'Chảo lửa' Trung Đông lại chực chờ bùng nổ

Căng thẳng leo thang giữa Israel và người Palestine xung quanh kế hoạch của Tel Aviv xây dựng hàng ngàn ngôi nhà mới ở khu vực Bờ Tây có thể lan sang Dải Gaza, dẫn đến một cuộc xung đột với nhiều thương vong hơn và gây trở ngại lớn tới tiến trình hòa bình Trung Đông.

Tờ Times of Israel ngày 28/6 cho biết, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) đã vừa nhóm họp về căng thẳng leo thang ở Bờ Tây giữa Israel và Palestine, sau đó ra tuyên bố chung "bày tỏ đau buồn trước những tổn thất về sinh mạng của dân thường", đồng thời "lặp lại tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an được thông qua hôm 20/2/2023, bao gồm lời kêu gọi tôn trọng đầy đủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ dân thường".

Người biểu tình Palestine đụng độ với lực lượng Israel ở Bờ Tây trong đợt căng thẳng mới nhất.Ảnh: JPost

Người biểu tình Palestine đụng độ với lực lượng Israel ở Bờ Tây trong đợt căng thẳng mới nhất.Ảnh: JPost

Văn kiện hôm 20/2 kể trên có nội dung lên án việc Israel tìm cách hợp pháp hóa 9 tiền đồn định cư trái phép và thúc đẩy kế hoạch xây dựng các căn hộ mới ở Bờ Tây. "Các thành viên Hội đồng Bảo an khuyến khích thực hiện các bước bổ sung để khôi phục tình trạng ổn định lâu dài và giảm căng thẳng, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng", tuyên bố mới nhất nhấn mạnh.

Trước đó cùng ngày, JPost dẫn lời Điều phối viên đặc biệt của LHQ về tiến trình hòa bình Trung Đông, ông Tor Wennesland, cảnh báo nguy cơ căng thẳng ở Bờ Tây có thể lan sang Dải Gaza và bùng phát thành xung đột vũ trang nghiêm trọng. Theo AP, ông Wennesland đánh giá, "việc mở rộng không ngừng" các khu định cư của Israel đang thúc đẩy tình trạng bạo lực và "cản trở người Palestine tiếp cận đất đai cùng nguồn tài nguyên của họ, định hình lại địa lý ở khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng và đe dọa khả năng tồn tại của một nhà nước Palestine trong tương lai".

Bờ Tây, dải đất nằm ở phía Tây sông Jordan, bao gồm cả Đông Jerusalem, là nơi sinh sống của khoảng 2,9 triệu người Palestine và là phần đất mà Palestine muốn đặt các cơ quan nhà nước tương lai. Sau cuộc xung đột năm 1967, Israel tiến vào Bờ Tây, kiểm soát phần lớn khu vực và đưa người Do Thái đến định cư. Hiện có tới 700.000 người Israel sống trong các khu nhà kiên cố mà Tel Aviv xây dựng, dù động thái này bị cộng đồng quốc tế phản đối. Tại Bờ Tây, người Palestine chịu sự quản lý của luật quân sự Israel trong khi người Israel thì không. Việc này kéo theo sự phản kháng của người Palestine và những cuộc xung đột đẫm máu giữa hai bên suốt nhiều thập kỉ, làm giảm triển vọng sớm đạt được hòa bình lâu dài.

Theo AP, đợt căng thẳng mới ở Bờ Tây bùng phát trong bối cảnh giới chức Israel lại vừa công bố các kế hoạch xây dựng hơn 5.000 ngôi nhà kiên cố mới. Các kế hoạch xây dựng kể trên được Chính phủ Israel phê duyệt ngày 26/6, nhưng chưa rõ thời điểm bắt đầu xây dựng. Tuần trước, lực lượng Israel tiến hành một cuộc truy quét tại thành phố Jenin phía Bắc Bờ Tây, khiến 6 người Palestine thiệt mạng và ít nhất 90 người bị thương. Sau đó, 2 tay súng thuộc phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas thực hiện một vụ nổ súng tại trạm xăng gần thành phố Ramallah hôm 20/6 làm 4 người Israel thiệt mạng. Những ngày qua, người Israel định cư ở Bờ Tây và lực lượng an ninh mới được tăng cường tiếp tục đụng độ với người Palestine. Thống kê của AP chỉ ra rằng, 137 người Palestine ở Bờ Tây đã thiệt mạng vì hỏa lực Israel kể từ đầu năm 2023, trong khi Israel mất 24 người.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án tất cả hành động bạo lực nhằm vào dân thường, trong khi "kêu gọi nhà chức trách Israel dừng bạo lực ngay lập tức, bảo vệ dân thường, đồng thời truy tố những đối tượng gây ra tình trạng bạo lực". Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk cũng lo ngại căng thẳng ở Bờ Tây cùng những phát ngôn kích động "sẽ chỉ đẩy người dân Israel và Palestine rơi vào hố sâu ngăn cách".

Để gây áp lực với Israel, Chính phủ Mỹ ngày 26/6 thông báo dừng hỗ trợ tài chính với việc nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các tổ chức của Israel ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Cao nguyên Golan, đảo ngược chính sách trước đó của cựu Tổng thống Donald Trump. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, Chính phủ Mỹ coi "việc hợp tác khoa học và công nghệ với Israel ở các khu vực dưới quyền quản lý của nước này sau năm 1967, vốn đang là chủ đề của các cuộc đàm phán, là không phù hợp với chính sách đối ngoại của Mỹ".

Phó đại sứ Mỹ tại LHQ Robert Wood ngày 27/6 chỉ trích cuộc tấn công khiến 4 người Israel thiệt mạng gần Ramallah hồi tuần trước, nhưng đồng thời lên án "các cuộc tấn công của những người định cư (Israel-PV) cực đoan gần đây nhằm vào dân thường Palestine, dẫn đến cái chết, thương tích và thiệt hại đáng kể với tài sản của họ".

Trong diễn biến tích cực hiếm hoi, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant và Bộ trưởng Nội vụ Palestine Hossein al-Sheikh chiều 27/6 đã có cuộc thảo luận về tình trạng bạo lực ở Bờ Tây, AlJazeera đưa tin. Tại cuộc gặp, ông Gallant khẳng định việc giảm căng thẳng ở Bờ Tây phục vụ lợi ích chung đối với cả hai bên, đồng thời cho biết, các lực lượng Israel sẽ tiếp tục được triển khai đến khu vực. Ông Gallant cũng cho hay, "Israel quan tâm tới tình hình bạo lực do các phần tử cực đoan gây ra đối với dân thường Palestine những ngày qua" và "Tel Aviv sẽ trừng phạt nghiêm khắc những kẻ gây bạo loạn theo quy định của pháp luật".

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/chao-lua-trung-dong-lai-chuc-cho-bung-no-i698495/