Chậm tiến độ các dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp

Những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã tích cực thực hiện các hoạt động thu hút đầu tư phát triển lĩnh vực lâm nghiệp. Nhiều dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp đã được cấp chủ trương đầu tư; một số nhà đầu tư đã và đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do gặp nhiều vướng mắc nên đa phần các dự án đều đang chậm tiến độ với với kế hoạch đăng ký với tỉnh.

Người dân huyện Tuần Giáo trồng mắc ca theo hình thức liên kết người dân - doanh nghiệp. Ảnh: Nhật Phương

Hiện nay, toàn tỉnh đã có 14 dự án trồng cây mắc ca được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô trên 86.000ha. Ðến nay, các dự án đã thực hiện đo đạc, quy chủ đất đai được trên 23.000ha, đạt 26% so với tổng diện tích phải đo đạc; tổ chức trồng trên 5.000ha cây mắc ca, đạt 15% so với tiến độ phê duyệt đến năm 2023. Riêng 9 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tổ chức trồng được 2.443ha mắc ca, trong đó: Doanh nghiệp thực hiện các dự án 1.405ha và các tổ chức, cá nhân thực hiện 1.028ha. Mùa trồng rừng năm 2023, chỉ có 7/13 (không tính 1 dự án mới được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 7/2023), dự án tổ chức trồng mới; các dự án còn lại không triển khai chuẩn bị hiện trường và trồng mới năm 2023.

Tương tự, các dự án trồng rừng sử dụng vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng đang chung tình trạng chậm tiến độ so với kế hoạch đăng ký.

Dự án trồng rừng sản xuất, nhà máy viên nén và chế biến dăm gỗ Ðiện Biên được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư vào cuối năm 2022. Tổng diện tích đăng ký thực hiện dự án 3.573,45ha trên địa bàn 4 xã: Huổi Lèng, Mường Tùng, Sa Lông, Sá Tổng (huyện Mường Chà). Ðến nay, dự án đã thực hiện đo đạc quy chủ được 385ha, đạt 11% tổng diện tích phải đo đạc của dự án. Năm 2023, nhà đầu tư đăng ký, cam kết thực hiện trồng 930ha rừng, trong đó: Diện tích doanh nghiệp thực hiện 500ha và diện tích liên kết 430ha. Ðến nay, nhà đầu tư chỉ thực hiện trồng được 10ha cây keo tai tượng tại xã Mường Tùng, đạt 1% tổng diện tích cam kết.

Dự án trồng rừng tập trung tạo vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy điện sinh khối và các sản phẩm lâm nghiệp khác trên địa bàn 4 huyện Tuần Giáo, Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa, năm 2023 nhà đầu tư cam kết thực hiện trồng 5.618ha rừng (diện tích doanh nghiệp 2.136ha và diện tích liên kết 3.482ha). Song, đến nay nhà đầu tư chưa thực hiện. Tổng diện tích đo đạc, quy chủ chỉ mới vỏn vẹn 10ha.

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Các dự án trồng mắc ca và trồng rừng sản xuất đều là những dự án nằm trong Ðề án Phát triển kinh tế lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên. Ðến nay, các dự án đều chậm tiến độ so kế hoạch cam kết đến năm 2023. Quá trình triển khai các dự án gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Hầu hết diện tích đất trong khu vực thực hiện các dự án đều do người dân đang quản lý, canh tác, sử dụng; trong khi đa số người dân vùng dự án canh tác trên nương truyền thống nên khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận tham gia dự án trồng rừng. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư chưa thực sự quyết tâm, tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.

Ðể đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng mắc ca, trồng rừng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành tăng cường phối hợp, nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm. Chủ động phối hợp với UBND cấp huyện, nhà đầu tư thường xuyên kiểm tra, nắm bắt tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các dự án để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết các khó khăn hoặc đề xuất các nội dung vượt thẩm quyền. Chính quyền cấp huyện tập trung tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận với chủ trương, chính sách và tham gia các dự án. Ðẩy nhanh tiến độ đo đạc, quy chủ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn; phối hợp với nhà đầu tư thực hiện tốt công tác chuẩn bị trồng cây mắc ca, trồng rừng theo kế hoạch đăng ký, đảm bảo chất lượng, đúng thời vụ. Ðối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương để hoàn thiện hồ sơ đo đạc, quy chủ, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp; chuẩn bị tốt các điều kiện về đất đai, dọn thực bì, đào hố, chuẩn bị cây giống, nguồn lực tài chính... thực hiện dự án theo tiến độ cam kết. Riêng đối với các các doanh nghiệp - nhà đầu tư có dự án trồng mắc ca, UBND tỉnh yêu cầu rà soát khả năng nguồn lực tài chính, đất đai vùng dự án để xây dựng kế hoạch cụ thể, cam kết tiến độ triển khai dự án trong năm 2024, 2025 bằng văn bản với UBND tỉnh; giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến hợp đồng lao động, hợp đồng liên kết, cho thuê đất.

Nhật Phương

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/209564/cham-tien-do-cac-du-an-phat-trien-kinh-te-lam-nghiep