"Cha tôi, tôi và gia đình tôi đã sai rồi đấy..."

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, tỷ phú Vikrom Kromadit cho biết về một chuyến hành trình 6 tháng bằng xe bus xuyên Á, từ Mông Cổ, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan... Mỗi nơi đi qua, ông sẽ kể lại câu chuyện của cuộc đời với toàn bộ quá khứ cũng như nhữnng đau đớn của mình, để dẫn đường cho những con người lạc lối, và cố gắng truyền tải thông điệp: Đây là thế kỷ của người châu Á.

Nắm giữ doanh thu tương đương 10% GDP của Thái Lan, Tập đoàn Amata liên tục mở rộng đầu tư, nhưng tỷ phú Vikrom Kromadit - người sáng lập, cũng là chủ tịch Tập đoàn - chỉ dành 2 ngày trong một tháng để kiểm soát các hoạt động của tập đoàn. Những ngày còn lại, ông dành cho công tác xã hội.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông cho biết về một chuyến hành trình 6 tháng bằng xe bus xuyên Á, từ Mông Cổ, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan... Mỗi nơi đi qua, ông sẽ kể lại câu chuyện của cuộc đời với toàn bộ quá khứ cũng như những đau đớn của mình, để dẫn đường cho những con người lạc lối, và cố gắng truyền tải thông điệp: Đây là thế kỷ của người châu Á.

Ông Vikrom Kromadit trong xe bus trị giá 1,5 triệu USD đi xuyên Á của mình - Ảnh: Quý Hòa

Chuyện kể rằng, một nghệ sĩ có tên tuổi của Việt Nam, khi tiếp xúc với một thương nhân Thái Lan, nhân chuyến thăm việt Nam của ông này, đã ngỏ lời nhờ ông tài trợ cho dự án khu vui chơi cho trẻ em mang tên ông.

Vị doanh nhân này từ tốn bảo: “Cái tôi muốn trao tặng các bạn không phải là hiện tại mà là ở tương lai. Tôi sẵn sàng bỏ nhiều kinh phí hơn để xây dựng một trung tâm phát triển nghiên cứu sáng tạo (R&D), một thành phố thông minh để phục vụ cho việc biến ý tưởng của các bạn thành hiện thực. Chỉ khi sáng tạo tốt, vị thế của các bạn mới vượt lên mức hiện nay. Hàn Quốc phát triển nhờ đầu tư vào R&D, Israel không có sản phẩm nào nhưng họ lại là người bán ý tưởng cho thế giới... Có thể, kết quả của dự án này không thể thấy được trước mắt nhưng sẽ hữu ích cho tương lai”.

Chuyện cũng kể, trên đất Thái, có một thương nhân viết sách đã trở thành niềm tự hào của người Thái. Các tác phẩm tự truyện của ông, có cuốn tiêu thụ lên đến 10.000 bản chỉ trong 2 tuần và đến nay, con số phát hành đã là 300.000 bản.

Câu chuyện gây dựng cơ đồ của ông từ con số 0 và những vết thương trong tâm hồn vì sự bạo hành của người cha hoang dâm, đến một doanh nghiệp có doanh thu bằng 10% GDP hằng năm của Thái Lan, đã gây xúc động mãnh liệt đến cộng đồng.

Thu nhập cao nhưng ông không cho bất kỳ người thân nào của mình tiền hay tài sản mà chuyển toàn bộ vào quỹ bảo trợ các hoạt động xã hội. 14 triệu cổ phần của tập đoàn mà ông gây dựng nên thuộc về một công ty sở hữu bởi cả gia đình ông, nhưng mọi thành viên sở hữu đều không được quyền sang nhượng, thế chấp hay lãnh cổ tức...

Thu nhập mà công ty có được bất kể hình thức nào đều được đưa vào quỹ chung để chi cho việc quản lý các hoạt động vì lợi ích chung của gia đình như chi phí ăn ở, học hành, khám chữa bệnh...

Nhân vật chính trong hai câu chuyện ấy chính là tỷ phú Vikrom Kromadit.

