Chất Cysteamine có trong thức ăn chăn nuôi độc hại ra sao

Mới đây, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT Nguyễn Văn Việt cho biết từ tháng 8 đến nay thanh tra đã phát hiện nhiều công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ bán sản phẩm có chứa cysteamine.

Tin nên đọc

Đấu tranh với thực phẩm không an toàn: Còn khó khăn khi thiếu niềm tin của người tiêu dùng

Vingroup trao tặng Thành phố Hà Nội 3 xe kiểm nghiệm thực phẩm

Thủ tướng: TP HCM cần có xe lưu động xét nghiệm an toàn thực phẩm

Sẽ thanh tra "đại gia" nước giải khát Công ty CP Thực phẩm Quốc tế

Cysteamine có trong thức ăn chăn nuôi

Chỉ trong ba tháng, một công ty tại Hà Nam đã nhập tới 7 tấn cysteamine. Nhiều địa phương như Sơn La, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình đã phát hiện thức ăn chăn nuôi chứa cysteamine.

Từ tháng 8/2016 đến nay, lực lượng chức năng liên tục phát hiện các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và cả người chăn nuôi sử dụng cysteamine.

Vào ngày 5/8, Thanh tra Bộ NN-PTNT đã phối hợp với Cục An ninh nông nghiệp và nông thôn (A86, Bộ Công an) thanh tra đột xuất, phát hiện 1 công ty trụ sở tại quận Tân Bình, TP HCM đã nhập 2 loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown từ Thái Lan.

Công ty này đã bán cho các đại lý, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại heo. Dù bao bì không ghi thành phần cysteamine nhưng khi kiểm tra đã phát hiện hàm lượng cysteamine là 29.898 mg/kg (29.898 ppm) và 30.645 mg/kg (30.645 ppm).

Thanh tra bộ đã ban hành quyết định sử phạt về hành vi nhập khẩu và kinh doanh chất không được cơ quan thẩm quyền cấp phép với số tiền 180 triệu đồng.

Lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Hải Dương sử dụng chất cấm. Ảnh: Minh Long/nld.com.vn

Bên cạnh đó, theo ông Việt nhận định việc sử dụng cysteamine tương đối phổ biến từ Bắc đến Nam. Nếu không cấm cũng không cho phép thì trong thời gian tới, cầu có, cung có sẽ tràn ngập trường hợp sử dụng Cysteamine đưa vào thức ăn chăn nuôi thay thế Salbutamol.

Tác hại khôn lường của cysteamine

Theo chia sẻ của GS.TS Vũ Duy Giảng, chuyên gia trong lĩnh vực dinh dưỡng vật nuôi trên Báo Nông Nghiệp Việt Nam cho biết, cysteamine hay còn có các tên gọi khác như aminoethanethiol; thioethanolamine… là một hợp chất hóa học thường được sử dụng dưới dạng muối hydrochloride (có công thức phân tử C2H2ClNS).

Đây là một chất có tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hormone tăng trưởng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi. Việc sử dụng cysteamine khiến các hormone tăng trưởng bị gia tăng đột biến, kéo theo chất IGF-1 gia tăng, làm tăng tồn dư IGF-1 trong cơ thể.

Các nghiên cứu cho thấy, tồn dư chất IGF-1 trong sữa có thể gây nguy cơ ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt ở người.

Trong khi đó, IGF-1 tồn dư trong thịt và phủ tạng lợn, gà có thể gây nguy cơ ung thư cho con người hay không thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và vẫn đang là mối nghi ngại lớn.

Trong khi đó, các nghiên cứu trên chuột cho thấy, khi sử dụng cysteamine, có thể sinh ra các dẫn chất khác như Toluen, Dopamin antagonist hay MPTP (1-methyl-4 phenyl 1,2,3,6 tetrahydropyridine) là các độc tố thần kinh gây viêm loét hành tá tràng ở chuột.

Các thí nghiệm về độ độc của cysteamine trên chuột cho thấy, mức độ gây chết 50% cá thể (LD50chuột) đối với uống là 625mg/kg thể trọng; tiêm tĩnh mạch là 190mg/kg thể trọng, tiêm phúc mạc là 250mg/kg thể trọng và tiêm dưới da chỉ là 84mg/kg thể trọng.

Sử dụng thực phẩm có chứa cysteamine trong thời gian dài có thể mắc ung thư vú, ung thư kết tràng... Ảnh: minh họa

Người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt, suy yếu hệ thống miễn dịch.

Hiện cysteamine là chất đã bị Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn cấm sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Chất này cũng không có mặt trong danh mục của tổ chức CODEX.

Nhiều tổ chức về thú y ở các nước trên thế giới cũng chỉ khuyến cáo chỉ dùng cysteamine để xử lý cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể, không dùng trong chăn nuôi đại trà thương mại.

Tuy nhiên tại Trung Quốc, đây lại là chất đang được nước này cho phép sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi. Điều này lí giải vì sao các sản phẩm cysteamine nhập lậu vào Việt Nam hiện nay là từ Trung Quốc.

Vũ Minh (T/H)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/chat-cysteamine-co-trong-thuc-an-chan-nuoi-doc-hai-ra-sao-d26805.html