Châu Á dẫn dầu thế giới về tốc độ tăng lương trong năm tới

Trong năm 2024, người lao động ở Châu Á-Thái Bình Dương sẽ chứng kiến tốc độ tăng lương thực tế cao hơn hẳn so với các khu vực khác trên thế giới, với mức tăng dự kiến 2,2%, gấp đôi so với mức tăng trung bình 1% trên toàn cầu, theo Báo cáo khảo sát xu hướng tiền lương 2023-2024 của Công ty tư vấn ECA International (Anh).

Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan là 5 nước có mức lương thực tế tăng mạnh nhất thế giới trong năm 2024, theo báo cáo khảo sát của ECA International. Ảnh: eca-international.com

Báo cáo của ECA International cho biết trong năm 2023, trên toàn cầu, mức tăng lương trung bình theo danh nghĩa là 5% và được dự báo giữ nguyên mức tăng này trong năm 2024. Tốc đô tăng lạm phát toàn cầu dự kiến giảm từ mức trung bình 5,5% trong năm nay xuống 3,6% trong năm tới. Sau khi trừ lạm phát, tiền lương thực trên toàn cầu giảm trung bình 0,9% năm 2023, nhưng dự kiến tăng trưởng 1% theo giá trị thực trong năm 2024.

Lương thực tế ở châu Á-Thái Bình Dương dự kiến tăng 2,2% trong năm tới. Con số này sẽ tăng 2% ở khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ, tăng 0,9% ở châu Âu vá tăng 0,8% ở Trung Đông và châu Phi.

Theo báo cáo của ECA International, trong năm nay, 9 trong số 12 nền kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương chứng kiến mức tăng lương thực tế cao nhất thế giới. Tăng trưởng tiền lương ở châu Á sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm tới, với Ấn Độ tăng 5,1%, Indonesia (4,3%) và Trung Quốc (4,1%). Đây sẽ ba nước có mức tăng lương thực tế cao nhất thế giới.

“Trong năm 2024, hầu hết các địa điểm được khảo sát trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều có khả năng duy trì hoặc vượt mức tăng trưởng tiền lương thực tế trong năm 2023, ngoại trừ Sri Lanka và New Zealand”, báo cáo cho biết

Oliver Browne, Giám đốc khảo sát chính sách và lương thưởng tại ECA International, giải thích: “Các nước châu Á tương đối ít bị ảnh hưởng bởi các mức lạm phát tăng đột biến như ở những những nơi khác. Lạm phát đặc biệt thấp ở Trung Quốc có tác động dây chuyền đến nhiều nước khác trong khu vực. Kết quả là, dù không đạt mức tăng lương danh nghĩa cao nhất thế giới nhưng mức tăng lượng thực tế (sau khi trừ lạm phát) của khu vực này lại lớn hơn”.

Trong năm 2023, lương danh nghĩa của người lao động ở Trung Quốc tăng 5,3% và dự kiến tăng lên 5,8% vào năm tới. Đáng chú ý, Trung Quốc ghi nhận tốc độ lạm phát thấp nhất khu vực vào năm 2023, chỉ 0,7%, và dự báo tăng lên 1,7% vào năm 2024. Do đó, mức tăng lương trung bình ở Trung Quốc theo giá trị thực tế là 4,6% vào năm 2023, cao thứ ba trên toàn cầu và cao thứ hai trong khu vực châu Á.

Nhật Bản chứng kiến mức tăng lương danh nghĩa thấp nhất trong khu vực châu Á, ở mức 2,8% trong năm 2023. Mức lương danh nghĩa dự báo cho năm tiếp theo vẫn khiêm tốn, ở mức 3,%, tiếp tục đặt Nhật Bản ở cuối bảng xếp hạng tăng lương của khu vực.

Trong khi đó, lịch sử lạm phát cực thấp của Nhật Bản dường như đã chấm dứt, với lạm phát tăng lên 3,2% trong năm nay. Dù lạm phát phát dự kiến tăng chậm lại còn xuống 2,9% vào năm 2024, thu nhập thực tế của người lao động ở Nhật Bản sẽ không được cải thiện nhiều vào năm tới. Lạm phát mạnh mẽ khiến lương thực tế ở Nhật Bản giảm 0,4% trong năm 2023 và chỉ tăng 0,1% trong năm 2024.

Tại khu vực ASEAN, Việt Nam dẫn đầu về tốc độ tăng lương thực tế trong năm nay, với mức tăng 3,6% và xếp vị trí thứ hai trong năm 2024, cũng với mức tăng 3,6%, theo ECA International. Thái Lan đứng thứ ba khu vực với mức tăng lương thực tế 3,4% trong năm 2024.

“Thái Lan là một trong số ít địa điểm ở Đông Nam Á có lạm phát vượt quá mức tăng lương trung bình vào năm 2022, đồng nghĩa với việc lương thực tế của người lao động bị giảm. Tuy nhiên, chúng tôi đang chứng kiến mức tăng trưởng tiền lương ở Thái Lan dương trong năm nay và với lạm phát dự kiến thấp hơn trong năm tới, tiền lương thực tế ở Thái Lan tiếp tục tăng trong năm tới”, Mark Harrison, Tổng Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của ECA International, nói.

Ngược lại, lương thực tế của người lao động ở Lào giảm đáng kể trong năm 2023, với mức giảm 23,1% do lạm phát tăng vọt 28,1%. Tiền lương thực tế ở Lào dự báo tiếp tục giảm trong năm 2024, với tốc độ giảm chậm lại, chỉ 3% nhờ lạm phát hạ nhiệt đáng kể, chỉ còn còn 9%.

Cuộc khảo sát của ECA International dựa trên thông tin được thu thập từ hơn 360 công ty đa quốc gia ở 68 nước, và sử dụng các số liệu lạm phát từ báo cáo tổng quan kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố hồi tháng 10.

Theo CNBC, eca-international.com

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chau-a-dan-dau-the-gioi-ve-toc-do-tang-luong-trong-nam-toi/