Đối diện với quá khứ

* Ngoài những nhu cầu cơ bản, những người có thân nhân là tỷ phú, triệu phú ắt sẽ có những nhu cầu khác. Lập di chúc, chia phần cho thân nhân của mình nhưng chẳng ai được nắm giữ tiền, làm như thế, ông không thấy mình quá khắt khe với họ sao?

- Tôi chăm chỉ kiếm và cố gắng giữ tiền từ năm 5 tuổi nên tôi hiểu giá trị của đồng tiền. Nếu cho đi mà không có mục đích, tiền có thể khiến con người mất đi bản chất của mình.

Phàm là lợi ích thì chẳng ai nhường ai và càng có nhiều của cải thì càng có nhiều vấn đề rắc rối. Tôi nghĩ, cái mà người thân của mình cần nhất là kiến thức và trải nghiệm.

Thế nên, tôi chọn cách làm này để đảm bảo cho các thành viên, thế hệ này hay thế hệ sau, của dòng họ Kromadit đều có thể nhận được “phần quà” của mình.

Đừng nghĩ là tôi khắt khe với người thân. Tình yêu thương của tôi đối với mọi người trong gia đình chính là động lực thúc đẩy tôi làm việc .

* Phải chăng, nỗi đau chung đã khiến ông dang tay bao bọc thân nhân của mình?

- Như đã chia sẻ trong tập sách Nghiệt ngã và thành công, bản tiếng Việt do Công ty sách First News thực hiện, gia đình tôi đã cùng nhau trải qua chiến tranh thế giới thứ II và công cuộc tái thiết thần kỳ của Thái Lan. Đời sống lúc ấy gian khổ nhiều bề, nhưng nỗi ám ảnh của gia đình lại là cha tôi.

Có thể nói ông là một người hoang dâm và bạo hành. Ông có rất nhiều vợ, tình nhân và có đến hơn 20 người con nhưng chẳng hề yêu thương bất cứ đứa con nào.

Ông xem vợ và con cái như những người nô lệ, lao động không công cho mình. Thậm chí, ông còn dùng súng bắn vào đầu con mình khi chúng dám phản đối hay nói theo cách nghĩ của ông là nổi loạn.

Tuổi thơ của tôi và tất cả những đứa em ruột hay anh em cùng cha khác mẹ đều đau khổ như nhau. Những câu chuyện xảy ra trong gia đình đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều.

* Ai cũng có một quá khứ để kể, nhưng chuyện “vạch áo cho người xem lưng” như trong “Nghiệt ngã và thành công” không phải là chuyện của người Á Đông muốn làm?

- Tôi trăn trở rất nhiều khi quyết định làm điều này. Tôi viết về những chuyện xấu của gia đình khi tôi đã xây dựng xong Tập đoàn Amata và gia đình tôi cũng đã thoát được sự chi phối của người cha độc ác nhưng không phải là để bêu rếu cha mình hay chia sẻ với mọi người sự khổ nhọc.

Tôi kể về cuộc đời mình, từ tuổi thơ ăn cắp tiền như thế nào, đến những mánh khóe làm ăn đầu tiên, thậm chí là những tội lỗi mà mình gây nên như dẫn bạn gái đi phá thai... chỉ với một mong muốn: cha tôi, tôi và gia đình tôi đã sai rồi đấy, những ai đang mắc những sai lầm hãy xem đó là bài học và ứng xử tốt đẹp với nhau hơn.

Tôi nghĩ, câu chuyện của mình có thể dẫn đường cho những người lầm lạc. Ngày hôm qua không thay đổi được nhưng có thể quyết định được ngày mai. Một triệu luôn bắt đầu từ con số 1 mà.

* Viết lại từng giai đoạn đời mình, đối diện với quá khứ đau đớn ấy có khó khăn không, thưa ông?

- Tôi vừa viết, vừa khóc trong suốt quá trình thực hiện cuốn sách này. Những dòng hồi ức làm tôi sống lại toàn bộ quá khứ đau đớn nhưng khi đã hoàn thành, sách đến tay bạn đọc thì tôi cảm cảm thấy thanh thản vì đã có thể đối mặt được với tất cả những góc khuất trong tâm hồn mình.

