Chân dung ấn tượng hai nhà báo điều tra đoạt giải Nobel Hòa bình

Giải thưởng Nobel Hòa bình 2021 thuộc về hai nhà báo điều tra nhà báo người Philippines Maria Ressa và nhà báo người Nga Dmitry Muratov.

Giải thưởng Nobel Hòa bình 2021 đã thuộc về hai nhà báo điều tra – nữ nhà báo Philippines Maria Ressa và nam nhà báo Nga Dmitry Muratov.

Theo lời phát biểu của Chủ tịch Ủy ban Nobel NaUy – bà Berit Reiss-Andersen khi công bố giải chiều 8-10, hai nhà báo được vinh danh vì đã dũng cảm có các nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận ở Philippines và Nga.

“Nền báo chí tự do, độc lập, và dựa vào sự thực nhằm chống lại sự lạm dụng quyền lực, sự dối trá và cuộc chiến tuyên truyền” – theo bà Berit Reiss-Andersen.

Hai nhà báo Ressa và Muratov là các đại sứ của tất cả các nhà báo chiến đấu cho lý tưởng này trong một thế giới mà tự do báo chí đang ngày càng bị đe dọa.

Nhà báo Ressa là ai?

Nhà báo Ressa là người phụ nữ đầu tiên được trao giải Nobel năm nay kể từ đầu mùa giải đến giờ. Bà cũng là người Philippines đầu tiên được trao giải Nobel độc lập.

Nhà báo Maria Ressa. Ảnh: RAPPLER

Nhà báo Ressa sử dụng quyền tự do ngôn luận của mình để bóc trần việc lạm dụng quyền lực, sử dụng bạo lực ở Philippines. Ressa đã chứng tỏ mình là một người dũng cảm ủng hộ cho quyền tự do ngôn luận với tư cách là một nhà báo và Giám đốc điều hành và là tổng biên tập của trang tin Rappler có trụ sở ở Philippines.

Rappler đã chỉ trích mạnh chiến dịch truy quét ma túy gây tranh cãi và làm hàng nghìn người chết của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte. Nhà báo Ressa và Rappler cũng vạch trần cách thức sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền thông tin sai lệch, quấy rối những người bất đồng chính kiến và làm chao đảo dư luận.

Bà Ressa đã làm công việc nhà báo ở châu Á trong gần 3 thập niên, phần lớn thời gian bà giữ vị trí trưởng văn phòng đài CNN chi nhánh ở thủ đô Manila (1987-1995), và sau đó là trưởng chi nhánh CNN ở thủ đô Jakarta (Indonesia – 1995-2005).

Bà là nhà báo điều tra chính của CNN về các vụ việc khủng bố ở Đông Nam Á, và là tác giả của cuốn “Hạt giống của khủng bố: Sự tường thuật của nhân chứng về Trung tâm điều hành mới nhất của al- Qaeda ở Đông Nam Á”.

Nhà báo Ressa trở thành chủ tịch đài ABS-CBN News từ năm 2005. Bà dành 6 năm ở đây để xác định định hướng chiến lược và quản lý hoạt động của hơn 1.000 nhà báo làm việc tại trung tâm tin tức đa nền tảng lớn nhất Philippines này.

Nhà báo Ressa từng được vinh danh là một của những người có ảnh hưởng nhất năm 2018 do tạp chí Time bình chọn, với tư cách là một trong một nhóm nhà báo nỗ lực hoạt động chống lại tình trạng tin giả trên toàn cầu.

Bà là một trong 25 nhân vật có ảnh hưởng hàng đầu trong Ủy ban Thông tin và Dân chủ của tổ chức Nhà báo Không Biên giới.

Hồi tháng 4 năm nay bà từng được trao giải thưởng Tự do Báo chí Thế giới Guillermo Cano do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) trao tặng.

Nhà báo Ressa từng theo học về chính trị và báo chí ở trường ĐH hàng đầu ở Mỹ - ĐH Princeton, và tham gia giảng dạy nhiều khóa học ở khắp Đông Nam Á cũng như dạy về báo chí phát thanh truyền hình tại ĐH Philippines.

Bà là một nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu Bạo lực Chính trị và Khủng bố ở Singapore. Bà hoàn thành cuốn sách thứ hai: Từ Bin Laden tới Facebook. Bà cũng là một học giả thỉnh giảng từ Đông Nam Á tại trường đào tạo Hải quân sau đại học ở Monterey, California (Mỹ).

Nhà báo Dmitry Muratov là ai?

Nhà báo Muratov là Tổng Biên tập của tờ nhật báo Nga Novaya Gazeta – vốn được Ủy ban Bảo vệ Nhà báo mô tả là “ấn phẩm phản biện thực sự duy nhất có ý nghĩa tầm quốc gia ở Nga ngày nay”. Ấn phẩm được chú ý vì đề cập sâu về các vấn đề tế nhị như tham nhũng của chính phủ và vi phạm nhân quyền. Ông là biên tập viên của tờ báo từ năm 1995 đến năm 2017.

Nhà báo Dmitry Muratov. Ảnh: THE MOSCOW TIMES

Nhà báo Muratov đã chiến đấu vì tự do ngôn luận ở Nga trong hàng thập niên. Từ khi thành lập năm 1993, tờ Novaja Gazeta đã đăng rất nhiều bài phê bình về hàng loạt chủ đề khác nhau, bao gồm tham nhũng, sự tàn bạo của cảnh sát, tình trạng bắt giữ người trái pháp luật, gian lận bầu cử,…

Năm 2007, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo từng trao tặng ông giải thưởng Tự do Báo chí Quốc tế. Giải thưởng này vinh danh các nhà báo đã cho thấy sự dũng cảm trong việc bảo vệ tự do báo chí dù đối mặt với sự dọa dẫm, tù tội, bạo lực.

Tháng 5-2010 tại Hà Lan ông được nhận giải thưởng Bốn Quyền tự do Ngôn luận cho Novaya Gazeta. Tháng 1-2010, ông được trao tặng vinh dự lớn nhất nước Pháp - Legion of Honor.

Khi còn học đại học, ông từng cộng tác với các ấn phẩm địa phương. Năm 1987 ông chính thức vào làm phóng viên cho tờ Volzhsky Komsomolets, với năng lực ấn tượng của mình ông đã tiến rất nhanh.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/chan-dung-an-tuong-hai-nha-bao-dieu-tra-doat-giai-nobel-hoa-binh-1020553.html