Chênh lệch giàu nghèo đe dọa Trung Quốc

Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng đang gây ảnh hưởng tới đất nước cả về kinh tế lẫn chính trị.

Nông dân làm việc ngoài đồng ruộng ở vùng nông thôn Trung Quốc

Khi anh Wang Zhenyu rời ngôi làng nhỏ của anh ở tỉnh Hà Nam tới thành phố ven biển Đại Liên năm 18 tuổi, anh đã rất kinh ngạc. “Nó giống một cú sốc văn hóa vậy, mặc dù đó chỉ là một đô thị trong đất nước tôi, chứ không phải một vùng đất xa lạ nào”. Vài năm sau, khi đăng ký làm nghiên cứu sinh tại trường đại học hàng đầu đất nước - Đại học Bắc Kinh, anh nhận thấy không có mấy sinh viên có xuất thân giống anh.

Lớn lên trong một ngôi làng nhỏ với dân số vỏn vẹn 2.000 người, nhiều bạn thuở thơ ấu của anh Wang đã bỏ học sau khi hoàn thành chín năm giáo dục bắt buộc. Giờ với một công việc tri thức ổn định, anh lại trải qua một “cú sốc văn hóa ngược” mỗi khi về quê dịp năm mới.

“Khi tôi tổ chức gặp mặt với các bạn cũ trong làng, số người tham dự ngày càng giảm mỗi năm. Vài người ra đi làm công nhân nhập cư ở các thành phố lớn rồi không bao giờ quay trở lại; những người khác đã quen với cuộc sống làm nông. Chính sự nghèo đói đang chia cắt chúng tôi. Đó là một vòng tròn luẩn quẩn”.

Trong khi Trung Quốc ngày càng trở nên lớn mạnh, khoảng cách giữa người giàu và nghèo, giữa thành thị và nông thôn cũng ngày càng tăng. Mặc dù hệ số Gini chính thức của quốc gia, một phép đo bất bình đẳng thu nhập, đã có cải thiện trong những năm gần đây, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi về tính chính xác của nó. Vào tháng 5 năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường tiết lộ rằng hiện có 600 triệu công dân chỉ kiếm được khoảng 1.000 nhân dân tệ (3,6 triệu VND) mỗi tháng, cho thấy độ nghiêm trọng của vấn đề.

Ngôi làng của anh Wang là một câu truyện phổ biến ở Trung Quốc. Rốt cuộc, 40% đến 2/3 dân số 1,4 tỷ dân Trung Quốc vẫn đang sống ở các vùng nông thôn. Hành trình của anh Wang vượt nghèo thành công để trở thành tầng lớp trung lưu có học vấn là “rất hiếm”, ông Scott Rozelle, nhà kinh tế học phát triển tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford (Mỹ) cho biết.

“Bạn cũ của Wang và những người dân làng đã có thể đóng góp nhiều vào thị trường lao động đang thay đổi của đất nước, vì tương lai của nền kinh tế. Tuy nhiên, hiện thực có vẻ không lạc quan đến vậy”, ông Rozelle nói thêm.

Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, đã thề nguyện sẽ giữ cho Đảng Cộng sản tiếp tục nắm quyền, trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm Đảng thành lập tuần này. Một số nhà phân tích cho rằng sự phân hóa nông thôn - thành thị, cùng với khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng đang là mối lo hàng đầu của Đảng Cộng sản.

“Mặc dù Đảng không phải đối mặt với bất kỳ áp lực bầu cử nào, nhưng sự uất ức do bất bình đẳng có thể làm suy yếu độ tin cậy vào Đảng, nếu họ không sớm thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn”, bà Yu Jie, nhà nghiên cứu cấp cao về Trung Quốc cho biết. “Nhân dân Trung Quốc đang theo dõi sát sao. Các quốc gia nước ngoài cũng vậy, bao gồm cả Mỹ”.

“Quan trọng hơn cả là kỳ vọng của nhân dân”, ông Rozelle nói. “Nếu những người ở các tầng lớp xã hội bên dưới bắt đầu mất hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn do mức lương trì trệ, hay do khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng, một xã hội phân cực hoàn toàn có thể xảy ra. Điều này sẽ không tốt cho sự ổn định của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”.

