ChatGPT cho phép đăng ký bằng số điện thoại Việt Nam: 'Rì-viu' chân thực từ Gen Z

Hiện giờ, teen đã có thể đăng ký tài khoản ChatGPT mà không cần chuyển vùng hay sử dụng số điện thoại nước ngoài. Mặc dù là ứng dụng được nhiều teen 'thả tim' vì phản hồi nhanh, độ tổng hợp thông tin cao nhưng ChatGPT vẫn còn không ít hạn chế.

Câu trả lời không đúng trọng tâm

Là học sinh lớp chuyên Văn, Ngọc Quỳnh (trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn) dùng ChatGPT để tham khảo cách làm khi gặp những bài Văn khó. Sau một khoảng thời gian sử dụng ChatGPT, cô bạn thấy tốc độ đưa ra đáp án của ứng dụng này tương đối nhanh nhưng chất lượng câu trả lời không đúng trọng tâm.

Ngọc Quỳnh cho rằng điểm trừ lớn của ChatGPT nằm ở chất lượng câu trả lời của những câu hỏi chuyên môn sâu. Ảnh: NVCC

“Mình từng tra “ý nghĩa bát cháo hành trong tác phẩm Chí Phèo” trên ChatGPT và câu trả lời là: “Bát cháo hành rất ngon, Chí Phèo đã nấu cho thị nở ăn”. Trước đó mình cũng chưa hiểu hết được ý nghĩa bát cháo hành, nhưng khi tra trên ChatGPT lại khiến mình hoang mang hơn”.

Trước khi ChatGPT “xuất hiện”, học sinh thường dùng những ứng dụng giải bài tập khác như: Qanda, Dicamon, Solvee,... Đan Linh (trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn) chia sẻ: “Tất cả những ứng dụng này đều cùng chung một mục đích vì khả năng ưu việt của nó trong việc tra cứu thông tin từ nhiều nguồn, nhiều lĩnh vực với tốc độ nhanh. Tuy nhiên, mỗi ứng dụng đều có những ưu điểm, hạn chế riêng nên mọi người cần biết chọn lọc và chỉ nên coi chúng là một nguồn tài liệu để tham khảo”.

Đan Linh cho rằng ChatGPT không thể thay thể những ứng dụng giải bài tập khác. Ảnh: NVCC

Nhìn xịn mà chưa xịn

Bạn Thư Lê (trường Đại học Thương Mại, Hà Nội) thường sử dụng ChatGPT trong một số bài tập của các môn chuyên ngành. Cô bạn chủ yếu đặt câu hỏi bằng tiếng Anh vì có nhiều từ chuyên ngành khi dịch sang tiếng Việt sẽ không chính xác. Bên cạnh đó, Thư Lê cho rằng câu hỏi càng chi tiết và cụ thể, câu trả lời sẽ càng đúng.

Cô bạn chia sẻ, khi làm bài tập môn “Decision making and steering” có một câu hỏi tình huống giả định về thương hiệu nước ngoài sẽ mở một cửa hàng ở Hà Nội, yêu cầu sinh viên phải đưa ra một công cụ để quản lý và đưa ra định hướng cho cửa hàng.

“Ban đầu, mình ghi theo câu hỏi của thầy “Which tool do you use?” (Bạn sử dụng công cụ nào?), nó đưa ra rất nhiều công cụ. Nhưng câu trả lời chính xác thì chỉ cần một công cụ nên mình phải ghi cụ thể “Which should I choose? Only choose one tool” (Chỉ chọn một công cụ) thì ChatGPT mới chọn và phân tích đúng như mình yêu cầu” - Thư Lê chia sẻ.

Thư Lê phải ghi câu hỏi chi tiết, ChatGPT mới có thể hiện ra câu trả lời chính xác.

Nguyễn Lê Khanh (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, Đại học Quốc gia TP.HCM) chỉ dùng ChatGPT khi “bí” ý tưởng và muốn có thêm những thông tin để tham khảo. “Mình không sử dụng ChatGPT thường xuyên vì nó sẽ làm mất đi sự “sáng tạo” của bản thân và không có khả năng nghiên cứu. Mình dùng công cụ này khi thực sự cần thiết và vẫn phải đọc, tìm hiểu thêm thông tin từ các nguồn khác”.

Lê Khanh sử dụng ChatGPT để có thêm những ý tưởng mới lạ. Ảnh: NVCC

Minh Khánh (trường Đại học Văn hóa, Hà Nội) cho biết, sau nhiều lần sử dụng ChatGPT, cô bạn thấy đây là một ứng dụng trả lời thông tin rất nhanh nhưng không đi sâu vào vấn đề.

“Mình đã từng đặt câu hỏi về các khái niệm chuyên ngành và một hiện tượng liên quan đến lĩnh vực văn hóa, câu trả lời không chi tiết và không đáp ứng được đủ thông tin. Vậy nên mình nghĩ nếu bí ý tưởng, mọi người có thể sử dụng ChatGPT như là một gợi ý. Tuy nhiên, không nên lạm dụng nó vì sẽ bị phụ thuộc và bị giới hạn kiến thức của bản thân” - Minh Khánh cho hay.

Hoài Lan - Hồng Ngọc

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/chatgpt-cho-phep-dang-ky-bang-so-dien-thoai-viet-nam-ri-viu-chan-thuc-tu-gen-z-post1585432.tpo