Châu Á và châu Phi chịu tác động lớn nhất khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải loại basmati của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu và hàng triệu người trên thế giới.

Châu Á và châu Phi chịu tác động lớn nhất khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Ảnh: TTXVN phát

Châu Á và châu Phi chịu tác động lớn nhất khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo. Ảnh: TTXVN phát

Lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải loại basmati của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu và hàng triệu người trên thế giới, trong đó người tiêu dùng ở châu Á và châu Phi chịu tác động lớn nhất.

Ngày 20/7 vừa qua, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo, ngoại trừ gạo basmati được sản xuất tập trung cho xuất khẩu, nhằm bình ổn giá gạo và ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trong nước do khí hậu khắc nghiệt.

Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Ngân hàng Barclays của Anh cho biết Malaysia (Ma-lai-xi-a) dường như là nước dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc nhiều vào gạo của Ấn Độ. Malaysia chủ yếu nhập khẩu gạo từ nước ngoài, trong đó gạo Ấn Độ chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Ngoài ra, Singapore (Xin-ga-po) cũng có khả năng bị ảnh hưởng do gạo Ấn Độ chiếm khoảng 30% lượng gạo nhập khẩu. Các nhà phân tích của Barclays cho biết Singapore đang đề nghị Ấn Độ miễn trừ nước này khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Giá gạo hiện đang dao động ở mức cao nhất trong một thập niên qua do hiện tượng thời tiết El Nino gây mưa lớn hoặc khô hạn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại Ấn Độ cũng như các nhà sản xuất gạo lớn khác của châu Á. Các nhà phân tích của Barclays cho biết Philippines (Phi-líp-pin) sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước sự gia tăng giá gạo toàn cầu, do gạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ hàng hóa tham gia tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này.

Tuy nhiên, châu Á không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Theo bộ phận nghiên cứu BMI thuộc công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions, các thị trường dễ bị ảnh hưởng còn có khu vực sa mạc Sahara châu Phi và khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), đặc biệt là ở Djibouti (Gi-bu-ti), Liberia (Li-bê-ri-a), Qatar (Ca-ta), Gambia (Găm-bi-a) và Kuwait (Cô-oét).

Lệnh cấm xuất khẩu gạo không phải loại basmati của Ấn Độ đã gây tâm lý lo lắng đối với những người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng mặt hàng này trong chế độ ăn uống hằng ngày. Nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng các cửa hàng buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm và giới hạn lượng gạo cung cấp, trong bối cảnh người dân - chủ yếu là cộng đồng gốc Nam Á - đổ xô đi mua gạo để tích trữ.

Số liệu thống kê cho thấy giá gạo không phải loại basmati tại Ấn Độ đã tăng gần 10% trong tháng Bảy vừa qua. Nếu vào tháng Chín năm ngoái, một tấn gạo không phải loại basmati ở Ấn Độ có giá khoảng 330 USD, thì hiện tại đã lên tới 450 USD. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 40% xuất khẩu gạo toàn cầu./.

TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/chau-a-va-chau-phi-chiu-tac-dong-lon-nhat-khi-an-do-cam-xuat-khau-gao/301613.html