Chăm sóc sức khỏe người lao động trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19

Những ngày này, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và lây lan rộng tại nhiều khu, cụm công nghiệp (KCCN), khu chế xuất trên cả nước.

Kỳ 1: “Phòng tuyến chống dịch” đầu tiên trong doanh nghiệp
(baophutho.vn) - Những ngày này, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và lây lan rộng tại nhiều khu, cụm công nghiệp (KCCN), khu chế xuất trên cả nước. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải bảo vệ tuyệt đối tính mạng, sức khỏe cho người lao động và đảm bảo môi trường làm việc an toàn trong các KCCN. Đứng trước yêu cầu đó, bộ phận y tế trong mỗi doanh nghiệp trở thành lực lượng xung kích, “phòng tuyến chống dịch” đầu tiên ngăn chặn sự tấn công của dịch bệnh.

Phòng Y tế của Công ty TNHH Namuga Phú Thọ như một “trạm y tế thu nhỏ”, được đầu tư trang bị cơ sở vật chất và thiết bị y tế đầy đủ, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động
“Lao đao” vì đại dịch
Từ năm 2020 đến nay, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều đợt dịch COVID-19. Trong đó, đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 27/4/2021 là đợt dịch nghiêm trọng nhất từ trước đến nay với số ca nhiễm tăng nhanh trong cộng đồng chỉ trong thời gian ngắn. Nguy hiểm hơn, đợt dịch này bùng phát và tấn công mạnh vào các KCNN, khu chế xuất ở nhiều tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... gây ảnh hưởng đến hầu hết người lao động và các doanh nghiệp tại đây. Đồng thời tác động tiêu cực, toàn diện, sâu rộng đến bức tranh kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh cũng như thị trường lao động trong nước.Nhiều doanh nghiệp lâm vào tình thế khó khăn, phải sản xuất cầm chừng, chống đỡ bằng nhiều biện pháp như thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân công, bố trí lao động làm việc luân phiên hoặc tuyển lao động thời vụ để duy trì hoạt động; thậm chí bị tê liệt, đình trệ hoạt động hoặc tuyên bố phá sản, nhất là các doanh nghiệp mới thành lập, quy mô sản xuất nhỏ. Nhiều KCCN, khu chế xuất phải đóng cửa tạm thời do nằm trong vùng cách ly y tế, giãn cách để phòng, chống dịch. Kéo theo đó là nhiều lao động phải thực hiện cách ly y tế, bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, việc làm và thu nhập. Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê ngày 6/7/2021, riêng đợt dịch lần thứ tư đã khiến cho 12,8 triệu lao động Việt Nam bị mất việc, giãn việc, giảm thu nhập, giảm giờ làm.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê phát biểu tại buổi làm việc với Sở Y tế tỉnh Phú Thọ, ngày 6/6/2021
Tại tỉnh Phú Thọ, trong buổi làm việc với Sở Y tế Phú Thọ tháng 6/2021, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định: Phú Thọ là một trong những địa phương có nhiều KCCN. Đây là khu vực sản xuất kinh doanh trọng điểm của tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực rất dễ lây nhiễm dịch bệnh do tập trung số lượng lớn công nhân lao động; môi trường làm việc khép kín, thường xuyên sử dụng điều hòa. Do vậy, công tác phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp tại KCCN cần phải đặt lên hàng đầu.Thực tế cho thấy, đến thời điểm hiện nay mặc dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được khống chế, kiểm soát tốt, không xảy ra trên diện rộng và lây lan trong cộng đồng nhưng cũng đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh, việc làm của một bộ phận doanh nghiệp và người lao động.

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, sáu tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 31 doanh nghiệp gặp khó khăn phải làm thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh và 228 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động; có 1.610 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hai doanh nghiệp nợ lương người lao động. Tính đến hết ngày 13/6/2021, có trên 4.800 lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, hầu hết số lao động này tập trung tại các KCN, lao động phổ thông làm việc trong các ngành nghề may mặc và điện tử. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động toàn tỉnh hiện chiếm khoảng 1,47% tổng số lao động có việc làm trong độ tuổi.
Đây là thách thức lớn đối với tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung trong triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế và nỗ lực đảm bảo an sinh xã hội. Thách thức đó đòi hỏi chúng ta phải có những chiến lược cụ thể, đồng bộ nhằm bảo vệ việc làm, đảm bảo an toàn và nâng cao sức khỏe cho người lao động, đáp ứng các yêu cầu của trạng thái bình thường mới.Những “trạm y tế thu nhỏ”
Xác định bảo vệ sức khỏe người lao động là bảo vệ “tài sản vô giá”, nhiều doanh nghiệp trong các KCCN trên địa bàn tỉnh đã quyết liệt triển khai thành lập bộ phận y tế tại đơn vị và tập trung đầu tư nhân lực, vật lực cần thiết cho bộ phận này. Đây được ví là những “trạm y tế thu nhỏ”, chịu trách nhiệm quản lý và chăm sóc sức khỏe cho toàn bộ người lao động trong doanh nghiệp. Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, những “trạm y tế thu nhỏ” lại càng có vai trò quan trọng, góp phần tạo nên phòng tuyến chống dịch hiệu quả trong các KCCN.