Càng mừng hơn khi có hàng chục ngàn bạn đọc gửi email, thư... cho tôi để chia sẻ những gì mà họ cũng từng trải qua trong quá khứ hay nhờ tôi tư vấn để có thể giải quyết được những mâu thuẫn kéo dài quá lâu trong gia đình. Những phản hồi này khiến tôi vững tin rằng quyết định viết sách của tôi là không sai, dù cũng có nhiều thành viên trong gia đình tôi khó chịu.

Nâng chuẩn khu công nghiệp

* Có ai can thiệp được quyết định của ông không?

- Tôi là người đã nghĩ việc gì đúng thì sẽ quyết tâm làm đến cùng. Trong đời sống cũng vậy và trong làm ăn cũng như vậy.

* Như việc ông giao hẳn Tập đoàn Amata cho người ngoài điều hành?

- Tôi ngưng việc điều hành Amata từ 10 năm về trước và dùng thời gian cũng như tài sản của mình vào Quỹ Amata, một tổ chức giải quyết các vấn đề xã hội, hỗ trợ phát triển văn hóa và nhất là các vấn đề về môi trường.

Tuy nhiên, hai tuần một lần, tôi vẫn dành thời gian để gặp gỡ ban quản trị của Amata. Chủ yếu là để nghe họ báo cáo, trình bày những khó khăn hay định hướng phát triển.

Tôi cũng không can thiệp quá nhiều vào quyết định của ban quản trị mà định hướng bằng mục tiêu cụ thể. Mục tiêu mà tôi đặt ra là từ nay đến năm 2020, doanh thu của Amata phải chiếm được 20% GDP của Thái Lan.

Hiện tôi đang áp dụng nguyên tắc là không ai trong gia đình được tham gia và can thiệp vào Amata và trong sổ lương của Amata cũng không được quá hai người của dòng họ Kromadit và hai người này phải là người có năng lực vượt trội hơn các nhân viên khác.

Tôi vẫn có kế hoạch xây dựng Amata theo tiêu chuẩn quốc tế, dần dần không có người của gia đình quản lý và công ty sẽ hoàn toàn là của đại chúng.

* Trong bối cảnh kinh tế như hiện nay thì khó khăn mà ông nghe được nhiều nhất từ ban quản trị Amata là...?

- Cũng như các tập đoàn khác, Amata phải đối mặt với những khó khăn khi triển khai các dự án mới nhưng cái khó riêng của ngành lại là sự phản đối của những tổ chức phi chính phủ.

Họ phản đối sự ra đời của các khu công nghiệp vì nguyên tắc bảo vệ môi trường. Các tổ chức ấy có lý lẽ riêng của mình nhưng họ càng phản đối thì tôi càng cố gắng giữ vững con đường.

Định hướng ngay từ ban đầu của tôi là khu công nghiệp không phải là những vùng đất chết, chỉ thuần phục vụ sản xuất công nghiệp và phải đặt cách xa khu dân cư mà phải là một thành phố hoàn hảo, thông minh và nhất là phải “xanh”, không được gây hại cho môi trường.

* Điều này sẽ khiến nhà đầu tư sẽ mất nhiều chi phí ban đầu?

- Nhiều nhà đầu tư vì nghĩ ngắn như thế nên cố tình quên mô hình chuẩn của các khu công nghiệp. Tôi không muốn đi con đường ngắn để rồi mất sức bước sang con đường mới khi chạm đến điểm cụt.

Tôi chấp nhận tốn hao ban đầu. Đã đến lúc chúng ta phải đặt tiêu chuẩn cao hơn cho các khu công nghiệp. Khi xây dựng Amata Việt Nam, tôi cũng đã tuân theo định hướng này.

Không phải ngẫu nhiên mà 70% trong 900 nhà máy của thế giới đặt tại các khu công nghiệp của Amata thuộc về các tập đoàn lớn. Hơn ai hết, các doanh nghiệp luôn cần những tiện ích hiện đại và thông minh nhưng vẫn muốn không gây hại cho xã hội. Khu công nghiệp phải đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của họ.

