Chè Bạng

Chắc em thân yêu của anh sẽ thắc mắc 'Chè bạng là gì?'. Anh xin trả lời ngay, đó là cách gọi 'rất Nghệ' đối với thứ nước uống hàng ngày được nấu bằng chè xanh. Xưa, người Nghệ cổ chỉ dùng hai loại nước uống chè bạng và chè vằng. Chè vằng với người miền Trung nói chung và người xứ Nghệ nói riêng, anh đã viết trong một tản văn có tiêu đề 'Chè Vằng'.

Bao ân tình mộc mạc làng quê (thơ An Thuyên)

Bao ân tình mộc mạc làng quê (thơ An Thuyên)

Càng nắng nóng, càng gió Lào, người xứ Nghệ càng dùng nhiều chè Bạng, chè Vằng. Chè xanh xứ Nghệ không còn là thứ nước uống hàng ngày, mà từ lâu đã là một phần “hồn làng”, “hồn Nghệ”. Bằng chứng là đi vào rất nhiều tác phẩm thơ, văn, âm nhạc. Hẳn em yêu của anh, từng được nghe ca khúc “Ca dao em và tôi” của nhạc sỹ, thiếu tướng An Thuyên.

...

Bao ân tình mộc mạc làng quê

Trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh

(Ca dao em và tôi, An Thuyên)

Còn nữa, hẳn em thuộc “nằm lòng” ca khúc “Ai vô xứ Nghệ” của nhạc sỹ Phạm Tuyên, trên nền giai điệu ví, giặm chứ? “Ai ơi cà Xứ Nghệ, càng mặn lại càng giòn/ Nước chè xanh Xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon”. Vì mê ca khúc này mà em yêu anh, cùng anh về với “loanh quanh xứ Nghệ”.

Tuổi thơ của anh lớn lên cùng gian khó. Những năm tháng thật không thể hình dung nổi. Không có cơm ăn, “xa xỉ” lắm mới có hạt cơm được cõng trên lưng miếng khoai. Khoai lang xứ Nghệ trồng trên đất cát nên bở, tiếng Nghệ gọi là “phêu”. Những năm đói khát, có giống khoai “Hồng Quảng”, củ tròn, khi luộc lên nhân vỡ ra, chắc nịch. Em biết không, người xứ Nghệ ăn khoai thay cơm, ăn khoai cùng cà muối mặn và uống “nác chè chát”. Nếu không, không nuốt nổi. Người Nghệ uống chè xanh đặc nhất nước, gọi là “chè cắm tăm”, thả chiếc tăm vào không nghiêng. Không loại say nào từ rượu, bia...mệt như say nước chè Xanh, nếu trước khi uống, không “lót dạ” trước bằng mấy củ khoai.

Anh mê nhà thơ Trần Mạnh Hảo, một thi sỹ quê Nam Định nhưng để lại cho xứ Nghệ hai thi phẩm thuộc hàng kiệt tác “Gió Ngàn Hống” và “Sông Lam”. Anh cũng thích, nhà thơ gốc Nghệ, Hoàng Trần Cương với trường ca “Trầm tích” trong đó có chương “Miền Trung”. Anh mê nhà thơ “Lửa không cần trang phục”, Đoàn Xuân Hòa với bài thơ “Một khúc miền Trung”.

Đọc, em sẽ hình dung ra gian lao của người xứ Nghệ, trong đó có anh. Đó là nơi: “Tôi đi dọc con đường gió Lào thổi ngang lưng / Một nửa mình hun màu đồng đỏ / Một nửa mình xanh gió trùng khơi / Một nửa con đường cát tung lửa về trời / Một nửa con đường rừng hứng vào trưa nắng / Một nửa dòng sông chất đầy sấm biển / Một nửa dòng sông mọng mưa rừng tây”, (Một khúc miền Trung, thơ Đoàn Xuân Hòa).

Đó là nơi:

“...

