Champa sau lớp 'mù sương'

Từng phát triển rực rỡ với những đỉnh cao nghệ thuật nổi trội, thế nhưng Champa vẫn còn tương đối bí ẩn cho đến ngày nay. 'Nagara Champa' của nhà nghiên cứu Đổng Thành Danh sẽ mang đến những kiến giải mới cho việc nhìn lại di sản cũng như lịch sử của vương quốc này.

Theo học chuyên ngành Lịch sử và văn minh Champa (Chămpa), Văn hóa tộc người Chăm, bằng cách sử dụng kết hợp nghiên cứu mới nhất về khảo cổ học, dân tộc học, cũng như các công trình trước đó của những sử gia nước ngoài, từ đó đối chiếu với sử sách Trung Hoa, Nagara Champa chứa đựng nhiều lập luận mới rất có giá trị mà theo tác giả, không phải là một nghiên cứu mang tính phê phán đối với các nhà Champa học tiền bối, mà hoàn toàn mang tính kế thừa cũng như gợi mở cách tiếp cận mới.

Khởi nguồn bất nhất

Đã từ rất lâu các nhà Champa học coi Lâm Ấp, Tây Đồ… là những chính thể khởi đầu của vương quốc Champa như được ghi lại trong các bộ sử Trung Hoa. Có thể hiểu rằng những chính thể này là một tiểu quốc như mọi tiểu quốc ở miền Trung Việt Nam giai đoạn cổ đại, dần dần tự đồng nhất mình với tên Champa.

Theo tác giả, điều này tương đối dễ hiểu trong một thời kỳ mà các bia ký chưa được phát hiện, dẫn đến sử liệu Trung Hoa là nguồn tham khảo duy nhất để giới nghiên cứu có thể dựa vào.

Do đó theo tác giả, để hiệu đúng và đủ khái niệm Champa, thì không nên chỉ dựa theo sử liệu hay các lý thuyết hàn lâm mang tính giả định, gán ghép, mà nên căn cứ vào các cứ liệu có sự kiểm chứng (như khảo cổ học) và mang được tính tự sự (bia ký). Vậy nên để “đi lại từ đầu” với Champa, cách tốt nhất là tập trung vào tài liệu, hiện vật khảo cổ.

Bia ký theo đó là khối dữ liệu quan trọng để tìm hiểu lịch sử Champa, tuy nhiên cho đến hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định. Một trong số đó là bởi số lượng ít ỏi, phân bố rải rác cũng như là bị tàn phá gần như hoàn toàn. Thêm vào đó nội dung của các văn bia lại đa dạng về văn tự, nội dung mang nhiều ẩn nghĩa… nên muốn xâu chuỗi, sắp xếp, tổng hợp chúng lại là không phải dễ.

Bia Võ Cạnh chứa nhiều giá trị của Champa, thay thế cho nguồn sử liệu Trung Hoa. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Ngoài điểm khởi đầu thì thời gian thành lập của vương quốc Champa tính cho đến nay vẫn chưa được xác định một cách chắc chắn. Theo Thủy kinh chú của Trung Hoa, Lâm Ấp hình thành vào khoảng thời gian 190 - 193 từ cuộc nổi dậy của nhân vật Khu Liên, nhưng học giả Đào Duy Anh thì lại cho rằng thời điểm đúng đắn phải là năm 137 dựa trên Đại Việt địa dư toàn thưViệt sử cương giám lược khảo. Dù vậy nhiều người cũng nghi ngờ rằng Khu Liên là từ dùng chung để chỉ thủ lĩnh, tộc trưởng hay người đứng đầu, chứ không phải là nhân vật có thật. Vì vậy, chưa thể kết luận một cách chính xác thời điểm cũng như bối cảnh ra đời cho đến hiện nay.

