Chạy đua đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất chip thế giới?

Năm 2023 được đánh giá là năm sôi động đối với ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam khi nhận được sự quan tâm của nhiều tập đoàn lớn trên toàn cầu với kỳ vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới, là một phần trong 'miếng bánh' nghìn tỷ USD vào năm 2030. Vậy Việt Nam sẽ làm gì để hiện thực hóa mục tiêu trên?

Thị trường chip toàn cầu dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Ông John Neuffer, Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), cho biết đây là “dấu hiệu cho thấy thị trường chip toàn cầu đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ” sau khi đơn vị Thống kê Thương mại Bán dẫn Thế giới dự báo “tăng trưởng mạnh mẽ” vào năm 2024, với doanh thu toàn cầu tăng 13% lên 588 tỷ USD.

Sôi động ngay từ đầu năm

Những điều kiện thuận lợi trên được kỳ vọng là tiền đề để hoạt động chip bán dẫn càng trở nên sôi động hơn tại Việt Nam. Mới đây, ngay sau khi tới Davos, Thụy Sỹ, trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô tô, chip bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này.

Năm 2024 dự báo ngành bán dẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn trong ngành công nghiệp bán dẫn. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành điện tử, bán dẫn đã hiện diện và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam như Intel, Samsung, Amkor, Qualcomm, Infineon, Marvell, Hana Micron… Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), Hiệp hội Bán dẫn Châu Á và một số tập đoàn lớn, các đối tác đều đánh giá cao tiềm năng của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Theo Thủ tướng, Việt Nam xác định công nghiệp bán dẫn là một động lực phát triển mới và sẽ đầu tư để tham gia vào cả 3 công đoạn trong chuỗi giá trị vi mạch bán dẫn gồm thiết kế, chế tạo và đóng gói; hiện đang tiếp tục tập trung phát triển nền tảng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và sẽ có chính sách ưu đãi phù hợp.

Để phát triển các lĩnh vực trên, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm hạ tầng chiến lược để giảm chi phí logistics, chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; và hoàn thiện thể chế để tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, người dân.

Đồng thời, Việt Nam xác định rõ tầm nhìn và quyết tâm cao trong việc theo đuổi, phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và xây dựng hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong đó, Việt Nam sẽ sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo 50 nghìn kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn, nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, tạo điều kiện nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam.

Trước sức nóng của ngành chip bán dẫn, Sách Trắng 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng đã nhấn mạnh tới hợp tác của Việt Nam – EU trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp này. Theo đó, EuroCham mong muốn, thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa các công ty công nghệ châu Âu và các nhà sản xuất Việt Nam, nâng cao năng lực của ngành công nghiệp nội địa để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Điều kiện để duy trì sức hút

Tuy vậy, EuroCham cũng nhấn mạnh vào việc tích hợp các thông số về tính bền vững trong giám sát chuỗi cung ứng; Triển khai các cơ chế kỹ thuật số chắc chắn để bảo vệ sở hữu trí tuệ: Đầu tư vào lực lượng lao động có tay nghề cao để thực hiện các tiêu chuẩn trong ngành.

“Cần thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức giáo dục về đào tạo chuyên ngành và sáng kiến học tập liên tục để xây dựng lực lượng lao động không chỉ có kỹ năng mà còn có khả năng thích ứng với nhu cầu không ngừng thay đổi của ngành”, EuroCham nhấn mạnh.

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Hoa Kỳ (SIA), để làm ra một chip bán dẫn, có 3 khâu cơ bản gồm: thiết kế, sản xuất, và cuối cùng là kiểm định - đóng gói. Trong đó khâu thiết kế chiếm khoảng 53% giá trị trong chip, khoảng 24% ở khâu sản xuất và 6% còn lại ở khâu kiểm định - đóng gói. Dù tập trung vào lựa chọn nào, thì việc đáp ứng được những yêu cầu của ngành bán dẫn là không hề dễ dàng.

Trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu có hiệu lực từ đầu năm nay, các doanh nghiệp nước ngoài không còn quan tâm đến ưu đãi về thuế mà quan tâm đến các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tổng thể, trong đó cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.

Ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Quốc gia Intel tại Việt Nam đánh giá, trong thời gian gần đây, hoạt động sôi động của các công ty bán dẫn với tư cách đơn lẻ hay Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ bán dẫn tới Việt Nam cho thấy sự sôi động, hấp dẫn đầu tư ở thị trường Việt Nam.

Theo ông Thắng, khi nhà đầu tư quan tâm tới một quốc gia thì họ quan tâm tới chính sách tổng thể của quốc gia đó, trong đó chính sách tổng hòa liên quan là nhân lực, thuế, hỗ trợ phát triển hạ tầng... Chính sách đó càng hiện đại, càng bám sát nhu cầu của doanh nghiệp trong thời đại mới thì họ càng quyết định đầu tư.

“Để mở rộng và tăng vị thế Việt Nam trong chuỗi bán dẫn toàn cầu, cần quan tâm tới thách thức về phát triển nguồn nhân lực cần đa dạng cho nhiều yêu cầu khác nhau, chính sách hỗ trợ, đồng thời duy trì chính sách năng động mới mẻ, đáp ứng thách thức hiện tại của doanh nghiệp”, ông Thắng cho biết.

Các chuyên gia nhận định, việc đáp ứng được hạ tầng và nhân lực cho ngành bán dẫn là rất quan trọng để Việt Nam củng cố duy trì sức hút trong cuộc đua giành lợi thế so với các quốc gia trong khu vực có cùng điều kiện là Malaysia, Thái Lan nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất chip của thế giới.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/chay-dua-dua-viet-nam-thanh-trung-tam-san-xuat-chip-the-gioi-1097924.html