Chán công nghệ, tỷ phú Jack Ma đầu tư vào nông nghiệp và thực phẩm?

Dự án kinh doanh mới nhất của nhà sáng lập Alibaba, Majia Kitchen, tập trung vào mối giao thoa giữa thực phẩm và nông nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển hình thức bữa ăn đóng gói sẵn…

Trong bản cập nhật đăng ký kinh doanh mới nhất vào ngày 22/11, Công ty Văn hóa và Nghệ thuật Dajingtou 22 (Hàng Châu, Trung Quốc), do Jack Ma đứng đầu đồng thời nắm giữ 99,9% cổ phần, đã công bố thành lập công ty con mới tập trung vào đồ ăn đóng gói sẵn, chế biến nông sản và bán buôn.

KHOẢN ĐẦU TƯ MỚI NHẤT

Dự án mới được đặt tên là Majia Kitchen Food (tại Hàng Châu, Trung Quốc). Công ty có người đại diện chính thức là ông Pau Jason John, với số vốn đăng ký khoảng 1,4 triệu USD. Phạm vi kinh doanh bao gồm bán thực phẩm (chỉ đóng gói sẵn), xuất nhập khẩu hàng hóa, bán buôn nông sản và nhu yếu phẩm hàng ngày, quản lý khách sạn, dịch vụ kỹ thuật, v.v.

Đáng chú ý, bà Xu Shi, người giám sát Majia Kitchen, tự hào có nền tảng kiến thức gắn liền với nhiều dự án kinh doanh của ông chủ Jack Ma, trước đây từng giữ vị trí chủ chốt tại tổ chức từ thiện Quỹ Jack Ma và hiện là Giám đốc Điều hành trong doanh nghiệp tư vấn và quản lý nghệ thuật của ông.

Đồ ăn đóng gói sẵn đã trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng trong năm nay, làm dấy lên tranh luận về độ an toàn, mùi vị, kỹ thuật chế biến và phương pháp bảo quản. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng đồ ăn đóng gói đã trở thành trọng tâm nghiên cứu quan trọng của ngành chế biến nông sản và công nghiệp thực phẩm. Tại Trung Quốc, thị trường này đạt quy mô 59,12 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến sẽ vượt 140,91 tỷ USD vào năm 2026.

NHỮNG KHOẢN ĐẦU TƯ CỦA TỶ PHÚ JACK MA VÀO THỰC PHẨM VÀ NÔNG NGHIỆP

Kế hoạch đầu tư và thúc đẩy các ngành liên quan đến nông nghiệp của tỷ phú Jack Ma đã có từ lâu. Năm 2018, ông chuyển hướng từ “Chương trình giáo viên nông thôn Jack Ma” tập trung vào hệ thống giáo dục tại nông thôn sang giải quyết vấn đề hiện đại hóa nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất và kinh doanh nông sản. Sau khi chính thức “nghỉ hưu” khỏi Alibaba vào năm 2019, vị doanh nhân cho biết công việc tương lai của ông sẽ tập trung vào giáo dục và nông nghiệp.

Majia Kitchen không phải là công ty sản xuất thực phẩm và nông nghiệp đầu tiên mà Jack Ma thành lập trong những năm gần đây.

Vào tháng 9/2020, một năm sau khi rời Alibaba, Tập đoàn quản lý doanh nghiệp Yunfeng (Hải Nam, Trung Quốc) của cựu Chủ tịch đã đầu tư thành lập Genghai Muyang Investment với số vốn đăng ký lên tới 28,18 triệu USD. Hoạt động kinh doanh chính của công ty bao gồm nuôi trồng thủy sản, đánh bắt cá, nhân giống nhân tạo, thả nguồn cá thủy sinh tự nhiên, sản xuất giống thủy sản, xuất nhập khẩu giống thủy sản và bán thực phẩm đóng gói sẵn, cùng một số hoạt động khác.

Sau đó, nhiều bài báo đã đưa tin về việc Jack Ma thường xuyên ra nước ngoài để nghiên cứu thị trường nông nghiệp và ngư nghiệp, khẳng định sự quan tâm của ông đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp thông minh.

Các báo cáo chỉ ra rằng Genghai Muyang có kế hoạch đầu tư 197,27 triệu USD để xây dựng dự án đánh cá thông minh ở Đan Châu, Hải Nam. Giai đoạn đầu của dự án với mức đầu tư 37,76 triệu USD, dự kiến chính thức đi vào sản xuất từ tháng 11/2023.

Vào tháng 11/2021, Công ty Quản lý Dịch vụ ăn uống Yunqi (Hàng Châu, Trung Quốc), dưới sự bảo trợ của tỷ phú Jack Ma, được thành lập với số vốn đăng ký 140.900 USD. Hoạt động kinh doanh chính bao gồm quản lý dịch vụ ăn uống, bán thực phẩm đóng gói sẵn, bán lẻ và bán buôn sản phẩm nông nghiệp và một số hoạt động khác.

Chán công nghệ, tỷ phú Jack Ma đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Mặc dù Dajingtou 22 chủ yếu kinh doanh nghệ thuật, đồ sưu tầm và sản phẩm văn hóa, nhưng công ty đã dần dần thành lập ba công ty con liên quan đến công nghệ nông nghiệp và sản xuất thực phẩm cũng như hai công ty con về công nghệ ngư nghiệp vào năm 2023.

