Chần chừ minh bạch tại các trạm BOT: Ai phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng?

Một trong những nguyên nhân khiến dư luận phản ứng dữ dội tại các trạm Cai Lậy (Tiền Giang), QL5 (Hưng Yên), tuyến tránh Biên Hòa, Pháp Vân - Cầu Giẽ là việc các trạm này đã thiếu công khai, minh bạch về thông tin dự án, đặc biệt là doanh thu, mức phí.

Lái xe qua trạm BOT Biên Hòa (Đồng Nai) trả vé bằng tiền xu. Ảnh: P.V

Điều đáng nói, đây là những bất cập mà Thủ tướng đã có chỉ đạo tại văn bản 26/CT-TTg ban hành ngày 6.6.2017 về việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 35. Theo đó, Bộ GTVT phải công khai lưu lượng, phương tiện, doanh thu; khắc phục bất cập trong việc đặt trạm, thu phí… báo cáo trong tháng 7.2017. Thế nhưng cho đến thời điểm này, những lùm xùm liên quan đến BOT vẫn liên tục diễn ra cho thấy vẫn còn khuất tất trong việc minh bạch thu-chi tại các trạm BOT. Vậy? Ai đã phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng?

Lừng chừng với thu phí không dừng

Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết liên quan tới Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ, bộ đã và đang tiến hành rà soát tổng thể về phương thức thu phí, giảm phí… tại tất cả các trạm thu phí BOT và hiện chưa báo cáo Thủ tướng. Ông Đông cho biết sẽ chỉ báo cáo khi có những điểm khác với chủ trương của Nghị quyết 35. Tới nay, bộ đã hoàn tất việc rà soát và chốt phương án tài chính 23 trạm thu phí trong đó có trạm giảm phí cho người dân địa phương, có cả giảm mức phí tại trạm nhưng cho rằng việc điều chỉnh phí không đơn giản vì phải tính toán lại phương án tài chính, dòng tiền, đàm phán với các bên.

Cũng trong ngày hôm qua, trao đổi với Báo Lao Động, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - cho biết Tổng cục mới có buổi làm việc với các bên để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án thu phí không dừng tại các trạm BOT và trong giai đoạn đầu sẽ có 29 trạm BOT phải hoàn tất việc triển khai công nghệ này trước ngày 30.10. Sau ngày này nếu các trạm trong dự án không áp dụng công nghệ mới và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ thì sẽ bị dừng thu phí.

Liên quan tới việc một số nhà đầu tư BOT chưa đồng tình hoặc không muốn hợp tác với đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là VETC vì còn nhiều điểm chưa đi đến thống nhất, ông Huyện khẳng định VETC chỉ là một đơn vị cung ứng dịch vụ thu phí không dừng và Tổng cục cũng như Bộ GTVT không ép nhà đầu tư và các nhà đầu tư BOT có thể tìm một nhà cung cấp khác nhưng phải được Bộ Giao thông Vận tải thẩm tra, chấp thuận và nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm tự kết nối với hệ thống của Tổng cục.

Chia sẻ với phóng viên, đại diện dự án BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết đã triển khai công nghệ thu phí không dừng từ khá lâu nhưng mới đây đã hòa vào hệ thống của VETC và truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ kiểm soát. Được biết, dữ liệu thu phí tại dự án này sẽ được lưu 5 năm trên hệ thống của Tổng cục Đường bộ còn hình ảnh tại các trạm phải lưu 1 năm.

Theo Tổng cục Đường bộ, Dự án thu phí tự động không dừng (giai đoạn 1) áp dụng với 28 trạm thu phí trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và QL1, liên danh TASCO - VETC được Bộ GTVT chỉ định làm nhà đầu tư với tổng mức đầu tư trên 1.500 tỉ đồng, theo dạng hợp đồng BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh) với thời gian thu hồi vốn trong 20 năm (theo dự kiến hợp đồng) theo thời gian thu phí các dự án BOT, tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn 3 trạm chưa thực hiện theo dự án là BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp, BOT Quán Hàu - Quảng Bình, BOT Cam Thịnh - Khánh Hòa.

