Châu Âu thông qua chính sách mới về người tị nạn

Chính sách mới được kỳ vọng sẽ giúp EU giải quyết phần nào những thách thức từ làn sóng người nhập cư.

Liên minh châu Âu đã hoàn thành việc cải cách chính sách dành cho người di cư trong bối cảnh làn sóng tị nạn từ khắp nơi trên thế giới ồ ạt đến khu vực này, gây ảnh hưởng đến an ninh và sự ổn định của lục địa già.

Hôm thứ Ba, các quốc gia thành viên EU đã nhóm họp và thông qua Đạo luật về Di cư và Tị nạn mới. Với nhiều điều khoản mang tính đột phá, đạo luật này đảm bảo các quốc gia trong khối đều phải gánh vác trách nhiệm đối với vấn đề người di cư.

Châu Âu đang đối mặt với làn sóng ồ ạt người nhập cư. Ảnh: Getty image

Châu Âu đang đối mặt với làn sóng ồ ạt người nhập cư. Ảnh: Getty image

Đạo luật mới đưa ra các quy định chặt chẽ hơn liên quan đến việc sàng lọc dòng người di cư, tăng cường đảm bảo an ninh, đẩy nhanh thủ tục kiểm tra sức khỏe và cung cấp tư vấn miễn phí. Điểm mới của đạo luật này là việc chính phủ có thể xem xét đưa ra những lựa chọn nhằm đảm bảo quản lý hiệu quả người tị nạn, như di dời một lượng người tị nạn nhất định đến nơi khác, trả 20.000 euro cho những người mà họ từ chối cho tị nạn hoặc cung cấp những hỗ trợ tài chính.

Ba Lan và Hungary đã bỏ phiếu phản đối dự luật này. Kể từ khi quá trình cải cách được khởi xướng vào năm 2020, cả hai nước này đã liên tục chỉ trích kế hoạch trên khi cho rằng điều này sẽ buộc họ phải chấp nhận những người di cư trái với mong muốn.

Trong khi đó, Cộng hòa Séc và Slovakia đã chọn bỏ phiếu trắng khi vẫn tỏ ra hoài nghi về tính hiệu quả của kế hoạch.

Tuy vậy, đạo luật mới vẫn được thông qua do đa số các thành viên chấp thuận.

Dù đã được thông qua, việc Ba Lan và Hungary lần lượt phản đối báo hiệu trước những khó khăn mà khối phải đối mặt nhằm đảm bảo đạo luật có thể được triển khai hiệu quả trong thực tế.

Vào tháng 6 tới, Ủy ban châu Âu dự kiến sẽ trình bày kế hoạch bao gồm các yếu tố pháp lý và hoạt động cần thiết nhằm triển khai đạo luật mới vào thực tế. Tiếp đó, các quốc gia thành viên sẽ có thời hạn đến tháng 1/2025 để đệ trình kế hoạch quốc gia. Điều này nhằm giúp mỗi quốc gia có thể xác định các nguồn lực cần thiết cho việc di cư, chẳng hạn như công tác đào tạo, nhân sự, trang thiết bị và cơ sở vật chất cần thiết.

Các cuộc đàm phán về việc thực hiện kế hoạch trên thực tế có thể sẽ phải kéo dài trong nhiều tháng và thậm chí sẽ làm bùng phát các tranh chấp, mâu thuẫn chính trị.

Theo các nguồn tin, EU sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ euro cho đến năm 2027 để thực hiện kế hoạch này. Tuy nhiên, nguồn ngân sách có thể nhanh chóng cạn kiệt nếu các quốc gia đưa ra những đề xuất chi tiêu khổng lồ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và thuê nhân công.

Một vấn đề cũng cần quan tâm là liệu Ba Lan và Hungary có tuân thủ những quy tắc mà họ kiên quyết phản đối không.

“Đạo luật di cư sẽ khiến Liên minh châu Âu gặp nhiều thách thức. Sự thống nhất trong toàn khối cũng như an ninh biên giới sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Hungary sẽ không bao giờ nhượng bộ trước làn sóng di cư ồ ạt” – Thủ tướng Hungary Viktor Orban phát biểu sau cuộc bỏ phiếu thông qua.

Tương tự, Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cũng bày tỏ ý kiến phản đối đạo luật mới, đồng thời khẳng định sẽ bảo vệ quốc gia này khỏi làn sóng tị nạn ồ ạt kéo đến.

Tùng Lâm

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chau-au-thong-qua-chinh-sach-moi-ve-nguoi-ti-nan.html