Chào bán vốn của Vinamilk 'nóng' trước giờ G

Nhiều vấn đề nóng liên quan đến việc chào bán vốn của Vinamilk đã được giải đáp cụ thể cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Đại diện SCIC và Vinamilk thông tin chào bán cổ phần Vinamilk. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN

Ngày 21/11, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) tổ chức buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư mua cổ phần của Vinamilk do SCIC nắm giữ.

Nhiều vấn đề nóng liên quan đến việc chào bán số vốn này đã được giải đáp cụ thể cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm.

Theo kế hoạch, trong năm 2016, SCIC sẽ triển khai và hoàn thành việc bán 9% vốn điều lệ của Vinamilk do đơn vị này đang sở hữu. Ông Hoàng Nguyên Học, Phó Tổng giám đốc phụ trách SCIC cho hay, trong lần bán vốn này, SCIC sẽ bán tổng cộng 130.630.680 cổ phần, tương đương 9% vốn điều lệ của Vinamilk.

Sau buổi Roadshow, SCIC sẽ tổ chức công bố thông tin kể từ ngày 23/11/2016, đồng thời thực hiện nhận đăng ký và đặt cọc cho đến ngày 1/12/2016. Dự kiến, giao dịch hoàn tất vào giữa tháng 12/2016 và được đánh giá là giao dịch lớn nhất thị trường chứng khoán châu Á trong năm nay.

Tuy nhiên, đại diện SCIC cũng cho biết, nhà đầu tư đặt cọc rồi vẫn có thể bị hủy nếu mức giá sàn cao hơn giá khởi điểm. Cụ thể, nguyên tắc chào bán cạnh tranh sẽ là lựa chọn nhà đầu tư có sự cạnh tranh về giá theo phương thức xác định nhà đầu tư trúng giá theo mức giá đặt mua từ cao xuống thấp, tại mức giá có số lượng đặt mua lớn hơn số lượng có thể bán thì phân bổ theo tỷ lệ đăng ký. Nhà đầu tư trúng giá theo giá nào thì phải thanh toán tiền mua cổ phần theo giá đó.

Để tham gia, các nhà đầu tư đặt cọc 10% tính theo giá khởi điểm và trong trường hợp không trúng giá sẽ được hoàn trả trong 3 ngày làm việc kể từ ngày chào bán. Trường hợp mức giá sàn được xác định cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với khoảng giá được chấp nhận của nhà đầu tư thì nhà đầu tư có lựa chọn hủy đăng ký tham dự chào bán.

Cơ bản đồng tình với phương án của SCIC, tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Dũng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt, cho rằng, việc chỉ chọn một đơn vị nhận đăng ký đấu giá là Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có đảm bảo tính công bằng, minh bạch và quyền lợi của nhà đầu tư không?

Trong khi thời gian công bố bắt đầu và nhận đăng ký có hạn, nhiều nhà đầu tư sẽ không đủ thời gian đăng ký, hoặc khâu thủ tục không nhanh dẫn đến các nhà đầu tư không mặn mà tham gia.

Tương tự, một số nhà đầu tư nước ngoài cũng thể hiện sự băn khoăn về các vấn đề thủ tục tham gia mua cổ phần Vinamilk trong đợt chào bán lần này như: Quyền lợi giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước có được đảm bảo như nhau ? SCIC có hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận thông tin kịp thời, tỷ lệ mua cổ nhà đầu tư nước ngoài có bị giới hạn ?...

Ngoài ra, các nhà đầu tư nước ngoài cũng quan ngại về việc họ muốn tham gia đợt chào bán cổ phần Vinamilk lần này, nhưng vì lý do nào đó không trực tiếp có mặt nên có thể ủy quyền cho người khác thay thế được không ?

Trước những vướng mắc trên, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng Thành viên SCIC cho biết, nhằm triển khai và tổ chức thành công việc chào bán cổ phần Vinamilk ra đại chúng, SCIC đã đưa ra dự thảo quy chế, xác định rõ địa điểm và thời gian thực hiện theo lộ trình cụ thể.

Việc có nên cho phép nhiều đơn vị tham gia nhận đăng ký mua cổ phần Vinamilk thì SCIC sẽ ghi nhận và cân nhắc vấn đề này thêm, đồng thời sẽ thông báo sớm đến các nhà đầu tư.

Theo ông Nguyễn Đức Chi, Vinamilk là một trong những doanh nghiệp cho phép nới room 100%, do đó không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài mua cổ phần.

Trường hợp nhà đầu tư vì lý do khách quan không trực tiếp tham gia và ủy quyền cho người đại diện, thì nhà đầu tư có thể liên hệ các đơn vị liên quan để được hướng dẫn thủ tục chi tiết, đồng thời tham vấn các công ty tư vấn để nắm rõ quy định pháp lý.

Liên quan đến vấn đề không chọn nhà đầu tư chiến lược, đại diện SCIC cho rằng, với kỳ vọng tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả nhà đầu tư nên lựa chọn phương án chào bán cạnh tranh ra đại chúng là phù hợp.

Sau khi chào bán thành công 9% cổ phần của Vinamilk, SCIC sẽ đánh giá kết quả và báo cáo Chính phủ, từ đó có phương án tiếp theo cho số cổ phần còn lại của Vinamilk do SCIC nắm giữ.

Tuy nhiên, SCIC đảm bảo sẽ công bố thông tin công khai đến các nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Vinamilk là công ty sản xuất sản phẩm từ sữa lớn nhất Việt Nam, hiện chiếm 49% thị phần bán lẻ sữa, với 215.000 điểm bán lẻ.

Vinamilk có hơn 40 năm hình thành và phát triển, có vị trí dẫn đầu vững mạnh trong toàn bộ danh mục sản phẩm đa dạng; mô hình kinh doanh khép kín được hỗ trợ bởi nhà máy sản xuất hiện đại, năng lực đổi mới và quan hệ hợp tác lâu năm với các nhà cung cấp.

Đặc biệt, Vinamilk có chu trình tăng trưởng được thúc đẩy bởi tăng trưởng về sản lượng, phát triển dòng sản phẩm cao cấp và quy trình hoạt động hiệu quả; đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm và kết quả tài chính vững mạnh.

>>> Cơ hội đầu tư mua cổ phần của SCIC tại Vinamilk

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/chao-ban-von-cua-vinamilk-nong-truoc-gio-g/29133.html