Chế tạo thiết bị huấn luyện báo vụ vô tuyến cơ động

Trung sĩ Phạm Minh Tuấn và Thượng sĩ Nguyễn Văn Đạt, thuộc Tiểu đoàn 30, Trường Sĩ quan Thông tin vừa bảo vệ thành công đề tài sáng kiến chế tạo thiết bị huấn luyện báo vụ vô tuyến cơ động đạt giải nhì cấp trường, đang gửi thi cấp binh chủng và toàn quân. Sáng kiến được đánh giá cao, ứng dụng quan trọng vào công tác huấn luyện cho các nhà trường và thực tế.

Trung sĩ Phạm Minh Tuấn và Thượng sĩ Nguyễn Văn Đạt.

Trung sĩ Phạm Minh Tuấn và Thượng sĩ Nguyễn Văn Đạt.

Theo Trung sĩ Phạm Minh Tuấn - chủ trì sáng kiến, vô tuyến điện báo và huấn luyện nghiệp vụ vô tuyến điện báo là những nội dung quan trọng trong huấn luyện, thực hành thông tin liên lạc trong toàn quân, góp phần quyết định bảo đảm chất lượng, hiệu quả thông tin liên lạc. Tuy nhiên, công tác này hiện nay còn có những mặt hạn chế. Thứ nhất, việc huấn luyện morse mang tính chất cố định, điều khiển các bài học thực hiện bằng dây nối và điều khiển bằng tay, thiết bị chưa ứng dụng công nghệ số, chưa linh hoạt trong việc điều khiển kết nối để thực hiện các bài học. Thứ hai, thời gian huấn luyện của học viên ít, nhưng yêu cầu chuẩn đầu ra cao, khi tổ chức ngoại khóa cho học viên buộc phải đến giảng đường chuyên dùng. Bên cạnh đó, khó triển khai việc huấn luyện ngoại khóa môn học tại đơn vị vì không có thiết bị... Chính vì vậy, việc thiết kế chế tạo thiết bị huấn luyện báo vụ vô tuyến cơ động phục vụ dạy học và huấn luyện báo vụ ở đơn vị thực tế có tính cấp thiết cao.

Theo Thượng sĩ Nguyễn Văn Đạt - đồng chủ trì sáng kiến: "Để xây dựng và hoàn thiện sản phẩm, chúng tôi đã tiến hành nhiều bước. Đầu tiên là khảo sát thực trạng thiết bị huấn luyện báo vụ đang được sử dụng tại nhà trường, các đơn vị trong toàn quân và đánh giá ưu, nhược điểm; nghiên cứu về tính năng, khả năng ứng dụng của các loại công cụ; nghiên cứu về ngôn ngữ lập trình, cơ sở dữ liệu SQL và các công cụ hỗ trợ lập trình...".

Sau thời gian nghiên cứu, hai tác giả đã thiết kế mới 2 thành phần gồm: Hệ thống thiết bị của giảng viên tích hợp các thiết bị điều khiển trung tâm, thu phát vô tuyến điện, tạo tín hiệu morse. Thiết bị của học viên tích hợp thiết bị tạo tín hiệu morse và thu phát vô tuyến điện. Ngoài ra, còn có phần mềm có khả năng điều khiển kết nối các thiết bị của giảng viên với học viên, giữa học viên với nhau để tổ chức thực hiện các bài học. Phần mềm để điều khiển toàn bộ các chức năng hoạt động phục vụ học tập các bài học của môn học.

Theo Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Danh Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Thông tin, Chủ tịch Hội đồng khoa học nhà trường, đây là sản phẩm mới, khắc phục khá triệt để các tồn tại nói trên, đặc biệt đề xuất được giải pháp sử dụng sóng vô tuyến để truyền tín hiệu thay cho dùng dây dẫn như các thiết bị đang có. Đồng thời, thiết bị được xây dựng thiết kế điều khiển bằng phần mềm nên bảo đảm yếu tố nhanh, trực quan, thuận tiện, linh hoạt, chính xác. Do làm chủ được công nghệ nên giá thành mỗi sản phẩm ở mức phù hợp, dễ trang bị cho mọi đơn vị, thấp hơn nhiều so với giá thành các sản phẩm có cùng tính năng nếu được cung ứng trên thị trường. Giá thành chế tạo thiết bị (1 bộ của giảng viên, 1 bộ của học viên) chỉ khoảng 12 triệu đồng. Thiết bị là công cụ hỗ trợ hiệu quả cho các học viện, nhà trường, đơn vị thông tin trong dạy học, huấn luyện nghiệp vụ thông tin vô tuyến điện báo; bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo trong nhà trường, chất lượng huấn luyện báo vụ trong toàn quân, nâng cao khả năng bảo đảm thông tin liên lạc cho toàn quân và cả công nghệ lưỡng dụng.

V.L

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202311/che-tao-thiet-bi-huan-luyen-bao-vu-vo-tuyen-co-dong-adb60f6/