Châu Âu có thể đối mặt với khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn

Một nhà máy điện hạt nhân ở Essenbach, gần Landshut, miền Nam Đức, ngày 4/8/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

* Anh sẵn sàng ký một thỏa thuận với đối tác năng lượng EU

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây cảnh báo châu Âu có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng thậm chí còn nghiêm trọng hơn vào năm tới sau khi rút cạn kho dự trữ khí đốt để vượt qua cái lạnh của mùa đông năm nay.

Các nước châu Âu đã kịp lấp đầy 90% các kho dự trữ khí đốt sau khi Nga cắt nguồn cung khí đốt để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Giá khí đốt đã giảm xuống, nhưng điều này có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi các quốc gia cạnh tranh để mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và tìm nguồn cung khác thay thế Nga.

Để làm dịu nỗi đau, Liên minh châu Âu (EU) đang cân nhắc áp giá trần giá khí đốt, một vấn đề đã gây chia rẽ tại khối này, khi một số quốc gia lo ngại việc đảm bảo nguồn cung sẽ gặp khó khăn hơn.

Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhận định với các kho dự trữ khí đốt đầy gần 90%, châu Âu sẽ sống sót qua mùa Đông với điều kiện là không có những vấn đề đột xuất về chính trị hoặc kỹ thuật.

Với việc phụ thuộc vào Nga để cung ứng khoảng 40% khí đốt, EU sẽ đối mặt với những thách thức thực sự vào tháng 2 hoặc tháng 3 khi kho dự trữ cần được bổ sung sau khi nhu cầu tăng cao trong mùa đông. Ông Birol cho biết mùa Đông năm nay thật khó khăn nhưng mùa đông năm sau có thể còn khó khăn hơn.

Trong báo cáo thị trường khí đốt hàng quý vừa được công bố ngày 3/10, IEA cho biết, thị trường khí đốt tự nhiên trên toàn thế giới đã thắt chặt kể từ năm 2021 và tiêu thụ khí đốt toàn cầu dự kiến sẽ giảm 0,8% trong năm nay do mức giảm kỷ lục 10% ở châu Âu cũng như nhu cầu không đổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong khi đó, nguồn cung khí đốt từ các đường ống dẫn dầu của Nga sang châu Âu đã giảm trong năm nay và giờ chỉ còn lại rất khiêm tốn sau khi đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) từ Nga đến Đức ngừng hoạt động vào đầu tháng 9 và rò rỉ trên hệ thống vào tuần trước.

* Vương quốc Anh đã sẵn sàng ký một thỏa thuận với Tổ chức Hợp tác Năng lượng Biển Bắc tự nguyện (NSEC), dấu hiệu cụ thể đầu tiên cho thấy quan hệ ấm lên giữa Brussels và London.

NSEC, gồm Ủy ban châu Âu, tám quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và Na Uy, tập trung hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện gió và mạng lưới phân phối trong khu vực. Anh từng là thành viên của tổ chức này trước khi rời EU.

Anh đang chuẩn bị ký một biên bản ghi nhớ với NSEC để tái gia nhập tổ chức. Tuy nhiên, Anh sẽ không thể là một thành viên chính thức của NSEC, trừ khi nước này tuân theo các quy định của thị trường nội khối.

Thủ tướng Anh Liz Truss đã trao đổi với lãnh đạo các nước láng giềng về an ninh năng lượng tại cuộc họp khai mạc Cộng đồng Chính trị châu Âu (EPC), gồm các quốc gia châu Âu, tại Prague vào ngày 7/10, kêu gọi 44 quốc gia tham dự cuộc họp tiếp tục cung cấp điện cho Vương quốc Anh thông qua hệ thống cấp điện liên kết.

Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Fiala, hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, cho biết: "Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành quá trình cho phép Vương quốc Anh tham gia Tổ chức Hợp tác Năng lượng Biển Bắc càng sớm càng tốt. Đây sẽ là bước này sẽ tăng cường hợp tác và an ninh năng lượng của châu Âu trước tình trạng thao túng giá năng lượng”.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho biết ông ủng hộ mối quan hệ năng lượng chặt chẽ hơn với Vương quốc Anh. Hà Lan và Bỉ là hai quốc gia cung cấp điện cho Anh thông qua hệ thống cấp điện liên kết vào mùa đông, khi Anh thiếu điện.

Kể từ khi rời EU vào năm 2020, Anh tỏ ra không mấy mặn mà trong việc hợp tác chính thức với Brussels. Tuy nhiên, nhu cầu tìm kiếm các giải pháp thay thế nguồn khí đốt của Nga do cuộc xung đột ở Ukraine đã dẫn đến thay đổi. Vương quốc Anh đã được chọn để tổ chức cuộc họp lần thứ tư của nhóm EPC vào năm 2024.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/286784/chau-au-co-the-doi-mat-voi-khung-hoang-nang-luong-nghiem-trong-hon.html