Chào bán 13,5 triệu cổ phiếu, nguồn vốn Sợi Thế Kỷ (STK) thế nào?

Động thái chào bán cổ phiếu của Sợi Thế Kỷ diễn ra trong khi kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2023 suy giảm, ghi nhận doanh thu thuần gần 1.073 tỷ đồng và lãi sau thuế 56 tỷ đồng, giảm 36% và 72% so với cùng kỳ.

Mới đây, Công ty CP Sợi Thế Kỷ (mã: STK) đã công bố thông tin nghị quyết của Hội đồng quản trị (HĐQT) về việc thông qua triển khai phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; phương án đảm bảo việc phát hành cổ phiếu đáp ứng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Liên tục chào bán cổ phiếu để bổ sung vốn

Cụ thể, số lượng cổ phiếu của Công ty CP Sợi Thế Kỷ dự kiến chào bán riêng lẻ là 13,5 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cp). Giá chào bán thấp nhất là 18.300 đồng/cp và cao nhất là 60.000 đồng/cp. Tại thời điểm chào bán, căn cứ tình hình thị trường và kết quả đàm phán với nhà đầu tư, HĐQT sẽ có nghị quyết thông qua mức giá chào bán cuối cùng cho nhà đầu tư sau khi có chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán.

Thương vụ dự kiến thực hiện trong năm 2023. Cổ phiếu chào bán bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán.

Chào bán 13,5 triệu cổ phiếu, nguồn vốn Sợi Thế Kỷ (STK) thế nào? Ảnh minh họa: Internet.

Theo đó, danh sách chào bán gồm 4 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Trong đó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sợi Thế Kỷ - bà Đặng Mỹ Linh được phân phối 7 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu dự kiến tăng lên 19,1%; Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sợi Thế Kỷ - ông Đặng Triệu Hòa được phân phối 5,5 triệu cổ phiếu, tỷ lệ sở hữu dự kiến sau giao dịch là 17,2%; 2 cổ đông còn lại là nhà đầu tư Nguyễn Thái Hùng và Phan Gia Dũng, mỗi cổ đông sẽ được phân phối lần lượt 100 nghìn cổ phiếu và 900 nghìn cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu sau chào bán là 1,5% và 3,5%.

Tổng số tiền ước tính thu được từ đợt chào bán (tính theo giá chào bán) tối thiểu trên 247 tỷ đồng và tối đa 810 tỷ đồng, dùng để bổ sung vốn lưu động cho công ty, thời gian giải ngân từ quý I/2024 – quý I/2025. Trong đó, 73% số tiền thu được (tương đương gần 593,5 tỷ đồng) sẽ được Sợi Thế Kỷ cho công ty con là Công ty TNHH Sợi, Dệt Nhuộm UNITEX vay mượn nội bộ (giải ngân từ quý I đến quý IV/2024); 27% còn lại dùng chi trả tiền điện và mua nguyên vật liệu của Sợi Thế Kỷ.

Công ty CP Sợi Thế Kỷ cho biết, trường hợp vốn huy động không đủ như dự kiến ban đầu, công ty sẽ cân nhắc lựa chọn, điều chỉnh phương án sử dụng vốn nêu trên của công ty để đảm bảo nguyên tắc không ảnh hưởng đến nguồn vốn cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh thường xuyên của công ty và cân nhắc đến phương án vay vốn lưu động từ ngân hàng.

Cùng với đó, Sợi Thế Kỷ cũng cam kết đảm bảo về tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty sau khi kết thúc đợt chào bán. Trước đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài theo danh sách cổ đông chốt gần nhất vào ngày 5/7/2023 là 16,22%, còn tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước tại Sợi Thế Kỷ ở thời điểm hiện tại là 100%.

Ở diễn biến liên quan, HĐQT Sợi Thế Kỷ cũng mới thông qua phương án chào bán 1,5 triệu cổ phiếu trên tổng số hơn 2,54 triệu cổ phiếu quỹ thông qua giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận, nhằm góp vốn vào công ty con và/hoặc bổ sung nguồn vốn lưu động của công ty. Giá chào bán cụ thể chưa được tiết lộ.