Nhân viên y tế Công ty TNHH Namuga Phú Thọ kiểm tra thân nhiệt cho công nhân lao động trước khi vào làm việc
Bộ phận y tế trong Công ty TNHH Namuga Phú Thọ (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) là một ví dụ điển hình. Ngày 7/5/2021, Bộ Y tế công bố một trường hợp mắc COVID-19 là công nhân của Công ty. Ngay trong đêm, các nhân viên y tế của Công ty đã cùng với lực lượng y tế của tỉnh khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm cho hơn 2.300 công nhân; truy vết các trường hợp liên quan đến bệnh nhân COVID-19 và thường trực 24/24 giờ tại Công ty để kiểm tra thân nhiệt, giám sát thực hiện quy định “5K” đối với công nhân đến làm việc. Với sự vào cuộc khẩn trương, thần tốc của các lực lượng chức năng của tỉnh; sự nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế trong doanh nghiệp cùng các biện pháp chống dịch triệt để, dịch bệnh đã được ngăn chặn kịp thời, không lan rộng ra toàn Công ty. “Với chuyên môn được đào tạo bài bản, lại thường xuyên được tập huấn nâng cao nghiệp vụ, các nhân viên y tế của chúng tôi đã phát huy tốt vai trò xung kích trong tổ chức thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch. Từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng cho người lao động và đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty” - Ông Phạm Văn Thành - Cố vấn pháp luật Công ty khẳng định.

Nhân viên y tế Công ty TNHH JNTC Vina kiểm tra sức khỏe cho người lao động
Là một trong những đơn vị tiên phong trong công tác y tế tại doanh nghiệp, Công ty TNHH JNTC Vina (Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì) đã thành lập bộ phận y tế ngay từ khi mới đi vào hoạt động năm 2015. Để ứng phó với dịch bệnh COVID-19, bộ phận y tế cùng với Tổ an toàn COVID-19 đã chủ động tham mưu với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Công ty quyết liệt triển khai các giải pháp phòng dịch và xây dựng kịch bản chống dịch khi có tình huống dịch bệnh xuất hiện.“Công ty chúng tôi hiện có trên 2.600 lao động. Thực hiện công tác phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe người lao động, chúng tôi đang đẩy mạnh hoạt động truyền thông; tăng cường kiểm tra, đôn đốc và giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy định “5K” của công nhân lao động cũng như khách ra vào Công ty. Trường hợp công nhân bị nhắc nhở mà vẫn không tuân thủ quy định có thể bị buộc cho thôi việc” - Điều dưỡng viên Đỗ Thị Hồng Hạnh, Công ty TNHH JNTC Vina cho biết.Hay như tại Công ty TNHH Một thành viên Sơn Hà Phú Thọ (Cụm Công nghiệp làng nghề Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy), để chăm lo sức khỏe của khoảng 1.300 công nhân, bộ phận y tế của Công ty đã tăng cường kiểm soát chất lượng bữa ăn ca đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm; theo dõi, nắm bắt sát sao tình hình sức khỏe cũng lịch trình di chuyển hằng ngày của công nhân.

Theo dõi sức khỏe và lịch trình di chuyển của công nhân là công việc hằng ngày của điều dưỡng viên Hà Thị Nga - Công ty TNHH Một thành viên Sơn Hà Phú Thọ Điều dưỡng viên Hà Thị Nga - phụ trách y tế của Công ty cho biết: Nếu phát hiện trường hợp công nhân có yếu tố dịch tễ hoặc có biểu hiện nghi mắc COVID-19, bộ phận y tế sẽ chuyển công nhân đó về khu vực cách ly tạm thời. Đồng thời liên hệ với cơ sở y tế tuyến trên để được hướng dẫn các bước phòng, chống dịch tiếp theo.Có thể thấy, việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người lao động đã và đang là vấn đề được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Hơn bao giờ hết, ngay lúc này những “trạm y tế thu nhỏ” trong doanh nghiệp cần được nhìn nhận và quan tâm đầu tư đúng mức để thực sự trở thành tấm lá chắn vững chắc ở phòng tuyến chống dịch đầu tiên bảo vệ người lao động và doanh nghiệp trước những hiểm họa khôn lường của đại dịch.

Thu Hương - Thanh Hòa

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202108/cham-soc-suc-khoe-nguoi-lao-dong-trong-boi-canh-dich-benh-covid-19-178562