Châu Âu đã tránh được cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông

Chiến lược 'vũ khí hóa năng lượng' của Nga nhằm gây sức ép với châu Âu liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine dường như đang thất bại ít nhất là vào lúc này.

Thời tiết mùa đông ấm hơn thường lệ, cuộc chạy đua mua khí đốt bên ngoài Nga và nỗ lực giảm nhu cầu khí đốt giúp các nước châu Âu tránh được khủng hoảng năng lượng trong mùa đông này, với lượng khí đốt dự trữ vẫn ở mức cao và giá mặt hàng nhiên liệu này giảm xuống mức trước chiến tranh. Đến thời hiện tại, có thể nói rằng châu Âu đã vượt qua giai đoạn tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng năng lượng.

Kho cảng LNG nổi đầu tiên của Đức ở cảng Wilhelmshaven chính thức vận hành hồi tháng 11 năm ngoái. Ảnh: AP

Sự kết hợp của các yếu tố bao gồm đà lây lan bùng nổ của Covid-19 ở Trung Quốc đã làm giảm sự cạnh tranh đối với các lô hàng khí đốt hóa lỏng ( LNG) trên thị trường quốc tế. Điều này đang giúp giảm lạm phát, ổn định triển vọng kinh tế của châu Âu và khiến Điện Kremlin có ít đòn bẩy hơn đối với các đồng minh phương Tây của Ukraine.

Trong khi một đợt không khí lạnh đột ngột xuất hiện hoặc tình trạng gián đoạn của các lô hàng LNG vẫn có thể khiến thị trường năng lượng rơi vào tình trạng hỗn loạn, thì các nước châu Âu đang ngày càng lạc quan về việc họ có thể vượt qua mùa đông này và mùa đông tới.

“Nguy cơ về một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn diện, một cuộc khủng hoảng tồi tệ đối với ngành công nghiệp ở châu Âu đã được ngăn chặn” Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, kiến trúc sư của các phản ứng của Đức đối với cuộc khủng hoảng năng lượng, nói. Phát biểu của ông Habeck được đưa ra trong chuyến thăm Na Uy trong tuần qua. Na Uy đã thay thế vị trí của Nga để trở nhà cung cấp khí đốt lớn nhất của Đức.

Cuộc khủng hoảng năng lượng do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine vào tháng 2 năm ngoái khiến châu Âu thiệt hại gần 1 nghìn tỉ đô la Mỹ do giá các mặt hàng nhiên liệu giá thạch tăng vọt. Các chính phủ ở châu Âu đã phản ứng bằng cách triển khai tổng cộng hơn 700 tỉ đô la để hỗ trợ các công ty và người tiêu dùng chống chọi đòn giáng từ chi phí năng lượng. Các nước châu Âu cũng đã gấp rút tiến hành một loạt biện pháp để loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.

Liên minh châu Âu (EU) không còn nhập khẩu than và dầu thô từ Nga và chỉ còn tiếp nhận một lượng khí đốt bị hạn chế đáng kể của Nga. Khối này lấp đầy khoảng trống nguồn cung năng lượng từ Nga bằng cách tăng mua khí đốt của Na Uy và LNG của Qatar, Mỹ và các nhà sản xuất khác.

Hiện tại, các kho trữ khí đốt ở Đức đầy khoảng 91%, so với mức 54% cách đây một năm. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã quốc hữu hóa các đơn vị kinh doanh tại Đức của Tập đoàn năng lượng Gazprom, nhà xuất khẩu khí đốt của Nga, đồng thời chi hàng tỉ euro để lấp đầy các kho trữ khí đốt.

Các biện pháp tiết kiệm năng lượng từ các ngành công nghiệp và các hộ gia đình cũng như nhiệt độ tháng 1-2023 ấm nhất trong nhiều thập niên đã giúp bảo tồn nguồn khí đốt dự trữ đó.

“Giờ đây, chúng tôi rất lạc quan, điều mà chúng tôi không có được vào mùa thu năm ngoái. Càng có nhiều khí đốt trong các cơ sở lưu trữ vào đầu năm này, thì chúng tôi càng ít đối mặt với căng thẳng và chi phí đắt đỏ hơn trong nỗ lực nạp đầy lại khí đốt cho mùa đông năm tới”, Klaus Mueller, người đứng đầu FNA, cơ quan quản lý mạng lưới điện, khí đốt và viễn thông của Đức, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình ARD hôm 6-1.

