi đường (bao gồm trẻ em, người khuyết tật và người cao tuổi đi cùng); người cao tuổi, trẻ em bị đi lạc gia đình; người lang thang sinh sống nơi công cộng trong dịp Tết Nguyên đán hoặc thời tiết rét đậm dưới 10 độ C được đưa đến các cơ sở trợ giúp xã hội của TP để chăm sóc, nuôi dưỡng, chờ đưa về nơi cư trú hoặc nuôi dưỡng lâu dài đối với người chưa xác định được nơi cư trú.

- Người tâm thần lang thang được đưa đến các bệnh viện tâm thần.

- Người lang thang ốm yếu suy kiệt được đưa đến các cơ sở y tế công lập trực thuộc Sở Y tế để điều trị ổn định.

Trần Oanh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chi-20-nguoi-lang-thang-xin-an-xin-tien-co-nhu-cau-thuc-su.html