Chênh lệch giá hóa chất: Viện Huyết học Truyền máu Trung ương 'thanh minh'

GS, TS, TTND Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khẳng định hai loại hóa chất, sinh phẩm tại Viện được Kiểm toán Nhà nước cho rằng có giá cao hơn so với các cơ sở khác là thông tin chưa hoàn toàn chính xác.

* Lãng phí hàng trăm tỷ đồng vì thiết bị y tế "tồn kho"

* Yêu cầu bảy Sở y tế, 12 bệnh viện giải trình đấu thầu mua sắm và sử dụng trang thiết bị y tế

Giá hóa chất không chênh lệch

Tại bản báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về sự thất thoát trong công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế có đưa ra thông tin về việc mua sắm hóa chất Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá một hộp là 16.718.000 đồng, được cho là chênh gấp 5,8 lần so với Bệnh viện Thống nhất là 2.874.375 đồng. GS, TS, TTND Nguyễn Anh Trí cho biết, những thông tin của Kiểm toán Nhà nước đưa ra không phản ảnh hết được đúng bản chất vấn đề.

Là người trực tiếp quản lý lĩnh vực này, Phó Viện trưởng Lê Lâm cho biết, thuốc Retic do Công ty TNHH thiết bị Minh Tâm cung cấp. Ngày 25-5, Viện đã nhận được giải trình của công ty về việc giá thầu tại hai bệnh viện khác nhau. Trong đó, công ty Minh Tâm đã tham gia gói thầu mua hóa chất của Bệnh viện Thống nhất và đã trúng thầu mặt hàng Retic với đơn giá 4.816 đồng/1ml. Tuy nhiên, trong quá trình làm thầu công ty Minh Tâm đã tính sai đơn giá ml/hộp nên thực tế giá một hộp hóa chất là 10.980.480 đồng.

Theo giải trình của công ty Minh Tâm, đơn vị này không trúng thầu và không thực hiện cung cấp mặt hàng này cho Bệnh viện Thống Nhất.

Ông Lê Lâm cho biết, có nhiều loại hóa chất do Công ty Minh Tâm cung cấp cho Viện Huyết học có giá ngang nhau, thậm chí có hóa chất bằng hoặc rẻ hơn so với các bệnh viện khác ở miền bắc.

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy con số khiến dư luận bất bình về hóa chất Diff Timepac, 2x2075ml có giá chênh gấp ba lần giữa hai bệnh viện. Theo đó, tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương có giá là 42.607.000 đồng, trong khi đó, tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ có giá 14.163.950 đồng.

Phó Viện trưởng Lê Lâm cho biết “Thực tế hai hộp hóa chất này có quy cách đóng gói khác nhau, hàm lượng khác nhau nên việc so sánh này không thể hiện đúng bản chất về giá cả”.

Hóa chất Diff do Công ty Phương Đông cung cấp cho nhiều bệnh viện phía bắc, trong đó có Viện Huyết học. Theo Phó viện trưởng Lê Lâm, căn cứ vào bảng so sánh giá kế hoạch và giá trúng thầu của một số bệnh viện thuộc Bộ Y tế, thì hóa chất này ở Viện Huyết học, Bệnh viện K, Việt Đức hay Bạch Mai đều có giá tương đương nhau, từ 40 đến 42 triệu đồng.

Cần phải có đơn vị độc lập xây dựng giá kế hoạch

GS Trí cho biết, mỗi năm, Viện Huyết học thực hiện mua sắm đấu thầu khoảng bốn gói hóa chất, với khoảng gần 1.000 loại hóa chất có chi phí lên tới hơn 350 tỷ đồng. Trong đó, có hàng trăm hóa chất được khẳng định rẻ hơn so với đơn vị khác.

Theo GS Trí, quy trình đấu thầu Viện Huyết học thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Gần 1.000 loại hóa chất Viện phải mua sắm và sử dụng, GS Trí khẳng định “tuyệt đối không có hóa chất nào vượt trần mà trúng thầu”.

Trước câu hỏi tại sao các cơ sở vẫn khác nhau về giá trúng thầu, Phó Viện trưởng Lê Lâm lý giải các nhà cung cấp bao giờ cũng tính toán tới loại hóa chất dùng ít hay nhiều nên họ sẽ có tính toán về sự chênh lệch giá khi cung cấp cho các bệnh viện.

Hơn nữa, các cơ sở y tế khi xây dựng gói thầu bao giờ cũng căn cứ vào nhu cầu, số lượng hóa chất, thể tích, quy cách đóng gói, các tiêu chí kỹ thuật về máy móc, công nghệ mỗi nơi. Hóa chất sinh phẩm được cung cấp giữa các cơ sở không đồng đều, nên không thể có việc giá của bệnh viện này giống y hệt bệnh viện khác.

Sau sự việc này, GS Trí bày tỏ quan điểm “Tôi nghĩ cần phải có sự thống nhất về giá. Cần phải có đơn vị độc lập xây dựng giá kế hoạch. Những người làm giá kế hoạch phải có nhiều thông tin hơn, cập nhật kịp thời, liên tục về giá thuốc và đưa ra khuyến cáo quyết liệt hơn với các cơ sở y tế. Các đơn vị này phải hoạt động độc lập, chứ không nên đợi cơ sở bên dưới trình giá đấu thầu lên. Tôi cho rằng, phải đưa hoạt động đấu thầu, mua sắm các vật tư, hóa chất vào quy củ. Quản lý nhà nước cũng cần phải hoàn chỉnh hơn”.

Phó Viện trưởng Lê Lâm đề xuất, cần có phương pháp quản lý giá kế hoạch của việc mua sắm, đấu thầu hóa chất, sinh phẩm giống như giá thuốc, công khai trên hệ thống mạng. Điều đó sẽ công khai, minh bạch hơn và giúp cho cơ quan quản lý cũng dễ dàng thực hiện chức năng quản lý của mình về giá kế hoạch.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/suckhoe/tin-tuc/item/32967402-chenh-lech-gia-hoa-chat-vien-huyet-hoc-truyen-mau-trung-uong-%e2%80%9cthanh-minh%e2%80%9d.html