Chân dung các vĩ nhân qua nghệ thuật ánh sáng đặc sắc của Bùi Văn Tự

Qua đôi tay khéo léo cùng sự kết hợp tài tình từ những nguyên liệu tự nhiên với ánh sáng, nghệ nhân Bùi Văn Tự đã tạo ra những bức chân dung người nổi tiếng qua ánh sáng của nghệ thuật chiếu bóng ấn tượng.

Chân dung mỗi người là một kiệt tác độc bản, hội tụ của ba dòng chảy: thời gian, không gian và tâm thức. Vì vậy việc thể hiện một tác phẩm chân dung không chỉ đơn thuần là "mô tả lại các thông số giải phẫu trên gương mặt".

Do vậy, mỗi người nghệ sĩ cần thể hiện những nét cá tính của nhân vật, thể hiện những thăng trầm của cuộc đời họ.

Thoạt trông thì có vẻ kì dị nhưng khi được rọi đèn, những tác phẩm ấy lại trở nên lung linh, huyền ảo. Bóng chiếu của những tác phẩm nghệ thuật hoàn toàn mới, khác xa so với bản mà mọi người đã nhìn thấy khi chưa chiếu sáng.

Đến với không gian trưng bày nghệ thuật điêu khắc ánh sáng của nghệ nhân Bùi Văn Tự, người xem sẽ thấy những khúc gỗ lũa, cuộn dây điện, cái ống bơ, phế liệu tạo thành những bức tượng… Trong ảnh là nhà vật lý người Đức Albert Einstein.

Từ những vật dụng rất đời thường như khúc gỗ, hòn đá ... nghệ nhân Bùi Văn Tự đã tận dụng để thể hiện ý tưởng của mình thành 1 tác phẩm hoàn hảo.

Theo nghệ nhân Bùi Văn Tự, nghệ thuật điêu khắc ánh sáng là cuộc chơi trên phần bóng của mỗi vật thể với một nguồn sáng cố định. Dưới sự chiếu rọi của ánh đèn, những chiếc bóng xuất hiện cùng câu chuyện và nhân vật.

Chân dung của Acsimet (Ác-si-mét) - một trong những nhà khoa học hàng đầu của thời kỳ cổ đại. Ông là người toàn tài, là một nhà toán học, nhà vật lý, kỹ sư, nhà phát minh và nhà thiên văn học người Hy Lạp. Ông sinh tại thành phố Syracuse (một thành bang của Hy Lạp cổ đại).

Nghệ nhân Bùi Văn Tự, cho biết: "Nói là điêu khắc ánh sáng nhưng thật ra sản phẩm cuối cùng, chủ thể chính lại nằm ở phần trong bóng tối. Bởi vì khi ánh sáng rọi vào vật chủ, phần bóng tối trên bức tường mới là hình hài mà người nghệ sĩ muốn truyền tải, ẩn chứa trong đó còn là những câu chuyện, những thông điệp được nghệ nhân này gửi gắm qua từng tác phẩm".

Isaac Newton - nhà vật lý, toán học nước Anh, người được thế giới tôn là người sáng lập ra vật lý học cổ điển.

Để thực hiện một tác phẩm, nghệ nhân Bùi Văn Tự mất từ 1 đến 6 tháng, bao gồm việc lên ý tưởng, tìm nguyên liệu, tạo hình và bổ sung chữ, thơ để tạo thành một tác phẩm hoàn thiện.

Wolfgang Amadeus Mozart là nhà soạn nhạc người Áo. Ông là một trong những nhà soạn nhạc nổi tiếng, quan trọng và có nhiều ảnh hưởng nhất trong thể loại nhạc cổ điển châu Âu.

Thông qua những tác phẩm này, nghệ nhân Bùi Văn Tự mong muốn lan tỏa niềm đam mê nghiên cứu khoa học, nghệ thuật và tạo cảm hứng học tập cho các bạn trẻ, qua đó giúp họ hình dung rõ hơn về các nhà khoa học vĩ đại và những đóng góp của họ cho nhân loại.

Việt Trung

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chan-dung-cac-vi-nhan-qua-nghe-thuat-anh-sang-dac-sac-cua-bui-van-tu-post291130.html