Chàng trai đam mê phát triển cổ phục Việt

Từng theo học ngành Đông Á học ở Đức, Nguyễn Đức Huy (28 tuổi) ở Long Biên, Hà Nội đã về nước bỏ ngang về nước và phát triển niềm đam mê của bản thân với cổ phục Việt.

Con đường theo đuổi đam mê của Huy cũng chẳng dễ dàng khi anh phải tự mày mò tìm hiểu kiến thức về cổ phục Việt từ cách nhuộm vải, chất liệu vải, các mẫu việt phục,…

Đức Huy cho biết, để làm ra được một bộ Việt phục hoàn chỉnh cần phải trải qua 5 công đoạn bao gồm dệt vải, nhuộm màu, phơi khô, tạo kiểu và cắt may.

Phương pháp nhuộm vải tơ sống, tơ chín, đũi, lụa... bằng cây cỏ tự nhiên của Đức Huy

Thị trường vải để may Việt phục hiện nay đều được nhập từ nguồn Trung Quốc, Hàn Quốc,… nhưng giá thành lại tương đối cao. Việc “hồi sinh Việt phục” không chỉ tìm kỹ thuật dệt mà còn phải hồi sinh cả kỹ thuật nhuộm màu truyền thống mà của người Việt xưa.

Thời gian đầu, chưa có kinh nghiệm và hiểu rõ về Việt phục, Đức Huy thường xuyên đến các buổi workshop để học hỏi kinh nghiệm nhuộm vải. Anh cũng dành 2 năm đi khắp các tỉnh thành ở khu vực vùng núi phía Bắc để học hỏi bà con dân tộc.

Nhờ thế, anh đã tìm ra được phương pháp nhuộm vải tơ sống, tơ chín, đũi, lụa... bằng cây cỏ tự nhiên như thuốc bắc, vỏ củ nâu, lựu, vải, lá bàng, lá ngải cứu, gỗ tô mộc. Đến nay Đức Huy đã tự tin tạo ra 10 màu sắc ổn định từ cây cỏ tự nhiên và 50 màu khác trong giai đoạn thử nghiệm.

Đến năm 2019, trải qua nhiều khó khăn, Đức Huy đã chính thức mở thương hiệu Việt phục của riêng mình. Thương hiệu Việt phục của anh cũng là đơn vị đầu tiên tại Hà Nội nhận làm sản phẩm thủ công. Đức Huy không chỉ là người nghiên cứu mẫu mã, nhuộm vải, ngoài ra còn là thợ may chính và người xây dựng thương hiệu.

Có được màu, ông chủ tiệm cổ phục đã làm hỏng không biết bao nhiêu mét vải. Thất bại nhiều nhưng không vì thế mà Huy nản chí: “Tôi phải làm đi làm lại rất nhiều lần. Sai đâu, sửa đó. Không ít lần công sức “đổ sông, đổ bể” nhưng vì tình yêu với văn hóa Việt quá lớn, tôi lại tiếp tục kiên trì. Làm công việc này cũng là mang lại giá trị cho cộng đồng, lan tỏa tình yêu với văn hóa và bản sắc dân tộc Việt đến nhiều người hơn”.

Có được vải, anh lại bắt tay vào phục dựng các mẫu áo như Nhật bình, áo Tấc, áo Ngũ thân tay chẽn thời Nguyễn, áo Giao lĩnh, Viên lĩnh, Đối khâm thời Lý - Trần - Lê… Cũng giống với quá trình học nhuộm vải, việc may cổ phục cũng vất vả không kém: “Tôi phải nghiên cứu rất kỹ bởi các tài liệu ghi chép lại chỉ mang tính ước lệ. Dáng áo cũng phải sửa tới, sửa lui mới ra dáng chuẩn như sách vở ghi chép. Chưa kể, một số loại áo cổ phục thời Nguyễn như áo Ngũ thân tay chẽn vừa phải đảm bảo đúng số đo người mặc nhưng vẫn giữ đúng form áo thời xưa. May nhiều lần, tôi mới rút ra được công thức cắt may chuẩn”.

PV/HANOITV

Tổng hợp

Tin liên quan Khám phá Hà Nội: Cổ phục Việt – quá khứ trong hiện tại

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoitv.vn/chang-trai-dam-me-co-phuc-viet-d202344.html