Ngoài Majia Kitchen, Yimiba Food Technology và Yimiba Ocean Technology cũng được thành lập vào mùa hè vừa qua. Tuy nhiên, hai công ty này không thuộc sở hữu hoàn toàn của vị tỷ phú mà được kiểm soát gián tiếp thông qua nhiều công ty con.

Yimiba Food có vốn đăng ký là 7,05 triệu USD, với hoạt động kinh doanh chính liên quan đến bán thực phẩm trực tuyến, thực phẩm đóng gói sẵn, thực phẩm tốt cho sức khỏe (đóng gói sẵn), R&D nông nghiệp, dịch vụ quản lý chuỗi cung ứng, v.v.

Mặt khác, Yimiba Ocean có số vốn đăng ký là 15,49 triệu USD. Công ty tập trung vào sản xuất, nhập khẩu và xuất khẩu giống thủy sản, nuôi trồng thủy sản, sản xuất thực phẩm, bán thực phẩm, bán thực phẩm qua mạng, dịch vụ phân phối và vận chuyển đô thị, v.v.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Yimiba Ocean đã thành lập một số trung tâm nghiên cứu ở Chu San và Ôn Châu để thực hiện hoạt động liên quan đến chăn nuôi và gây giống.

Chuỗi Yimiba hiện có năm công ty, với tổ chức điều phối và cổ đông chính là 1.8 Meters Technology Holding, đăng ký kinh doanh tại Hồng Kông. Đại diện pháp lý và Giám đốc Điều hành của các công ty đều là nhân tài trong hệ sinh thái Alibaba.

TỪ CÔNG NGHỆ ĐẾN BỮA ĂN ĐÓNG GÓI SẴN?

Thực phẩm đóng gói sẵn trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trong thời gian gần đây

Trong kế hoạch phục hồi nông thôn toàn diện quốc gia năm 2023 của Trung Quốc, thuật ngữ “xây dựng và phát triển ngành công nghiệp thực phẩm đóng gói sẵn” lần đầu tiên xuất hiện, điều hướng các doanh nghiệp nông nghiệp lớn đi sâu vào chế biến, tăng cường tiêu chuẩn hóa rau quả tươi và vận hành bếp ăn trung tâm.

Rõ ràng, ngoài công nghệ chăn nuôi và số hóa, việc bán thực phẩm đóng gói sẵn đã tạo thành trục hoạt động chính cho một số doanh nghiệp nông nghiệp thuộc sở hữu của tỷ phủ Jack Ma.

Trước Majia Kitchen, không có nhiều công ty tham gia sản xuất và bán đồ ăn đóng gói. Công ty Quản lý Dịch vụ ăn uống Yunqi là một ví dụ, nhưng hoạt động kinh doanh chính vẫn liên quan đến hệ thống nhà hàng ngoại tuyến, có quy mô tương đối nhỏ.

Thị trường chính cho bữa ăn đóng gói sẵn ở Trung Quốc là B2B. Mặc dù nhu cầu người tiêu dùng (C2C) tăng trưởng nhanh chóng nhưng tỷ lệ vẫn ở mức thấp. Thành lập trung tâm nghiên cứu và sản xuất đóng gói quy mô lớn như “bếp trung tâm”, tập trung vào lợi thế chi phí, phối hợp các ngành chế biến nguyên liệu thô và triển khai kênh bán hàng, là trọng tâm đầu tư hiện nay trên thị trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, kế hoạch kinh doanh trong tương lai của Majia Kitchen vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Tuy nhiên, có suy đoán rằng công ty sẽ hợp tác với nhiều doanh nghiệp đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tăng cường tập trung vào chế biến thực phẩm.

Từ góc nhìn rộng hơn về phát triển chuỗi ngành nông nghiệp, mô hình chế biến bữa ăn đóng gói sẵn nổi lên như cầu nối mạnh mẽ giữa nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Mô hình mới nhằm nâng cao thu nhập của người nông dân, thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp hướng tới phạm vi trung và cao cấp, đồng thời thúc đẩy các lợi thế cạnh tranh mới.

Tại Alibaba, một số đơn vị từ lâu đã ủng hộ các khoản đầu tư của cựu Chủ tịch và đội ngũ Giám đốc Điều hành hàng đầu vào lĩnh vực nông nghiệp. Công ty Hema Fresh, do Jack Ma đứng đầu, là nhà tiên phong, khởi xướng nhiều dự án như Làng Hema nhằm đảm bảo đơn đặt hàng ổn định cho nông dân hay Kế hoạch Nông thôn Kỹ thuật số, sử dụng tính năng livestream mở kênh bán hàng, cũng giúp giảm thiểu chi phí chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, với việc Jack Ma gần đây thành lập một số công ty độc lập bên ngoài hệ thống Alibaba, các khoản đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong tương lai của ông đã trở thành tâm điểm chú ý.

Vẫn chưa có nhiều thông tin, mặc dù một tuyên bố gần đây từ văn phòng của vị tỷ phú nhấn mạnh ông đã gây quỹ cho nhiều dự án liên quan đến công nghệ nông nghiệp và phúc lợi công cộng cả trong nước và quốc tế trong suốt những năm gần đây.

Vì vậy, dự kiến các khoản đầu tư của Jack Ma vào lĩnh vực công nghệ nông nghiệp và chế biến thực phẩm sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai gần.

Bảo Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chan-cong-nghe-ty-phu-jack-ma-dau-tu-vao-nong-nghiep-va-thuc-pham.htm