Lý giải về việc chưa thực hiện thu phí không dừng, tại cuộc họp với Tổng cục Đường bộ ngày 11.9, bà Từ Minh Nguyệt (đại diện nhà đầu tư BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp) cho biết đã 7 lần đi đàm phán với bên cung cấp dịch vụ nhưng còn rất nhiều điểm nhà đầu tư không cảm thấy thỏa mãn nên chưa thể đi đến thống nhất.

Đề cập đến vấn đề minh bạch trong thu phí, bà Nguyệt cho rằng, khi một doanh nghiệp cũng như doanh nghiệp mình (không phải cơ quan nhà nước) đứng ra để thu và quản lý doanh thu của các trạm BOT thì khó có minh bạch.

Còn đại diện nhà đầu tư BOT 194 cho rằng nếu chỉ có một đơn vị cung cấp dịch vụ là VETC thì sẽ gây khó cho nhà đầu tư.

Trấn an các nhà đầu tư, ông Huyện cho rằng “Nhà đầu tư BOT nào chưa cảm thấy thỏa mãn với điều khoản đàm phán, thì có quyền tìm một nhà cung cấp khác. Tuy nhiên, nhà cung cấp đó phải được Bộ GTVT thẩm tra, chấp thuận. Đồng thời, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm tự kết nối với hệ thống của Tổng cục”. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định, việc các nhà đầu tư BOT muốn tự quản lý hệ thống thu phí không dừng là không thể. Vì để thống nhất một đầu mối quản lý, Chính phủ đã có chủ trương để nhà cung cấp đứng ra giám sát, sau đó mọi dữ liệu sẽ truyền về cho Tổng cục Đường bộ quản lý, không để cho một đơn vị thứ ba quản lý như lo lắng của nhà đầu tư.

“Dù lắp công nghệ thu phí không dừng của đơn vị nào, các nhà đầu tư BOT vẫn phải hoàn thiện trước tháng 10. Từ sau 30.10, đơn vị nào chưa lắp thì Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT cho dừng thu phí” - ông Huyện nói.

Không thể để lợi ích nhóm xung quanh các dự án BOT

Liên quan đến những vi phạm mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận xung quanh các dự án BOT, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư, mức phí và thời gian thu phí các dự án, công trình giao thông đầu tư theo hình thức BOT, đề xuất các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9.2007. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT.

Trước đó, tại Chỉ thị 26/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành có chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải có văn bản hướng dẫn, chỉ đạo giám sát doanh thu thu phí thực tế của các dự án BOT để xác định thời gian, mức thu phí; rà soát, khắc phục ngay các bất cập trong quản lý vận hành, vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí.

Thủ tướng yêu cầu rà soát, khắc phục ngay các bất cập trong quản lý vận hành, vị trí đặt trạm thu phí, mức thu phí dự án BOT.

Thủ tướng cũng yêu cầu phải công khai lưu lượng phương tiện, doanh thu, chi phí quản lý, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, chi phí xây lắp công trình dự án BOT, hoàn thành trong tháng 7.2017. Bộ GTVT cũng được Thủ tướng giao chỉ đạo thực hiện lộ trình áp dụng thu phí điện tử không dừng liên thông toàn hệ thống trên tất cả các trạm thu phí sử dụng công nghệ Việt Nam; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ thực hiện định kỳ hằng quý.

Việc phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng về minh bạch quản lý, thu phí quanh các dự án BOT vừa qua cần phải chấn chỉnh.

Linh Anh - Khánh Hòa

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/kinh-te/chan-chu-minh-bach-tai-cac-tram-bot-ai-phot-lo-chi-dao-cua-thu-tuong-564217.ldo