Chế biến sâu để 'đi' xa hơn

Trên bình diện chung, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước đầu tư chế biến sâu nông lâm thủy sản còn thấp, nhưng ít nhiều cũng là dấu hiệu cho thấy đang có sự chuyển đổi để vừa nâng cao giá trị xuất khẩu vừa đưa nông sản Việt vào nhiều thị trường hơn.

Xuất khẩu sang thị trường “khó tính”

Bắt đầu từ một đơn vị thu mua trứng nhỏ, nhờ mạnh dạn đầu tư vào chế biến nên hiện sản phẩm của Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (thương hiệu trứng Vfood) không chỉ có mặt tại hầu hết tỉnh, thành trên cả nước mà đã xuất được sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, chia sẻ, nếu chỉ bán trứng tươi thì quá đơn giản, nhưng như vậy lợi nhuận không cao. Do vậy, năm 2015, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư máy móc để sản xuất trứng tiềm, trứng phá lấu, trứng nướng… Không dừng lại đó, năm 2022, công ty đầu tư 5 tỷ đồng để nhập máy móc thiết bị làm trứng lỏng để tiêu thụ trong các nhà hàng, khách sạn… và sản phẩm cũng được một đối tác Hàn Quốc quan tâm. Hai doanh nghiệp đàm phán hợp tác và một container trứng lỏng đầu tiên của Vfood đã xuất đi Hàn Quốc vào tháng 5-2023. Cũng chính từ đó, công ty tiếp tục đầu tư mở rộng nhà xưởng, tìm kiếm thị trường và sản phẩm cũng được thị trường “khó tính” Nhật Bản chấp nhận.

Tương tự, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất - Nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết, sau hơn 20 năm thu mua trái cây, Công ty Chánh Thu đã tiến đến đầu tư nhà máy chế biến để xuất khẩu nông sản tươi sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Với các nhà máy tại các tỉnh Bến Tre, Khánh Hòa và Đắk Lắk, Công ty Chánh Thu có khả năng cung cấp hơn 300.000 tấn trái cây cho xuất khẩu. Vào năm 2012, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ thẩm định, cấp mã số cho nhà đóng gói trái cây đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ và Chánh Thu là công ty Việt Nam đầu tiên xuất khẩu thành công chôm chôm sang thị trường này với số lượng lên đến 200 tấn. Tiếp sau đó là xoài, vải thiều cũng được Công ty Chánh Thu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Nhật Bản. Năm 2023, công ty khởi công xây dựng Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk với công suất 70.000 tấn nguyên liệu/năm và dự kiến thi công trong thời gian 18 tháng. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ góp phần rất lớn để chế biến, đóng gói các loại trái cây tươi như sầu riêng, chanh dây, khoai lang, chuối… để xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia...

Tự tin vươn xa

Năm 2016, Công ty CP Thực phẩm GC (GC Food) đã xây dựng nhà máy sản xuất thạch dừa với diện tích 11.000m2 tại Khu công nghiệp Hố Nai (Trảng Bom, Đồng Nai), với công suất chế biến lớn nhất Việt Nam thời điểm đó (trên 20.000 tấn thạch/năm). Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP GC Food nhớ lại, trong quá trình tham gia xúc tiến thương mại, công ty đã gặp được đối tác Nhật Bản và họ rất thích sản phẩm của Việt Nam, mặc dù họ đã nhập khẩu dừa từ Malaysia và Thái Lan. Vì vậy, công ty liên kết với nông dân tỉnh Ninh Thuận trồng hơn 200ha nha đam để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất thạch dừa. Hiện sản phẩm của Công ty CP GC Food đã có mặt trên 20 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường lớn, khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, Mỹ… Ngay trong năm 2023, dù thị trường xuất khẩu khó khăn nhưng công ty đã kín đơn hàng cho cả năm. Để đáp ứng đơn hàng, Công ty CP GC Food đang mở rộng vùng nguyên liệu sang các tỉnh Bình Thuận, Khánh Hòa và Phú Yên.

Trong nông nghiệp và chế biến nông sản không thể không nhắc tới Vinamilk. Đơn vị này hiện là doanh nghiệp sữa thuộc nhóm 36 công ty sữa lớn nhất thế giới về doanh thu, đồng thời là thương hiệu sữa có giá trị thứ 6 toàn cầu. Để đạt được thành tựu này, Vinamilk không chỉ đầu tư mạnh cho vùng nguyên liệu với một loạt trang trại đạt tiêu chuẩn quốc tế ở các tỉnh, mà còn tập trung cho chế biến. Vinamilk hiện có hơn 200 chủng loại sản phẩm như: sữa nước Vinamilk, sữa chua Vinamilk, sữa đặc Ông Thọ và Ngôi Sao Phương Nam, sữa bột Dielac, nước ép trái cây Vfresh...

Theo điều tra của Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT), tỷ trọng nông sản chế biến sâu ở Việt Nam mới khoảng 25%-30%, bằng một nửa so với nhiều nước trong khối ASEAN. Đây chính là thách thức lớn nhất cho nông sản Việt.

THANH HẢI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/che-bien-sau-de-di-xa-hon-post699645.html