Chấm dứt bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ hàm: Bộ Công Thương đi đầu

Theo Kết luận số 33-KL/TW của Ban Bí thư (ngày 1/4/2022) về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ giữ chức vụ hàm, kể từ ngày 1/4/2022, chấm dứt việc bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ hàm ở các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị (chức vụ hàm ngoại giao thực hiện theo quy định riêng).

Kết luận của Ban Bí thư cũng nêu rõ, đối với cán bộ, công chức hiện đang giữ chức vụ hàm thì thực hiện như sau: Thời gian công tác còn dưới 5 năm thì giữ nguyên chức vụ hàm và chế độ, chính sách đến khi nghỉ hưu. Thời gian công tác còn trên 5 năm thì khi hết thời hạn bổ nhiệm (5 năm từ ngày được bổ nhiệm) không bổ nhiệm lại chức vụ hàm mà xem xét, bố trí công tác phù hợp.

Đối với cán bộ, công chức đang giữ chức vụ trưởng hoặc tương đương có thời gian công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định còn dưới 5 năm (60 tháng) do sắp xếp tổ chức bộ máy không tiếp tục bố trí làm vụ trưởng hoặc có nguyện vọng thôi công tác quản lý, điều hành thì xem xét bố trí công tác phù hợp và được bảo lưu chế độ, chính sách hiện hưởng cho đến khi nghỉ hưu.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ban Bí thư giao Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn thực hiện Kết luận này trong hệ thống chính trị.

Được biết Bộ Công Thương là một trong những cơ quan quản lý nhà nước đi tiên phong trong việc sớm bỏ chức vụ hàm. Cách đây 4 năm, tại Nghị quyết số 07-NQ/BCS (ngày 17/1/2018) của Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã đưa ra quy định tạm thời về số lượng lãnh đạo cấp phòng trực thuộc các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ.

Theo Nghị quyết này, không bổ nhiệm chức vụ hàm Trưởng phòng, hàm Phó trưởng phòng được hưởng phụ cấp. Đối với các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại có thể bổ nhiệm hàm Trưởng phòng, hàm Phó trưởng phòng để thuận lợi trong công tác đối ngoại, nhưng không được hưởng phụ cấp và phải báo cáo xin ý kiến của lãnh đạo Bộ.

Đối với cán bộ lãnh đạo đang giữ hàm, thực hiện rà soát để bổ nhiệm chính thức (theo tiêu chí về số lượng được nêu trong Nghị quyết), quyết định thôi giữ chức vụ hàm hoặc thôi không hưởng phụ cấp chức vụ.

Kết luận số 33-KL/TW của Ban Bí thư đã chính thức khép lại câu chuyện về một thực tế lâu nay là bổ nhiệm chức danh "hàm" với lãnh đạo các cấp phòng, vụ trong khi Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa có quy định về bổ nhiệm chức danh "hàm" trong cơ quan hành chính.

Theo các chuyên gia, việc bổ nhiệm này đến từ đặc thù công việc và để bảo đảm chế độ, chính sách với cán bộ, công chức khi được điều động về các cơ quan ở trung ương công tác.

Trên thực tế các chức danh “hàm” không phải là các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Người được phong chức danh “hàm” vẫn thực hiện các nhiệm vụ theo chuyên môn, nghiệp vụ nhưng với yêu cầu chuyên môn sâu, có tính tổng hợp cao hoặc rất cao. Các nhiệm vụ này có thể do cấp trên trực tiếp phân công hoặc có thể do cấp cao hơn cấp trên trực tiếp phân công và chỉ đạo.

Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 25/10/2017) của Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khóa XII) về "Một số vấn đề đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" đã đánh giá, việc bổ nhiệm cấp "hàm" ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý. Từ đó Nghị quyết 18 yêu cầu: "Quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, chính sách để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm”.

Ngày 10/12/2018, Bộ Nội vụ đã ban hành văn bản số 6028/BNV-CCVC yêu cầu trong thời gian chưa có quy định mới của Bộ Chính trị, Chính phủ về vấn đề bổ nhiệm chức danh “hàm”; các bộ, ngành, địa phương không bổ nhiệm mới chức danh “hàm” với cán bộ công chức, viên chức.

Thực tiễn 4 năm đi đầu bỏ chế độ “hàm” ở Bộ Công Thương cho thấy đó là một chủ trương đúng, nhằm tiếp tục tinh gọn, nâng cao hiệu lực hiệu quả của bộ máy công quyền. Qua đó cũng góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi chức trách nhiệm vụ, đảm bảo tính “chính danh” trong công việc, không để tình trạng “hữu danh vô thực”, dư thừa lãnh đạo, thiếu nhân viên.

Trong tác phẩm “Thà ít mà tốt” viết năm 1923, V.I Lê nin từng nhấn mạnh: “Đối với việc cải tiến bộ máy nhà nước của ta, theo ý tôi, thì Bộ dân ủy Kiểm tra công nông không nên vội vàng, cũng không nên chạy theo số lượng”. Soi vào câu chuyện bỏ cán bộ “cấp hàm”, bài học “thà ít mà tốt” vẫn còn nguyên giá trị!

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cham-dut-bo-nhiem-can-bo-giu-chuc-vu-ham-bo-cong-thuong-di-dau-174836.html