Chế biến thành phẩm hạt điều rang củi và trồng măng bát độ, lão nông thu về gần 1 tỷ đồng/năm

Không đành lòng chứng kiến cảnh bị thương lái ép giá, ông Nguyễn Văn Thiêm (45 tuổi, trú tại xã Ia Chía, huyện Ia Grai, Gia Lai) đã mạnh dạn đầu tư chế biến thành phẩm hạt điều rang củi và măng bát độ. Với 2 sản phẩm này, trung bình mỗi năm gia đình ông Thiêm thu về gần 1 tỷ đồng.

Trước đó, vì cuộc sống ở quê nhà khó khăn nên gia đình ông Thiêm vào vùng biên giới Ia Chía lập nghiệp. Ngày mới đặt chân đến vùng đất này, ông Thiêm và vợ xin làm công nhân cao su. Sau nhiều năm trời dành giụm, chắt bóp, hai vợ chồng cũng mua được vài ha đất ở biên giới Ia Chía.

Trò chuyện với PV, ông Thiêm kể lại: “Sau nhiều năm làm công nhân cạo mủ cao su, tôi thấy nghề này khá độc hại, lại phải thức khuya dậy sớm nên tôi cùng vợ trở về phát triển kinh tế trên mảnh đất mới mua. Cũng vì đất cằn, sỏi đá nên 2 vợ chồng đã chọn điều là cây trồng chủ lực. Vượt qua bao khó khăn, vất vả đến nay gia đình đã có trong tay khoảng 6ha điều, trung bình mỗi năm thu về từ 10-12 tấn hạt”.

Mạnh dạn chế biến sâu hạt điều, lão nông Nguyễn Văn Thiêm thu về 700 triệu đồng/năm

Vất vả chăm sóc vườn điều cả năm trời chỉ chờ đến ngày thu hoạch, tuy nhiên vào mỗi vụ mùa gia đình ông thường bị thương lái ép giá. Cũng từ đó, ông Thiêm quyết định xuống vốn, mạnh dạn chế biến sâu hạt điều để tăng lợi nhuận.

Nói là làm, sau khi thu hoạch điều, tách vỏ ông Thiêm bắt đầu cặm cụi rang hạt điều. “Do rang thủ công nên khó kiểm soát được nhiệt độ khiến hạt điều bị cháy. Bên cạnh đó, vì không có máy tách hạt, phải tách thủ công khiến cho hạt điều bị vỡ nhiều. Sau lần thất bại, cuối cùng 2 vợ chồng cũng đã sản xuất được những mẻ điều rang ưng ý”, ông Thiêm chia sẻ.

Hạt điều của gia đình ông Thiêm đã xuất hiện ở nhiều thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung

Khi có được sản phẩm chất lượng, ông đã đăng ký thương hiệu, chứng minh giá trị của sản phẩm. Với quyết tâm đưa thương hiệu hạt điều của làng đến với khắp các tỉnh thành trên cả nước, ông đã dốc vốn thành lập Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Thiêm. Sau gần 3 năm, hạt điều của ông Thiêm đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và xuất hiện ở nhiều thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung.

Vì có lợi thế sống trên vùng nguyên liệu, ông Thiêm đã hợp tác cùng bà con trong vùng chăm sóc hữu cơ, không sử dụng thuốc cỏ để nâng cao chất lượng sản phẩm hạt điều an toàn đến với người tiêu dùng. Những diện tích điều được chăm sóc theo hướng hữu cơ cũng được ông cam kết thu mua giá cao hơn so với thị trường.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm hạt điều an toàn đến với người tiêu dùng, ông Thiêm đã hợp tác cùng bà con trong vùng thực hiện chăm sóc hữu cơ

Theo tính toán của ông Thiêm, mỗi ha điều sẽ thu về khoảng 60 triệu đồng/năm. Còn khi chế biến thành điều rang, sấy thì lợi nhuận sẽ tăng gấp đôi. Trung bình, mỗi năm ông bán ra thị trường hàng tấn điều thành phẩm và thu về khoảng 700 triệu đồng.

Bên cạnh điều, ông còn trồng thêm tre bát độ để lấy măng. Theo ông Thiêm, giống tre này cho năng suất măng cao và có thể bán thân cây để làm đồ mỹ nghệ, bán giống. Sau hơn một năm xuống giống tre bát độ bắt đầu cho ra những búp măng đầu tiên. Nhận thấy, măng có vị giòn, ngọt tự nhiên nên ông tiếp tục mở rộng diện tích, xây dựng vùng nguyên liệu.

Được biết, tre bát độ cho năng suất cao hơn rất nhiều so với các loại tre bình thường. Mỗi cây măng to từ 3kg - 8kg, vỏ mỏng, thịt trắng, dày, lõi nhỏ, tỷ lệ thịt đạt trên 85%. Hiện nay, măng tươi đang có giá từ 10.000 - 15.0000 đồng/kg, măng khô có giá từ 220.000 - 250.000 đồng/kg. Với 700 cây tre bát độ đang thu hoạch, trung bình 1 năm ông Thiêm thu về hơn 250 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

Tận dụng một số diện tích đất trống trong vườn, ông Thiêm còn phát triển thêm mô hình trồng tre bát độ lấy măng

“Song song với việc tạo ra sản phẩm chất lượng, tôi đã đăng ký thương hiệu, bao bì để tạo sự tin cậy đến với người tiêu dùng. Nhận thấy mô hình trồng tre bát độ mang lại hiệu quả cao, nhiều người dân trong xã biên giới Ia Chia cũng đến vườn nhà tôi xin giống về trồng…”, ông Thiêm cho hay.

Trao đổi với PV, ông Phan Đình Thắm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ia Grai, cho biết: “Với ưu thế sở hữu nhiều vùng nguyên liệu lớn như cà phê, điều và cây ăn quả, thời gian gần đây nhiều hộ dân trên địa bàn đã mạnh dạn xây dựng hợp tác xã, công ty nhằm chế biến sâu, nâng cao giá trị của các sản phẩm. Hộ gia đình ông Nguyễn Thiêm là một trường hợp tương tự, đã mạnh dạn xây dựng thương hiệu từ các sản phẩm hữu cơ như hạt điều rang củi, măng tre… Nhận thấy giá trị cao, nhiều bà con đã cùng liên kết để cùng hợp tác trồng và chế biến, nâng cao hiệu quả kinh tế”.

Trần Hiền

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/che-bien-thanh-pham-hat-dieu-rang-cui-va-trong-mang-bat-do-lao-nong-thu-ve-gan-1-ty-dong-nam-post236670.html