Không phải chỉ có các nhà nghiên cứu mới quan tâm đến tính cấp bách của vấn đề. Vào tháng 1 năm nay, ông Tập Cận Bình cho biết khoảng cách giàu nghèo của đất nước không chỉ tác động mỗi nền kinh tế.

“Đạt được sự phồn vinh toàn diện không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề chính trị quan trọng đối với Đảng,” ông Tập nói với các cán bộ cấp bộ, cấp tỉnh. “Chúng ta tuyệt đối không thể để cho khoảng cách giàu nghèo tăng thêm, dẫn đến tình trạng người nghèo ngày càng nghèo và người giàu ngày càng giàu. Chúng ta tuyệt đối không nên cho phép một khoảng cách không thể vượt qua giữa người giàu và người nghèo”.

Tuy nhiên, ông Rozelle cho biết thực tế vẫn chưa có nhiều thay đổi bất chấp lời cảnh báo của Chủ tịch. Theo ông, Trung Quốc cần đầu tư dài hạn vào các chương trình như giáo dục mầm non và dinh dưỡng sức khỏe nông thôn. “Nhưng cũng giống như ở Mỹ, mặc dù các nhà lãnh đạo chính trị hiểu tầm quan trọng của những vấn đề này, nó vẫn không được ưu tiên hơn bởi khoản đầu tư như vậy không đem lại kết quả ngay tức thì”.

Trong khi đó, thực trạng đang trở nên đáng báo động. Ví dụ, sự thiếu sót trong giáo dục mầm non và tiểu học đang làm cho chất lượng lực lượng lao động của đất nước trở nên kém hơn, ông Rozelle nói. Trong một cuộc nghiên cứu ở các tỉnh nông thôn Cam Túc và Thiểm Tây của Trung Quốc, ông đã kiểm tra khả năng nhận thức của học sinh 13-14 tuổi và nhận thấy rằng khoảng một nửa trong số chúng sẽ bị coi là học chậm đến mức chúng có thể phải tham gia các chương trình giáo dục đặc biệt ở các nước phát triển khác.

“Trước đây, sự phân chia nông thôn - thành thị của Trung Quốc cho phép nhà máy từ các khu đô thị tận dụng nguồn lực lao động giá rẻ từ các vùng nông thôn. Nhưng một khi đất nước đi lên nấc thang kinh tế cao hơn, nhiều công việc kiểu đó đang biến mất”, ông Jan Knoerich, giảng viên cấp cao về kinh tế Trung Quốc tại đại học King’s College London (Anh), cho biết. “Tiền lương đang tăng ở Trung Quốc, và các nước khác - như Việt Nam và các nước khác ở châu Phi - đang trở nên cạnh tranh hơn về giá nhân công”.

Ông Rozelle đồng ý và nói thêm rằng sự thay đổi cấu trúc này sẽ không chỉ có ý nghĩa kinh tế sâu sắc đối với Trung Quốc, mà còn cả về xã hội và chính trị. “Và kết quả là, những người nông thôn có thể không được tham gia vào nền kinh tế mới. Thay vào đó, họ có thể bị đẩy vào một nền kinh tế phi chính thức. Không những điều đó không mang lại hiệu quả cho xã hội, mà nhiều người trong số họ có thể sẽ trở thành lực cản đối với sự phát triển kinh tế Trung Quốc”, ông nói.

Anh Wang cũng đã suy nghĩ về điều này, sau chuyến thăm quê nhà Hà Nam gần đây. Giờ đã 34 tuổi và đang sống với vợ ở tỉnh Quảng Đông giàu có ở miền nam Trung Quốc, anh tự coi mình là “một người may mắn” từ ngôi làng nghèo của anh.

“Tôi không biết chính xác mình đã làm thế nào để không giống như những người bạn cũ trong làng, nhưng tôi hiện đang giúp đứa cháu chín tuổi của mình vào một trường học tốt hơn và được giáo dục đàng hoàng”, anh nói. “Không ai muốn thế hệ sau của họ bị bỏ lại phía sau”.

Hoài Vy (theo theguardian.com)

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chenh-lech-giau-ngheo-de-doa-trung-quoc-post1356440.tpo