Giá khí đốt chuẩn ở châu Âu đã giảm xuống còn 1/5 so với mức cao kỷ lục được thiết lập vào tháng 8 năm ngoái. Dù các nhà phân tích lo ngại giá rẻ hơn có thể kích thích nhu cầu nhưng mức tiêu thụ khí đốt ở châu Âu vẫn đang giảm, một tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế của khu vực vốn đang chật vật chống đỡ lạm phát. Trong một báo cáo gần đây, Ngân hàng Morgan Stanley cho biết trong năm 2023, mức tiêu thụ khí đốt của châu Âu dự kiến thấp hơn khoảng 16% so với mức trung bình 5 năm qua.

Nỗ lực mở rộng công suất năng lượng tái tạo cũng đang hỗ trợ châu Âu. Theo S&P Global, năng lượng gió và mặt trời cao hơn sẽ giúp cắt giảm 39% sản lượng điện chạy bằng khí đốt tại 10 thị trường năng lượng lớn nhất châu Âu trong năm nay.

Đức, từng là nước mua khí đốt lớn nhất của Nga, sẽ mở ba kho cảng nhập khẩu LNG trong mùa đông này. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hy vọng các cơ sở LNG mới sẽ giúp đáp ứng khoảng 1/3 nhu cầu khí đốt trước đây. Nguồn cung khí đốt ổn định từ các nhà sản xuất không phải của Nga có khả năng giữ giá khí đốt không tăng lên mức cao kỷ lục của năm ngoái.

Giacomo Masato, nhà phân tích và nhà khí tượng học cấp cao tại Công ty năng lượng Illumia (Ý) nói: “Việc châu Âu lấp đầy thành công các kho dự trữ khí đốt của mình đã thực sự tạo ra vùng đệm ngăn giá tăng cao trong mùa đông sắp tới”.

Ngân hàng Morgan Stanley và hãng ty tư vấn năng lượng Wood Mackenzie dự báo các kho trữ khí đốt ở châu Âu sẽ đầy ở mức 50% vào mùa xuân này nếu thời tiết vẫn ôn hòa. Con số đó cao gấp đôi so mức của mùa xuân năm ngoái.

Dù những diễn biến tích cực trong thời gian gần đây, giá khí đốt ở châu Âu vẫn cao hơn mức trung bình trong lịch sử và rủi ro vẫn còn. Lượng nhập khẩu khí đốt của châu Âu qua đường ống từ Nga trong năm nay dự kiến giảm xuống còn 27 tỉ mét khối, chỉ bằng 1/5 mức thông thường, và Điện Kremlin có thể cắt giảm hoàn toàn nguồn cung này.

Anne-Sophie Corbeau, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia (Mỹ), cho biết đó là mức giảm lớn đối với một thị trường tiêu thụ 400 tỉ mét khối khí đốt vào năm 2021.

Do đó, nguồn cung LNG sẽ đóng vai trò rất quan trọng để đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng cho châu Âu trong mùa đông tới. Đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể dẫn đến sự cạnh tranh gắt gao hơn trên thị trường LNG của thế giới. Với vị thế là một trong ba nhà cung cấp LNG hàng đầu của châu Âu, Nga cũng có khả năng gây ra sự gián đoạn trên thị trường.

Thời tiết ngày càng biến động do biến đổi khí hậu vẫn có thể gây ra những đợt không khí lạnh, chẳng hạn như đợt bão tuyết quét qua nước Mỹ trong thời gian gần đây. Theo hãng tư vấn năng lượng Wood Mackenzie, nhiệt độ đóng băng kéo dài có thể làm cạn kiệt các kho trữ khí đốt ở châu Âu xuống chỉ còn 20% công suất.

Corbeau nhận định để đảm bảo nguồn khí đốt dự trữ ổn định vào mùa hè tới, châu Âu cần nhiều yếu tố thuận lợi, bao gồm nguồn cung cấp điện ổn định từ các cơ sở sản xuất điện gió, hạt nhân và thủy điện, dòng chảy LNG ổn định cũng như cần tiếp tục tiết kiệm năng lượng.

Theo Bloomberg

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-au-da-tranh-duoc-cuoc-khung-hoang-nang-luong-trong-mua-dong/