Chăm sóc thể chất tích cực, phòng bệnh chủ động

Thực hiện chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025, ngành giáo dục Bắc Giang đã phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh công tác chăm sóc thể chất, phòng bệnh trong trường học.

Chủ động phòng bệnh

Mục tiêu của chương trình là đẩy mạnh hoạt động giáo dục thể chất, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện. Để thực hiện, ngành giáo dục triển khai các hoạt động truyền thông về sức khỏe, chương trình phòng, chống dịch bệnh, điều chỉnh dinh dưỡng bữa ăn bán trú khoa học, hợp lý. Trong quá trình đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các trường chú trọng xây dựng hệ thống nhà vệ sinh, trang bị hệ thống ánh sáng theo tiêu chuẩn, mua sắm bàn ghế đúng quy cách ở từng bậc học.

Cô giáo hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân tại Trường Mầm non Bình Minh.

Chất lượng và khẩu phần dinh dưỡng cho trẻ trong bữa ăn bán trú được quan tâm kiểm tra, giám sát. Nhiều trường đã thành lập tổ chăm sóc sức khỏe học đường gồm ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, nhân viên trạm y tế và cha mẹ học sinh. Tổ thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về dịch bệnh, tình hình sức khỏe của học sinh, kịp thời thông báo cho phụ huynh về tình trạng sức khỏe của con em và các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong môi trường đông người.

Triển khai chương trình sức khỏe học đường gắn với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, Trường Mầm non Bình Minh, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) coi trọng giáo dục ý thức tự vệ sinh cá nhân cho học sinh. Trong từng buổi học, giáo viên lồng ghép giảng dạy, hướng dẫn trẻ cách rửa tay, đánh răng, bỏ rác đúng nơi quy định, che miệng khi ho, hắt hơi.

Việc làm nhỏ nhưng rất ý nghĩa giúp các em biết vệ sinh đúng cách và tự chăm sóc bản thân tốt hơn, giảm nguy cơ bệnh tật cho trẻ và những người xung quanh, nhất là những bệnh lây do vi rút và vi khuẩn. Cô giáo Trần Thị Lương cho biết: “Ngoài việc thường xuyên hướng dẫn các em cách vệ sinh, chúng tôi còn làm mẫu cho trẻ làm theo, lồng ghép giảng dạy qua những bài hát, bài thơ giúp trẻ hứng thú, tiếp thu nhanh hơn, có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung”.

Giáo dục sức khỏe phù hợp với lứa tuổi

Với đặc thù bậc THCS, THPT, công tác chăm sóc sức khỏe tập trung vào cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bệnh tật, giảm áp lực tâm lý, quan tâm đến sức khỏe sinh sản vị thành niên. Cô giáo Huỳnh Thị Hòa Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Lạng Giang số 1 nói: “Nhà trường luôn yêu cầu giáo viên chủ nhiệm quan tâm, gần gũi để các em dễ dàng chia sẻ tâm tư. Thầy, cô chú trọng giáo dục kỹ năng giao tiếp ứng xử giữa bạn khác giới, giáo dục bạn nam biết tôn trọng, bảo vệ bạn nữ; giúp các em nâng cao hiểu biết về tình bạn, tình yêu tuổi học trò; biết giới hạn trong các mối quan hệ".

Nét mới trong công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh, đó là ngay từ đầu năm học, các trường phối hợp với trung tâm y tế các huyện, thành phố tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho học sinh. Từ các đợt khám sàng lọc, một số bệnh về mắt, thiếu chất dinh dưỡng được phát hiện sớm, từ đó có sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc điều trị, chăm sóc nâng cao thể trạng, bảo đảm sức khỏe cho các em đến trường.

Ông Lê Tiến Cương, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, điều kiện chăm sóc sức khỏe, vệ sinh ở các cơ sở giáo dục được cải thiện, nhất là sau dịch Covid-19. Học sinh được kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát các bệnh học đường để phát hiện sớm bệnh tật, nâng cao hiệu quả điều trị và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm”.

Tỷ lệ bệnh tật ở lứa tuổi học đường còn cao như: Cận thị (12-15%), thừa cân, béo phì (5%), suy dinh dưỡng thể thấp còi (17%), bệnh răng miệng (60-70%).

Tuy nhiên, theo khảo sát của ngành y tế Bắc Giang, tỷ lệ bệnh tật ở lứa tuổi học đường còn cao như: Cận thị (12-15%); thừa cân, béo phì (5%); suy dinh dưỡng thể thấp còi (17%); bệnh răng miệng (60-70%). Gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn có một số dịch bệnh lây lan trong trường học như: Đau mắt đỏ, thủy đậu, tay, chân, miệng, cúm. Tháng 9/2023, hầu hết các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn TP Bắc Giang đều ghi nhận học sinh bị đau mắt đỏ. Nhiều lớp học bậc mầm non có 100% học sinh nhiễm bệnh, thậm chí lây nhiễm sang giáo viên.

Trước thực tế này, ngành giáo dục Bắc Giang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình sức khỏe học đường. Ngành phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 90% trường học có phòng y tế đầy đủ trang thiết bị sơ cấp cứu ban đầu, 100% nhà trường có nhà vệ sinh đạt chuẩn, 85% phòng học đạt yêu cầu về chiếu sáng. Ông Nguyễn Văn Thêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Trong thời gian tới, ngành giáo dục Bắc Giang ưu tiên đầu tư trang thiết bị, nâng cấp công trình nước sạch, nhà vệ sinh, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể chất, thể thao trường học.

Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục tập trung cao triển khai các chương trình phòng, chống các bệnh về mắt, răng miệng, cải thiện thể lực, kéo giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi. Trong đó lưu ý các trường lựa chọn nội dung giáo dục sức khỏe cho học sinh phù hợp với lứa tuổi, khả năng tiếp nhận kiến thức ở từng bậc học.

Bài, ảnh: Minh Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/suc-khoe-hoc-duong/414872/cham-soc-the-chat-tich-cuc-phong-benh-chu-dong.html