Chất lượng nước mắm mập mờ: NTD cần được minh bạch thông tin

Quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xem nhẹ khi hàng loạt sản phẩm nước mắm bị phát hiện mập mờ thông tin về chất lượng sản phẩm…

Nước mắm là một gia vị không thể thay thế trong căn bếp của 95% gia đình Việt Nam. Mỗi người Việt tiêu thụ 4 lít nước mắm/ năm. Là người "nuôi sống" những cơ sở sản xuất nước mắm thế nhưng quyền lợi của người tiêu dùng đang bị xem nhẹ khi mới đây hàng loạt mẫu nước mắm qua kiểm nghiệm đã phát hiện nồng độ thạch tín vượt mức cho phép, đồng thời thông tin trên nhãn mác mập mờ, đánh đố.

Gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng

"Nước mắm cao đạm", "nước mắm siêu đạm" là những mỹ từ được một số hãng sản xuất nước mắm tự phong cho sản phẩm của mình. Họ đưa ra thị trường những chai nước mắm có độ đạm cao chót vót lên đến 60 độ - gấp đôi độ đạm tối đa được quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) về nước mắm. Với tâm lý ưa chuộng độ đạm cao vì tin rằng "nhiều đạm thì ngon", người tiêu dùng đã hồ hởi chọn mua những loại nước mắm này với giá thành đắt đỏ.

Thông tin chất lượng nước mắm mập mờ, đánh đố người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Thực tế, các sản phẩm nước mắm khi có độ đạm cao cũng thường có giá thành cao hơn. Ví dụ nước mắm H.C (Vũng Tàu) 45 độ đạm có giá 70.000 đồng/lít, loại 35 độ đạm giá 38.000 đồng/lít và loại 25 độ đạm có giá 27.000 đồng/lít. Tại Phú Quốc nước mắm từ 40 độ đạm trở lên thường có giá từ 100.000 đồng/lít.

Từ nhu cầu thị trường về nước mắm ngon dựa trên độ đạm, có thể thấy hiện nay các sản phẩm nước mắm được gắn mác là “nước mắm truyền thống” thường có độ đạm cao, nên khiến nhiều người tiêu dùng có cảm giác mình chọn đúng.

Họ không ngờ rằng qua cuộc khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) vừa qua, có đến hơn 50% sản phẩm không hề có độ đạm đúng với những gì ghi trên nhãn. Thậm chí có loại mắm ghi bên ngoài là 40 độ, nhưng qua kiểm định chỉ nhỉnh hơn 10 độ một chút (đây là hàm lượng đạm tối thiểu để có thể gọi là nước mắm). Rõ ràng đó là một hành vi gian lận thương mại nghiêm trọng, lợi dụng thị hiếu và tâm lý của người tiêu dùng để móc túi họ.

Ba bộ cùng quản lý nước mắm nhưng vẫn...thiếu nguồn lực

Trước tình hình thị trường nước mắm lộn xộn như hiện nay, người tiêu dùng đặt câu hỏi về vấn đề quản lý của các ban ngành liên quan. Có lẽ họ sẽ sốc nếu biết để quản lý một chai nước mắm hiện có đến... ba bộ cùng tham gia: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương.

Năm 2003, Bộ Y tế đã ban hành Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003), sau đó tiếp tục đưa ra những Quy chuẩn kỹ thuật về kiểm soát kim loại nặng trong thực phẩm. Bộ NN&PTNT có thông tư số 47 /2009/TT-BNNPTNT về việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất Thủy sản. Sau đó, hai bộ này lại cùng nhau đưa ra Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT- BYT-BNNPTNT-BCT quy định thành phần cấu tạo của nước mắm như: Độ đạm tổng , đạm axit amin, muối và các chất phụ gia. Và mặc dù đã có khá đầy đủ các văn bản và quy định về chất lượng suốt hơn 10 năm qua nhưng gần đây khi nước mắm bị phát hiện nhiễm độc thạch tín người ta đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý và hậu kiểm của ba bộ này đã ở đâu.

Trong báo cáo của VINASTAS có dẫn lời một đại diện Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương thừa nhận: “Cả nước hiện có hàng ngàn cơ sở sản xuất nước mắm nhưng cơ quan quản lý Nhà nước chỉ mới quản lý được một số doanh nghiệp sản xuất lớn. Theo quy định hiện nay, doanh nghiệp làm nước mắm sẽ tự công bố chất lượng sản phẩm, sau đó sẽ hậu kiểm. Nhưng thực tế, công tác hậu kiểm bị bỏ ngỏ, do hạn chế về nguồn lực

Trả lời vấn đề này trên đài truyền hình VTV1, TS.Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng thư ký VINASTAS cho biết: "Theo tôi sự mập mờ này lỗi chính là ở các nhà sản xuất đã không minh bạch thông tin, nhưng đồng thời cũng thuộc trách nhiệm của những nhà quản lý. Mặc dù đã có những quy định luật pháp nhưng hiệu quả chưa cao. Để tạo ra thị trường nước mắm minh bạch thì các cơ quan quản lý cần phải nghiên cứu sớm để đưa ra những quy định cụ thể bản chất các loại nước mắm đang bày bán và lưu thông trên thị trường. Tiến hành kiểm tra chất lượng một cách chặt chẽ về quy trình sản xuất, ghi nhãn, đồng thời sớm công bố kết quả kiểm tra xử lý để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng".

Minh Trung

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung/chat-luong-nuoc-mam-map-mo-ntd-can-duoc-minh-bach-thong-tin-179770.html