Châu Thành: 'Dân vận khéo' trong phát triển kinh tế

Những năm qua, Ban Chỉ đạo Quy chế dân chủ ở cơ sở và phong trào thi đua 'Dân vận khéo' (Ban Chỉ đạo) huyện Châu Thành luôn kịp thời tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức triển khai thực hiện phong trào 'Dân vận khéo' với nhiều mô hình ở các lĩnh vực phát triển đời sống xã hội. Trong đó, lĩnh vực kinh tế đã góp phần tái cơ cấu kinh tế ở địa phương, đã huy động tiềm năng, lợi thế của huyện.

Ông Nguyễn Hữu Ý, Giám đốc HTX chăn nuôi dê Thuận Phát tại trại chăn nuôi dê của gia đình.

Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo huyện tập trung tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức về phòng trào thi đua “Dân vận khéo”, các nội dung, phương thức dân vận của Đảng trong giai đoạn cách mạng mới được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo huyện tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo chỉ đạo các ngành, địa phương làm tốt công tác tuyên truyền về phong trào thi đua. Xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ theo phương châm “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về phong trào thi đua và tuyên truyền về các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu để nhân rộng.

Đồng chí Đỗ Văn Chúc, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành cho biết: phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện đã được cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang, Mặt trận, các đoàn thể, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tổ chức thực hiện và thể hiện rõ trong cuộc sống ở khu dân cư, trong các cơ quan, đơn vị, với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực.

Qua triển khai thực hiện đã tác động tích cực đến nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân. Từ đó, tạo được phong trào thi đua sâu rộng, có nhiều mô hình của tập thể và cá nhân thực hiện trên các lĩnh vực. Trong năm, toàn huyện có 70 mô hình “Dân vận khéo” của các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện ở các lĩnh vực: kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có 16 mô hình của các tập thể, cá nhân đăng ký thực hiện.

Tiêu biểu, như: mô hình sản xuất lúa hữu cơ của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - thương mại và sản xuất - dịch vụ Châu Hưng của Hội Nông dân xã Hưng Mỹ; mô hình xây dựng tổ kinh tế hợp tác trồng nho hạ đen không hạt của Hội Nông dân xã Hòa Lợi; mô hình vận động Nhân dân giữ vững và mở rộng diện tích lúa hữu cơ gắn với nuôi tôm dưới chân ruộng lúa của Ban Chấp hành xã Long Hòa; mô hình HTX chăn nuôi dê Thuận Phát của Hội Nông dân xã Thanh Mỹ...

Ông Nguyễn Hữu Ý, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX chăn nuôi dê Thuận Phát cho biết: HTX có 30 thành viên tham gia hoạt động, với vốn điều lệ 250 triệu đồng. Điều thuận lợi của HTX là luôn đảm bảo đầu ra đối với dê thịt. HTX hàng tháng xuất khoảng 04 tấn dê thịt. Hiện, HTX phát triển thêm cửa hàng cung ứng thức ăn nhằm hạ giá thành (bán giá gốc) đầu vào cho xã viên trong việc đầu tư chăn nuôi, tăng lợi nhuận.

Ông Ý cho biết thêm, hướng tới, HTX tiếp tục phát triển mở rộng, thu hút, kết nạp thêm xã viên, tăng đàn cho HTX. Đồng thời, thu mua dê thịt vỗ béo, cung ứng cho thị trường. Ngoài việc cung ứng dê hơi ra thị trường, có điều kiện, HTX xây dựng kho đông lạnh, trữ thịt đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Đồng chí Đỗ Văn Chúc, Phó Trường Ban Dân vận Huyện ủy Châu Thành cho biết thêm: các mô hình “Dân vận khéo” trên địa bàn huyện vận động Nhân dân phát triển kinh tế tập trung vào các lĩnh vực mới, ấp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao, liên kết, trao đổi, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Quy hoạch sản xuất, kinh doanh chất lượng cao, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, hỗ trợ vốn, giống, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu hàng hóa... làm chuyển biến nhận thức, thay đổi tư duy và cách làm, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho người tham gia mô hình nói riêng và địa phương nói chung. Điều này cho thấy, kinh tế tập thể dần khẳng định vai trò, tầm quan trong trọng, mang tính chất bền vững trong phát triển kinh tế cho người tham gia mô hình, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển theo hướng bền vững.

Bài, ảnh: HUỲNH NỔI

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/chau-thanh-dan-van-kheo-trong-phat-trien-kinh-te-35303.html