Không chỉ vậy, Sợi Thế Kỷ còn muốn phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) từ nguồn cổ phiếu quỹ. Tiêu chí lựa chọn người lao động là cán bộ nhân viên có hợp đồng lao động chính thức với công ty tại ngày 31/8/2023.

Theo đó, số lượng cổ phiếu quỹ dự kiến phát hành hơn 1 triệu cổ phiếu, đúng bằng số lượng cổ phiếu quỹ còn lại sau khi thực hiện chào bán 1,5 triệu cổ phiếu quỹ. Giá chào bán dự kiến 20.000 đồng/cp, được thực hiện trong quý IV/2023 - quý I/2024.

Doanh thu “lao dốc”

Động thái chào bán cổ phiếu nêu trên của Công ty CP Sợi Thế Kỷ diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý III/2023 của công ty không mấy khả quan khi ghi nhận doanh thu thuần gần 378 tỷ đồng và lãi gộp gần 56 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 26,7% và 38,6% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, cùng với sự đi xuống của hoạt động kinh doanh cốt lõi, các khoản chi phí tăng mạnh cũng bức tranh kinh doanh của Sợi Thế Kỷ ảm đạm. Cụ thể, chi phí tài chính tăng 45% lên mức 23,2 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 49% lên mức 6,8 tỷ đồng; ngoại trừ chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ 6% xuống còn 15 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh từ hơn 1,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022 lên 7,1 tỷ đồng (gấp 4,2 lần cùng kỳ). Kết quả, sau khi khấu trừ chi phí, Sợi Thế Kỷ lãi sau thuế hơn 16,6 tỷ đồng, giảm 66,8% so với cùng kỳ.

Theo giải trình của Sợi Thế Kỷ, lợi nhuận quý III/2023 giảm chủ yếu do doanh số và giá bán bình quân thấp hơn cùng kỳ do các khách hàng gián tiếp và trực tiếp thu hẹp quy mô đơn hàng là chính yếu; các chỉ tiêu còn lại ảnh hưởng nhỏ không đáng kể đến kết quả kinh doanh.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu thuần gần 1.073 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 56 tỷ đồng, giảm tương ứng 36% và 72% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu 2.149 tỷ đồng doanh thu thuần và 253 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm, công ty đã thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu và 22% mục tiêu lợi nhuận năm.

Trên bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Sợi Thế Kỷ đạt gần 2.426 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm. Biến động do khoản phải trả trước cho người bán ngắn hạn đạt gần 570 tỷ đồng, tăng 275%; hàng tồn kho ở mức 536 tỷ đồng, tăng 15%. Sợi Thế Kỷ cũng ghi nhận hơn 9,4 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và gần 112 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Sợi Thế Kỷ ghi nhận gần 829 tỷ đồng, tăng 42% so với đầu năm, do phát sinh khoản vay dài hạn từ CTBC Bank Co,Ltd (Đài Loan) 165 tỷ đồng (đầu năm không ghi nhận). Vốn chủ sở hữu ghi nhận gần 1.597 tỷ đồng, trong đó, công ty còn khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 631 tỷ đồng.

Trong khi đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn ít có sự biến động ở mức gần 308 tỷ đồng. Đây toàn bộ là các khoản vay tín chấp nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn lưu động đến từ các ngân hàng như: Eximbank gần 133 tỷ đồng; Vietcombank gần 102 tỷ đồng; Ngân hàng SinoPac – chi nhánh TPHCM hơn 40,6 tỷ đồng và Ngân hàng Đại chúng TNHH KASIKORNBANK – chi nhánh TPHCM 32,4 tỷ đồng…

Liên Hà Thái

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/chao-ban-135-trieu-co-phieu-nguon-von-soi-the-ky-stk-the-nao-1921856.html