Châu Âu phân bổ người tị nạn

Hiệp ước châu Âu về Di cư và Tị nạn (EPMA) được Nghị viện châu Âu bỏ phiếu thông qua ngày 10/4 vừa qua. Hiệp ước được cho là sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn những người di cư vào Liên minh châu Âu (EU) và đưa ra cơ chế hợp tác giữa các quốc gia thành viên EU liên quan đến việc phân bổ người tị nạn.

Được đề xuất vào ngày 23/9/2020 bởi Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, EPMA nhằm cải cách triệt để chính sách di cư của châu Âu. Trong cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, dòng người di cư ồ ạt (1,8 triệu người trong một năm) đã gây bất ổn nghiêm trọng cho sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Đó đã là một thất bại của châu Âu trong lĩnh vực tị nạn và nhập cư.

Ngày nay, EU đang phải đối mặt với sự gia tăng mới về số đơn xin tị nạn. Họ đã đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng di cư năm 2015, với 1,14 triệu đơn đăng ký vào năm 2023. Cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển châu Âu (FRONTEX) cũng báo cáo rằng năm 2023 chứng kiến sự gia tăng lớn nhất về số lượng người nhập cảnh bất thường vào EU kể từ năm 2016.

Cậu bé nhập cư bất hợp pháp sợ hãi sau khi trải qua một hành trình dài.

EPMA được đề xuất nhằm mục đích cải cách Quy định Dublin trước đây, vốn là tâm điểm của nhiều tranh cãi căng thẳng. Được thông qua vào năm 2013, Quy định Dublin giao quyền kiểm tra đơn xin tị nạn cho quốc gia EU đầu tiên nơi người di cư đến và do đó tập trung phần lớn áp lực di cư lên các quốc gia này. Cuộc khủng hoảng năm 2015 nêu bật sự kém hiệu quả của quá trình này, những điểm yếu của hệ thống tị nạn quốc gia và sự thiếu đoàn kết trong EU; khi các quốc gia đi đầu, chẳng hạn như Hy Lạp, bị quá tải và không thể xử lý đơn xin tị nạn một cách thích hợp.

Kể từ đó, các nước nhập cảnh đầu tiên đã kêu gọi một cơ chế đoàn kết hiệu quả hơn - nhưng không có kết quả. Sau cuộc khủng hoảng di cư 2015, một đề xuất về hạn ngạch và phân bổ người tị nạn bắt buộc đã được đưa ra, nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn. Do đó, một hiệp ước mới đã được đề xuất nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập này.

Các nghị sĩ châu Âu biểu quyết tán thành EPMA.

EPMA bao gồm 6 quy định, 3 khuyến nghị và một chỉ thị, được thiết kế nhằm đạt được sự cân bằng giữa kiểm soát biên giới và tình đoàn kết trong việc tiếp nhận người tị nạn trên đất châu Âu.

Hệ thống mới này đã bị phe cực hữu chỉ trích, đặc biệt là đảng Rassemblement National (RN) của Pháp. Tuy nhiên, trái ngược với những gì phe cực hữu lo ngại, việc tái định cư người tị nạn sẽ không bắt buộc. Tất cả các quốc gia thành viên sẽ có nghĩa vụ đóng góp vào cơ chế đoàn kết, tốt nhất là dưới hình thức chấp nhận tái định cư, nhưng các lựa chọn khác đã được đề xuất cho các quốc gia từ chối tiếp nhận người xin tị nạn. Mặt khác, đảng Xanh, cánh tả cấp tiến và một số chính khách đảng Xã hội đã tố cáo điều mà họ coi là “sự ngoại hóa biên giới của chúng ta”, với việc những người nộp đơn sẽ bị đưa trở lại các nước thứ ba “an toàn”. Tuy nhiên, hiệp ước này nhận được sự ủng hộ của 3 khối chính trị chính của châu Âu: đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Xã hội và Dân chủ (S&D) và Đổi mới châu Âu.

EPMA nhận được sự thống nhất ủng hộ vào ngày 10/4 sau hơn 3 năm đàm phán. Chủ tịch Ủy ban EU von der Leyen, người đã coi cải cách này là một đặc điểm quan trọng trong nhiệm kỳ của mình, từ lâu đã lo ngại rằng nó sẽ không thành hiện thực trước cuộc bầu cử châu Âu dự kiến diễn ra vào tháng 6/2024.

Sau 2 năm tê liệt chính trị, các cuộc đàm phán đã đạt được tiến bộ đáng kể vào năm 2023. Vào ngày 20/4, Nghị viện châu Âu đã công bố lập trường đàm phán ủng hộ 4 quy định cơ bản, bao gồm biện pháp liên quan đến sàng lọc và văn bản thiết yếu liên quan đến các tình huống khủng hoảng.

Người di cư ở Lampedusa, Italy, tháng 9/2023.

2 tháng sau, vào ngày 8/6/2023, các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa hiệp về 2 dự luật quan trọng, nổi bật là dự luật thiết lập cơ chế đoàn kết bắt buộc mới. Bà von der Leyen thậm chí còn ca ngợi “một thỏa thuận về hiệp ước chưa bao giờ gần đến thế”, trong bài phát biểu thường niên tại EU vào ngày 13/9/2023. Sau đó, bà kêu gọi MEP và 27 quốc gia thành viên EU “hãy chứng tỏ rằng châu Âu có thể quản lý tình trạng di cư một cách hiệu quả và đầy lòng nhân ái. Hãy hoàn thành việc này”. Tuy nhiên, sự chia rẽ sâu sắc vẫn tồn tại giữa các quốc gia thành viên. Ba Lan và Hungary phản đối cả 2 dự luật, trong khi Bulgaria, Lithuania và Slovakia bỏ phiếu trắng. Phần cuối cùng về quản lý khủng hoảng đã bị Đức chặn lại, nhưng sau đó đã đạt được thỏa hiệp vào cuối tháng 9.

Cuối tháng 12/2023, một thỏa thuận mang tính quyết định đã đạt được giữa các tổ chức EU để thông qua 5 phần quan trọng nhất của hiệp ước di cư. Tuy nhiên, thông báo này đã bị chỉ trích nặng nề bởi các tổ chức phi chính phủ, những người đã chỉ ra các biện pháp đi ngược lại các quyền cơ bản của con người.

Giới chuyên gia kêu gọi sự thận trọng về EPMA. Le Coz, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu của Viện Chính sách di cư, cho rằng sau khi EPMA được thông qua, điều quan trọng là phải chú ý kỹ đến việc triển khai thực hiện hiệp ước, đặc biệt là về mặt tôn trọng quyền của người xin tị nạn. EPMA vẫn phải được các quốc gia thành viên EU phê chuẩn để có hiệu lực hoàn toàn trong thời gian tới và các chuyên gia dự đoán điều đó có thể xảy ra tương đối nhanh chóng vì đã đạt được thỏa thuận chính trị. Từ đó, các quốc gia sẽ cần tìm ra cách thực sự thực hiện các biện pháp này.

An Châu

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/chau-au-phan-bo-nguoi-ti-nan-i728179/