Gương mặt cha sạm những cù lao nổi

Sóng đổ vào vầng trán sóng nhiều hơn

Nắng phanh phui trên lưng áo mẹ sờn

Ớt rừng rực thắp đầy nón lửa

Cả tóc em xòa tung trước cửa

Cũng đọng mùi đồng nội quá hanh hao”

Đảo chè Thanh Chương (Nghệ An), danh thắng xứ Nghệ

Đảo chè Thanh Chương (Nghệ An), danh thắng xứ Nghệ

Có lẽ nhờ uống nước chè xanh, ăn ớt nhiều...mà người miền Trung nói chung, người Nghệ nói riêng có sức khỏe dẻo dai, vượt lên được thiên nhiên khắc nghiệt, nhất là mùa hè với gió Lào hào phóng, rộng lượng.

Em sẽ hỏi anh, chè xanh trồng ở đâu? Thưa em, có thể trồng trong vườn nhà từng gia đình, trên đồi, trên rú...Trồng tự cung tự cấp, hoặc trồng để bán, thêm tiền mua cá, mua tôm, mua thêm sách vở cho đàn con. Chè xanh cũng là hình ảnh tảo tần của người mẹ xứ Nghệ.

Trong các vùng trồng chè xanh và chè xanh trở thành thương hiệu, có lẽ nổi tiếng nhất là chè Gay, Anh Sơn, Nghệ An. Em có thể tra trên điện thoại thông minh, định vị. Từ Quốc lộ 7, rẽ qua đất Lĩnh Sơn, gập ghềnh trên con đường trải nhựa cấp phối, là đường về xã Cao Sơn, nơi có những ngọn đồi với màu xanh mượt mà của chè.

Chè Gay đã trở thành đặc sản của xứ Nghệ. Nhưng để bám rễ vươn mầm, dâng cho đời vị ngọt chát đậm đà, cây chè xứ này đã trải qua không ít thăng trầm. Các cụ cao niên ở đây cũng không nhớ cây chè bám trụ trên đất Cao Sơn từ bao giờ, chỉ biết hiện vẫn có nhiều vườn chè có tuổi đời lên đến 40-50 năm.

Nước chè xanh Xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon

Nước chè xanh Xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon

Làm chè cực khổ nên người dân Cao Sơn có câu: “Ai ơi chớ lấy chồng gay/Cơm đêm hai bữa, cơm ngày thì không”. Có lẽ vì vậy mà chè nơi đây có hương vị thật khác lạ, khác lạ. Hương vị của tảo tần, những giọt mồ hôi lăn trên tuyết da người con gái vùng Cao Sơn mà thành khác lạ.

Em biết không, chè xanh ngoài giải khát, từ lâu đã được khẳng định, không chỉ giúp chữa bệnh. Lá chè xanh chứa nhiều thành phần có tác dụng tăng cường sức đề kháng, giúp cơ thể trở nên dẻo dai, khỏe mạnh hơn. Và, em biết không, chè xanh chính là một loại thảo dược tốt cho da không thua kém các loại mĩ phẩm; ngoài ra còn tốt cho phụ khoa nữa mà. Chắc chắn em sẽ tò mò, vì em yêu anh. Không có gì, giúp người phụ nữ tạo ra sự hấp dẫn đối với người đàn ông ngoài vẻ đẹp hình thể và tâm hồn. “Nhất dáng, nhì da, thứ ba khuôn mặt”, đấy em.

Anh sẽ yêu em, mê đắm ngoài tưởng tượng, ngoài khái niệm nhờ trên làn da em, có mùi thơm của chè xanh quê nhà còn ngậm sương đêm. Chè bạng là chè xanh xứ Nghệ, tất nhiên nó hơi khác cách gọi “chè Bạng” của người phía Bắc đó em. Xíu, xíu thôi, cưng./.

Hà Tĩnh, ngày 02/6/2021

NĐH

Tản văn của Ngô Đức Hành

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/che-bang-a3289.html