ChatGPT thúc đẩy cuộc đua AI giữa Mỹ và Trung Quốc

Sự xuất hiện của ChatGPT đang khiến các công ty công nghệ Mỹ chiếm ưu thế trước các đại diện đến từ Trung Quốc trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo (AI).

 Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ về công nghệ AI trong một thập kỷ trước đó. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc đã vượt mặt Mỹ về công nghệ AI trong một thập kỷ trước đó. Ảnh: Reuters.

Theo Nikkei Asia, cuộc đua về trí tuệ nhân tạo giữa Mỹ và Trung Quốc đã bước vào giai đoạn thương mại hóa.

Trong thập kỷ qua, tốc độ phát triển về công nghệ AI tại Trung Quốc đã vượt qua Mỹ về nhiều khía cạnh. Tuy nhiên, sự xuất hiện của ChatGPT, một chatbot được phát triển bởi Công ty OpenAI đến từ Mỹ, đã khiến các doanh nghiệp tại Trung Quốc “đứng ngồi không yên”.

Sự bứt tốc của xứ cờ hoa

“Công nghệ trí tuệ nhân tạo ở Trung Quốc tiên tiến hơn ở Mỹ. Tuy nhiên, tôi nghĩ ChatGPT có thể thay đổi điều đó với sự dẫn dắt của Microsoft. Các công ty Trung Quốc sẽ buộc phải cải tiến thuật toán AI của họ", ông Dan Ives, Giám đốc điều hành của Wedbush Securities, cho biết.

Microsoft đã công bố vào tuần trước rằng sẽ hợp tác với OpenAI để nâng cấp công cụ tìm kiếm Bing, một đối trọng của Google.

Cuối tháng 1 vừa qua, “gã khổng lồ” phần mềm đến từ Mỹ cho biết đang đầu tư nhiều tỷ USD vào OpenAI. Các kênh truyền thông cho rằng con số này là 10 tỷ USD và Microsoft sẽ nắm giữ 50% cổ phần của công ty khởi nghiệp có trụ sở tại San Francisco.

 ChatGPT đã tạo ra một sự chấn động trên toàn thế giới. Ảnh: Tada Images.

ChatGPT đã tạo ra một sự chấn động trên toàn thế giới. Ảnh: Tada Images.

"Việc Microsoft mua 50% cổ phần của OpenAI đã đẩy nhanh cuộc đua trí tuệ nhân tạo tại Mỹ, Trung Quốc, cũng như trên toàn cầu", ông Ives nhận định.

Google đã nhanh chóng đáp trả bằng việc hé lộ về AI chatbot có tên Bard vào ngày 6/2.

Các công ty Trung Quốc cũng không hề kém cạnh. Alibaba, Tencent, Baidu, NetEase và JD.com đều đang lên kế hoạch cho màn chào sân của một công cụ tương tự ChatGPT trong tương lai gần.

Theo bà Alicia Yap, chuyên gia phân tích tại Citi, không giống như ở Mỹ, nơi Bing có khả năng sử dụng ChatGPT để thách thức Google, Baidu không có đối thủ nào quá lớn tại Trung Quốc. Doanh nghiệp này có thể tung ra Ernie Bot vào tháng 3 năm nay.

Góc nhìn trái chiều về tiềm năng

Việc các tên tuổi lớn trong làng công nghệ đổ xô vào cuộc đua AI đã thu hút sự chú ý của những nhà đầu tư trên khắp thế giới. Tuy nhiên, quan điểm của họ về tiềm năng của trí tuệ nhân tạo lại không giống nhau.

Bà Gloria Zhang, Giám đốc đầu tư của quỹ DCM, cho biết công nghệ AI đang ở giai đoạn đầu và mọi người vẫn đang thử nghiệm các cách sử dụng khác nhau. Bà Zhang kỳ vọng công cụ này sẽ giúp gia tăng năng suất và tạo ra sự thay đổi trong các ngành công nghiệp.

 Tiếng Trung Quốc sẽ là một thử thách khó nhằn đối với các công cụ AI. Ảnh: Reuters.

Tiếng Trung Quốc sẽ là một thử thách khó nhằn đối với các công cụ AI. Ảnh: Reuters.

Một số người khác vẫn còn hoài nghi về công nghệ mới này.

“Hiện ChatGPT đang bị thổi phồng từ sự phấn khích của mọi người. Đối với những người dùng lần đầu, điều này làm họ liên tưởng đến những tác phẩm Hollywood nói về AI", ông Jeffrey Lee, đồng sáng lập NLVC - một quỹ đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon, bình luận.

Ngoài ra, ông Lee cũng bày tỏ lo ngại về việc công cụ AI này có thể đưa ra các thông tin sai lệch trong quá trình trả lời câu hỏi. Không chỉ vậy, ông còn đặt ra vấn đề thương mại hóa của AI chatbot trong bối cảnh doanh thu quảng cáo từ công cụ tìm kiếm có thể bị suy giảm đáng kể.

Ông Ke Yan, một nhà phân tích tại DZT Research có trụ sở tại Singapore, đã chỉ ra những rào cản khác đối với việc phát triển các ứng dụng như ChatGPT.

"Các công cụ này đòi hỏi một bộ dữ liệu khổng lồ để đào tạo, điều mà chỉ các công ty lớn mới có thể thực hiện. Sau đó, AI sẽ phải quét thông tin từ các trang web để nạp thêm nội dung, hành động trên có thể vi phạm luật bản quyền và quyền riêng tư dữ liệu", ông Ke Yan chia sẻ.

Bên cạnh đó, tiếng Trung Quốc cũng có cấu trúc khác tiếng Anh. "Do đó, các công cụ như ChatGPT khó cho ra những câu thoại giống con người", ông Ke Yan nói thêm.

Tuy nhiên, vấn đề ngôn ngữ không phải là rào cản duy nhất mà các công ty Trung Quốc đang phải đối mặt trong việc phát triển AI chatbot.

Theo quy định mới của Mỹ, các công ty cần giấy phép để xuất khẩu chip hiệu suất cao sang Trung Quốc. Ngay cả những con chip AI do doanh nghiệp nước ngoài làm ra, nếu chúng sử dụng công cụ và phần mềm của Mỹ trong quá trình sản xuất, các thiết bị này vẫn sẽ phải có giấy phép mới được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trước động thái này của Mỹ, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã tích trữ đủ chip trong vài năm qua để chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.

Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ AI có thể bị cản trở nếu Trung Quốc không thể tiếp cận thế hệ chip tiếp theo. Đây là vấn đề ở cả Baidu và Tencent.

Ông Lee cho biết các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ có đủ chip để tung ra các dịch vụ AI tương tự như ChatGPT. Tuy nhiên, nó sẽ không có quy mô lớn.

Thanh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chatgpt-thuc-day-cuoc-dua-ai-giua-my-va-trung-quoc-post1402314.html