Như vậy chỉ có thể coi Lâm Ấp là cách gọi chung của một quốc gia thời tiền Champa, từ đó dần dần liên minh hoặc là thu phục của các trung tâm quyền lực trong khu vực phía Nam của đèo Hải Vân, hay gần hơn là lưu vực sông Thu Bồn, và làm nên một chính thể ở dạng nhà nước dạng sơ khai, đủ sức đối chọi với Trung Hoa vẫn đang phô trương sức mạnh ở phương Bắc.

Thế nhưng đến thế kỷ thứ VIII, cái tên Lâm Ấp bỗng dưng mất hút trong mọi sử liệu, mà thay vào đó là Hoàn Vương. Theo tác giả Đổng Thành Danh, câu chuyện đổi tên thể hiện nhiều sự thay đổi, mà một trong số đó đánh dấu sự tập hợp, liên kết mà các “tiểu quốc Bắc Champa” với trung tâm là vùng Amaravati (Quảng Nam, Đà Nẵng) dần dần lan xuống phía Nam vào thế kỷ VIII – IX, mở rộng sang cả Kauthara (Phú Yên, Khánh Hòa) và Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận). Do đó rất nhiều bia ký đã được tìm thấy tại đây, chứ không phải từ phía Bắc Hải Vân như đáng ra phải có, nếu như Lâm Ấp chính là khởi nguồn.

Từ sau giai đoạn này trở đi, quốc hiệu Champa chính thức được sử dụng bằng sự công nhận của các nước khác trong khu vực, và cũng xuất hiện một cách thường xuyên trong các sử liệu Trung Hoa. Như vậy khác với khi thay đổi tên Hoàn Vương, với việc đưa ra thuật ngữ mà cách phiên âm gần như đồng dạng với Champa, thì theo tác giả, điều này càng củng cố thêm sức mạnh và sự ấn tượng của xứ sở này với Trung Hoa phía Bắc.

Bìa sách Nagara Champa. Ảnh: Văn Sử Tinh Hoa

Sau lớp 'sương mù'

Ngoài những điều trên, tác giả cũng đã kết hợp với huyền thoại, sử thi dân gian, để nhìn một cách trung thực về một trong những vị vua quan trọng nhất của Champa – Po Ramé dưới con mắt lịch sử khoa học.

Theo đó dân gian lưu truyền rất nhiều câu chuyện về vị vua này đã để mất nước chỉ vì một người phụ nữ. Người đó chính là con gái Ngọc Khoa của chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Thế nhưng lật lại chính sử, tác giả cho rằng Po Ramé đã không trị vì vào thời điểm mà chúa Nguyễn cử binh chinh phạt Champa do các kế hoạch lấy lại vùng đất Aiaru (Phú Yên) xa xưa.

Ngược hẳn với các câu chuyện dân gian, hóa ra Po Ramé là một vị vua có nhiều công lớn đối với vương quốc Champa, khi luôn chăm lo cho nền sản xuất, giương cao ngọn cờ đoàn kết các dân tộc và đau đáu cho sự nghiệp hòa hợp các tôn giáo, cũng như lưu tâm đến việc cải cách để hoàn thiện ngôn ngữ dân tộc và mở cửa giao lưu với nước ngoài. Hóa ra người bị cuốn vào các cuộc giao chiến với chúa Nguyễn Đàng Trong lại là vị vua kế nhiệm ông.

Po Ramé cũng là chứng nhân cho sự hòa hợp của các vấn đề về sắc tộc và tôn giáo ở vương quốc này. Trong mối liên hệ giữa vùng đất Tây Nguyên và Champa trong quá khứ, tác giả cho rằng có hai xu hướng luôn luôn tồn tại, một cho rằng người Chăm đồng bằng đã tiến hành những cuộc giao tranh với các tộc người miền cao, để rồi áp đặt các sắc tộc này theo kiểu thuộc địa. Nhưng cũng có người lại bảo vệ quan điểm ngược lại, coi mối quan hệ này mềm dẻo hơn và ôn hòa hơn. Trong đó tác giả đã nghiêng theo hướng thứ 2, bởi vua Po Ramé cũng được coi là người Churu, sau này cũng có hoàng hậu là người Rhade…

