Chạy... bảo hiểm xã hội

Đầu năm 2018 chưa thu bảo hiểm xã hội (BHXH) theo tổng thu nhập là thông điệp mà Cơ quan BHXH Việt Nam nỗ lực đưa ra trong tuần qua, tại các cuộc họp báo, hội nghị trực tuyến của ngành, để trấn an doanh nghiệp và cả người lao động. Những nỗ lực này là rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang lo sốt vó về gánh nặng tài chính trong năm mới liên quan đến việc này, bên cạnh gánh nặng tăng lương tối thiểu và bối cảnh 'nhiều người lao động xin nghỉ và muốn nhận 'một cục'' mà báo Tuổi Trẻ vừa phản ánh.

Thật ra vấn đề nhiều người lao động, chủ yếu là công nhân, muốn nhận BHXH một lần sau khi nghỉ việc thay vì chờ có việc mới, đóng BHXH tiếp để được nhận lương hưu đã được báo chí phản ánh rải rác trong thời gian dài, nhất là mỗi khi chính sách BHXH có sự điều chỉnh hay thị trường lao động có sự biến động. Khi đó, để ổn định tình hình, cơ quan BHXH các cấp thường cố gắng tuyên truyền lợi ích của việc tham gia BHXH, cũng như phủ nhận tính quy mô hay nguồn cơn sự việc có liên quan đến chính sách về BHXH.

Có điều, những ứng phó mang tính sự vụ này không thể làm mờ đi bức tranh có tính khái quát cao từ các con số thống kê của chính BHXH Việt Nam. Đó là, “trong giai đoạn 2013-2016 đã có 2,5 triệu người lao động nhận BHXH một lần. Chín tháng đầu năm 2017 có gần 537.000 người và dự báo đến hết năm 2017 sẽ có khoảng 700.000 người nhận BHXH một lần”. Con số này rất lớn, nếu so với con số hơn 13 triệu - là số lao động đang đóng BHXH trên cả nước hiện nay (chiếm 24% tổng số lao động) và so với mục tiêu đến năm 2020 số người tham gia BHXH chiếm 50% tổng số lao động mà bài báo trên dẫn ra. Tất nhiên, cũng sẽ có lực lượng lao động mới gia nhập vào thị trường lao động chính thức và đóng BHXH, nhưng nếu việc nhận BHXH “một cục” thành xu hướng dài hạn, mô hình tham gia BHXH như chiếc bình thông nhau, số vào còn ít hơn số ra trước hạn như hiện nay, thì vấn đề không chỉ là gánh nặng an sinh xã hội sau này với những người “rời cuộc chơi” sớm mà còn là bài toán cân đối quỹ BHXH vốn đã rất mong manh (cũng chưa thấy thống kê tổng số tiền phải chi “một cục” cho những người này).

Cho nên, tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia BHXH, thuyết phục doanh nghiệp/người lao động đóng chứ không “trốn” dưới nhiều hình thức, không nhận “một cục” là chưa đủ. Ở chiều ngược lại, cơ quan BHXH cần đứng ra chủ trì khảo sát để biết vì sao người lao động lại muốn nhận BHXH “một cục” dù như vậy hoàn toàn không có lợi (như giải thích của cơ quan này), ít nhất là với những người đã và đang làm hồ sơ để nhận “một cục”.

Khảo sát sơ bộ phản hồi của bạn đọc (không hẳn là những người lao động đã nhận “một cục”) dưới bài báo nói trên (bản online), có thể thấy câu trả lời tựu quanh vấn đề niềm tin. Bên cạnh khó khăn kinh tế trước mắt, người lao động không tin vào tương lai tiếp tục có việc làm ở khu vực chính thức, thậm chí không tin vào khả năng kéo dài sự sống của mình để mà tiếp tục đóng BHXH và chờ hưởng lương hưu. Họ không tin vào tính ổn định, công bằng của chính sách BHXH, nghĩ rằng theo thời gian mình sẽ bị thiệt. Không tin vào độ an toàn của quỹ BHXH, bao gồm cả nguyên nhân quản trị. Không tin rằng mức đóng của mỗi người hiện nay vẫn còn thấp (cho nên BHXH Việt Nam mới có lộ trình mở rộng phạm vi thu nhập phải đóng) mà ngược lại.

Tất nhiên, một mình cơ quan BHXH không thể giải nổi câu chuyện niềm tin nói chung, nhưng những gì thuộc về phạm trù chính sách thì chính cơ quan BHXH phải là đầu mối để kiến nghị hay tự mình có sự điều chỉnh, để tạo được niềm tin nơi doanh nghiệp và người lao động vào thiết chế BHXH - một thiết chế vốn dĩ được thiết kế trên cơ sở niềm tin.

Thời gian qua, chính sách BHXH có nhiều sự thay đổi hay đề xuất thay đổi về mức đóng, cách đóng BHXH, về tuổi nghỉ hưu, mức hưởng, thời gian hưởng lương hưu. Tất cả những điều này đều theo hướng tăng nghĩa vụ và giảm quyền lợi của người lao động. Cùng với đó là xu hướng người lao động muốn nhận và... chạy nhiều yếu tố thuộc về điều kiện để được nhận BHXH “một cục”, kể cả nghỉ việc. Sự không ổn định của chính sách là điểm yếu của chính sách!

Cho dù không thể không thay đổi vì liên quan đến nguy cơ vỡ quỹ BHXH, nên chăng, các quy định mới chỉ áp dụng với người mới tham gia BHXH, không hồi tố với những người đang tham gia BHXH. Tất nhiên, khi đó, các cân đối tài chính để đảm bảo an toàn quỹ sẽ phải được tính toán lại theo chu kỳ dài hơn nữa. Và, giải pháp có thể không chỉ ở chỗ tăng mức đóng của người này, giảm quyền lợi được hưởng của người kia. Mở rộng phạm vi người tham gia BHXH không chỉ là nới độ phủ của lưới an sinh xã hội cho nhiều người, nó cũng có thể tham gia vào bài toán cân đối quỹ. Trong điều kiện niềm tin vào thiết chế BHXH trồi sụt theo nhiều yếu tố chủ quan, khách quan như hiện nay, đa dạng và linh hoạt các loại hình BHXH là điều cần thiết.

Nguyên Lê

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/165269/chay-bao-hiem-xa-hoi.html