Chầm chậm xe lôi chốn miệt vườn miền Tây Nam bộ

Đến bây giờ, thật khó nói chính xác xe lôi xuất hiện ở miền Tây Nam bộ từ khi nào. Cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20? Có lẽ, xe lôi là một phiên bản của xe kéo. Dùng sức người để kéo xe, người nghèo làm phu xe cho người giàu. Xe lôi, là một chiếc xe đạp phải lôi theo một cỗ xe phía sau...

Trong sinh hoạt của người miền Tây Nam bộ hôm nay, xe lôi là một hình ảnh thân quen và gần gũi. Theo sự phát triển ồ ạt của các loại phương tiện hiện đại, thân phận xe lôi càng trở nên nhỏ bé hơn. Thế nhưng, khi xe lôi được xem như một sản phẩm du lịch thì xe lôi cũng được mặc định như một giá trị văn hóa!

Đến bây giờ, thật khó nói chính xác xe lôi xuất hiện ở miền Tây Nam bộ từ khi nào. Cuối thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 20? Có lẽ, xe lôi là một phiên bản của xe kéo. Dùng sức người để kéo xe, người nghèo làm phu xe cho người giàu. Và đến khi ngành công nghiệp cơ khí đạt được những tiến bộ nhất định để chiếc xe đạp phổ biến trong đời sống dân sinh, thì xe lôi ra đời. Xe lôi, hình dung cho dễ hiểu, là một chiếc xe đạp phải lôi theo một cỗ xe phía sau.

Xe lôi tung hoành ngang dọc khắp miền Tây khoảng nửa cuối thập niên 80 đến nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Sau đó, xe máy được bán rẻ hơn, và loại xe lôi máy lại được sử dụng. Xe lôi máy dĩ nhiên chạy nhanh hơn, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Thành phố Cần Thơ là đô thị đầu tiên cấm xe lôi máy, rồi tiến đến cấm xe lôi. Ở phố xá chen chúc, xe lôi giống như một quái thú làm ngứa mắt người khác chăng? Đành chịu, vì văn minh đô thị, xa lôi lại dạt về các vùng ngoại ô.

Khi chúng ta cấm xe lôi, thì một kiểu xe lôi khác của Trung Quốc lại tràn sang. Về mặt cấu tạo, xe lôi Trung Quốc cũng gần giống như xe ba gác tự chế, gồm phần đầu (xe gắn máy) và phần chở hàng. Giá một chiếc xe lôi Trung Quốc khoảng 45 triệu đồng. Thế nhưng, đối với khách du lịch thì đi xe lôi Trung Quốc thì chẳng khác gì đi xe lam. Khách du lịch chọn xe lôi không gắn máy, xe lôi do người đạp!

Phải thừa nhận, xe lôi phù hợp địa bàn nhiều kênh rạch của miền Tây. Bên cạnh những dòng kênh nhỏ, là những con đường nhỏ, thì còn phương tiện nào di chuyển an toàn và rẻ như xe lôi. Đi học bằng xe lôi, đi chợ bằng xe lôi, và sảng khoái hơn là đi dạo bằng xe lôi.

Hiện nay, ở những nơi nhiều khách du lịch tại miền Tây như Châu Đốc hoặc Hà Tiên, xe lôi vẫn là phương tiện được chọn lựa hàng đầu. Cái đô thị xinh xinh, nếu vù một vòng xe máy thì hết, nên không có gì hay hơn là thong thả với xe lôi.

Xe lôi cũng là nghề mưu sinh của người nghèo. Một vòng xe lôi khắp các chùa chiền, đền đài ở thị xã Hà Tiên chỉ mất 80 ngàn đồng. Mỗi xe lôi thường chở hai khách, nếu 3 khách hoặc 4 khách cùng trèo lên, người đạp vất vả thêm một chút. Cũng không sao, người miền Tây vốn sởi lởi và chân tình, cho thêm mười ngàn cũng được, mà không cho thêm cũng không sao.

Xung quanh khu vực chợ Châu Đốc có khoảng 50 xe lôi thường xuyên hoạt động. Hỏi chuyện mới biết, mỗi ngày họ kiếm được khoảng 100 ngàn đồng. Mồ hôi mướt ra, hai chân rã rời, để có tiền nuôi con ăn học. Sự lầm lũi và lương thiện ấy, không đáng để trân trọng lắm sao!

Về miền Tây, khách du lịch bình thường gọi một cuốc xe lôi, bỗng dưng cũng ngất ngưởng như ông chủ, bà chủ. Trong cái nắng phương Nam chói gắt, những tấm lưng còng của người đạp xe lôi thấp thoáng trên những con đường nhỏ, thấy thật thương, thấy thật quý và thấy thật đẹp!

Bất chợt băn khoăn một niềm thảng thốt, nếu một ngày nào đó miền Tây Nam bộ không còn bóng dáng xe lôi, thì có lẽ ký ức của nhiều người sẽ trống vắng một niềm riêng xao xuyến trong ký ức khó nguôi ngoai!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cham-cham-xe-loi-chon-miet-vuon-mien-tay-nam-bo-post173817.html