Một vấn đề khác cũng được tác giả đề cập đó là sự bản địa hóa Hồi giáo của Champa. Theo đó Champa đã trải qua 3 thời kỳ lớn từ khi lập quốc là Ấn hóa (thế kỷ IV - XV) và bản địa hóa (từ sau thế kỷ XV). Trong thời kỳ Ấn hóa, người Chăm đã tiếp nhận các yếu tố tôn giáo bắt nguồn từ Ấn Độ như Hindu giáo và Phật giáo Đại thừa. Cho đến thế kỷ thứ XV, nền văn minh Ấn giáo bắt đầu cáo chung, đánh dấu giai đoạn chuyển sang nền văn minh mới của Champa nói riêng và các nước ở Đông Nam Á nói chung.

Theo tác giả, trong bối cảnh luôn phải chịu ảnh hưởng lớn của Đại Việt từ phía Bắc, cũng như áp lực từ Xiêm La và Đàng Trong ở phía Nam, Champa đã hướng ra biển, nơi những đế chế Hồi giáo đang hình thành ở Đông Nam Á hải đảo, và chính từ thời điểm này mà văn minh Hồi giáo bắt đầu du nhập, thông qua các tiểu quốc ở Mã Lai. Cũng như Ấn giáo, sau đó nó dần được bản địa hóa sao cho phù hợp với dân chúng và các tập tục truyền thống của người Chăm.

Thời gian xuất hiện của Hồi giáo cũng từng gây ra rất nhiều tranh cãi, khi nhiều tài liệu cho rằng nó đã xuất hiện từ thế kỷ XIII, nhưng theo tác giả, tất cả dữ kiện lịch sử, văn chương và dân tộc học đều cho thấy đạo Hồi bắt đầu xuất hiện sớm nhất ở Champa từ sau thế kỷ thứ XV và phát triển mạnh mẽ nhất từ sau thế kỷ XVII.

Bảo vật quốc gia - bức phù điêu vua Po Romé - người chịu nhiều điều tiếng trong các tác phẩm dân gian, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đối với Champa. Ảnh: Báo Văn hóa

Ngoài ra một ngộ nhận khác cũng bị nhiều người lầm tưởng đó là thời kỳ suy vong của Champa. Bám theo sự kiện chúa Nguyễn Phúc Chu đem quân chinh phạt vùng đất cuối cùng của Champa là Panduranga, nhiều người cho rằng dấu mốc 1697 khi việc sáp nhập vùng đất cuối cùng của Champa là tiểu quốc Panduranga vào lãnh thổ Đại Việt chính là điểm kết của một thời đại. Thế nhưng bằng cách đối chiếu cũng như so sánh biên niên sử của chúa Nguyễn và của người Chăm Panduranga, cũng như những tài liệu của các thuyền bè phương Tây, tác giả đã chứng minh rằng sau năm 1697, chúa Nguyễn vẫn cho duy trì quy chế tự trị đặc biệt cũng như bảo đảm quyền lợi của người Chăm, vì sợ tàn lửa thêm một lần nữa nổi dậy chống lại mình.

Chỉ cho đến năm 1832, khi vua Minh Mạng quyết định xóa bỏ phiên quốc này vì người đứng đầu là đồng minh của Lê Văn Duyệt, thì vương quốc Champa mới đến thời điểm "cáo chung". Từ những điều trên có thể thấy rằng lịch sử cũng như quá trình hình thành, phát triển, tiếp nhận tôn giáo… của Champa vẫn còn nằm trong nhiều lớp sương mỏng. Qua đó, tác giả Đổng Thành Danh đã cho thấy được sự thiếu chính xác trong các nghiên cứu cũ, mở ra lối tiếp cận mới, hứa hẹn ngày càng hoàn thiện với các khai quật khảo cổ học mới nhất.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/champa-sau-lop-mu-suong-41076.html