Chậm giao căn hộ, tính lãi bồi thường ra sao?

Bà Trương Thị Mỹ Loan cho biết năm 2009, bà mua một căn hộ của Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 585 với giá gần 1 tỉ đồng.

Đến giữa năm 2011 bà mới nhận được căn hộ. Bà bức xúc vì công ty giao nhà trễ cả năm trời so với hợp đồng, thủ tục lại lề mề nên kiện đòi công ty bồi thường gần 140 triệu đồng.

“Công ty không từ chối bồi thường nhưng mong muốn tòa tính lãi của số tiền bà Loan đã đóng trước (700 triệu đồng) trên thời gian chậm giao căn hộ (12 tháng) theo lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà nước là 7%/năm chứ không phải lãi suất 18%/năm của ngân hàng thương mại như nguyên đơn yêu cầu” - đại diện công ty trình bày.

Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Phú (TP.HCM) cho rằng hai bên giao dịch mua bán bất động sản đồng thời Công ty 585 có giấy phép kinh doanh bất động sản nên áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản để giải quyết. Điểm d khoản 1 Điều 14 Luật Kinh doanh bất động sản quy định: “Trường hợp chủ đầu tư giao bất động sản chậm tiến độ ghi trong hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm với khách hàng theo hợp đồng và phải trả cho khách hàng một khoản tiền lãi của phần tiền ứng trước tính theo lãi suất vay ngân hàng thương mại tại thời điểm giao bất động sản tương ứng với thời gian chậm tiến độ”. Do đó, tòa đồng ý với cách tính lãi suất 18%/năm của nguyên đơn, buộc bị đơn phải bồi thường 140 triệu đồng.

Ngược lại, vừa qua TAND TP.HCM xử phúc thẩm cho rằng phải tính theo lãi suất Ngân hàng Nhà nước, tức 8%/năm. HĐXX phân tích trong hợp đồng hai bên đều không thỏa thuận lãi suất bồi thường cụ thể nên phải căn cứ vào BLDS giải quyết. Cụ thể, khoản 2 Điều 305 BLDS quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Do đó, tòa sửa án sơ thẩm, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn hơn 50 triệu đồng.

Xung quanh vụ này, ThS Nguyễn Xuân Quang (giảng viên khoa Luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết cách tính lãi của tòa án cấp phúc thẩm là không chính xác. Nếu việc mua bán chỉ diễn ra giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với một tổ chức nhưng không có chức năng kinh doanh bất động sản thì tòa áp dụng luật dân sự để tính lãi suất. Tuy nhiên, trong vụ án trên, nếu hồ sơ đã thể hiện Công ty 585 có giấy phép kinh doanh bất động sản thì khi xảy ra tranh chấp, khiếu kiện phải áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản chứ không thể nói rằng hai bên không thỏa thuận lãi suất bồi thường nên áp dụng luật dân sự để xử lý.

PHAN THƯƠNG

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/2013041712498837p0c1063/cham-giao-can-ho-tinh-lai-boi-thuong-ra-sao.htm