Châu Á thần kỳ

* Nhưng hình như gần 20 năm có mặt tại Việt Nam, Amata vẫn không đầu tư thêm?

- Theo tôi, các chính sách về đất đai, khuyến khích đầu tư... của Việt Nam hiện nay đều không ổn định, lạm phát thì ở mức quá cao, lãi suất cho vay của các ngân hàng thì cao quá mức. Tôi vẫn đầu tư thêm để phát triển khu công nghiệp Amata Việt Nam nhưng để phát triển về mặt số lượng thì rất khó.

Mô hình khu công nghiệp thông minh mà Amata muốn xây dựng phải ở mức khoảng 50km2 nhưng ở Việt Nam chỉ có thể cấp cho chúng tôi khoảng 7km2, rất khó để đáp ứng. Trong khi đó, ở Mianma, Amata vừa xây dựng khu công nghiệp có quy mô lên đến 150km2.

* Đã mở rộng “bờ cõi” khắp châu Á, ông có định hướng cho Amata tiến xa hơn ra ngoài khu vực này?

* Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2008, tỷ phú Vikrom Kromadit xếp vị trí 34 trong danh sách những người giàu nhất ở Thái Lan với tài sản 145 triệu USD.

* Sách từng xuất bản của ông Vikrom, có sách từng đạt số lượng trên 1 triệu bản:

- Các tập sách Hãy là người tốt

- Tầm nhìn Vikrom

- Tay không gây dựng cơ đồ

- Các giám đốc điều hành của thế giới (World’s CEO) do Post Today Publishing Group phát hành

- Sống theo kiểu của Vikrom (Kin Yu Baab Vikrom)

- Nghiệt ngã và thành công...

- Tôi đang thực hiện một chuyến hành trình dài khoảng 6 tháng bằng xe bus xuyên Á, từ Mông Cổ, Campuchia, Việt Nam, Thái Lan... mỗi nơi đi qua, tôi đều sẵn sàng kể lại câu chuyện của cuộc đời mình và cố gắng truyền tải thông điệp duy nhất: Đây là thế kỷ của người châu Á.

Cứ 100 năm, thế giới lại thay đổi quyền lực và bây giờ là thời điểm của chúng ta. Thế giới có 7 tỷ dân thì người châu Á chiếm đến 70% dân số thế giới nhưng nền kinh tế chỉ chiếm khoảng 26%. Chuyện này sẽ thay đổi.

Hiện châu Á đang có nhiều tiền hơn bất cứ đâu, tài nguyên thiên nhiên cũng hết sức dồi dào. Nếu tài sản thế giới là 12.000 tỷ USD thì tôi tin châu Á có đến 8.000 tỷ USD.

Tốc độ phát triển kinh tế của khu vực lên đến 8%/ năm cơ mà. Vận mệnh thế giới như thế, người châu Á chúng ta phải gắng hơn nữa đế nắm bắt lấy!

* Tuổi già rong chơi một mình, dẫu đi cùng người phục vụ, ông có cảm thấy cô đơn?

- Tôi đã có hơn 50 năm lao động. Tựa như con nhộng thoát khỏi kén, nay chỉ muốn tung cánh mà bay. Năm nay tôi 59 tuổi, mỗi năm đi qua lại mất thêm một thời đoạn của cuộc đời. Chuyến xe bus của tôi như một căn nhà nhỏ xuyên qua thế giới rộng lớn này. Mỗi hành trình lại cho tôi thêm trải nghiệm.

Hôn nhân dang dở và không có con nhưng tôi sẽ chẳng tái hôn và cũng không cảm thấy cô đơn nhờ có mục đích sống. Tôi đang cố gắng dùng từng ngày của mình để đến với mọi người...

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguồn DNSG: http://doanhnhansaigon.vn/online/doanh-nhan/tro-chuyen/2012/04/1063149/cha-toi-toi-va-gia-dinh-toi-da-sai-roi-day/