Cha tôi là gián điệp

Theo Eva Dillon, cha cô - Paul Dillon là nhân viên tình báo của CIA. Ở thời kì căng thẳng nhất của Chiến tranh lạnh, ông được điều đến Đức, Mexico, Italy.

Tôi được sinh ra ở Tây Đức năm 1957 và là đứa con thứ ba trong số bảy người con. Cha tôi được điều chuyển tới đây để đối phó với mối đe dọa của Liên bang Xô viết liên quan tới Khối Đồng minh. Danh tính giả của ông là một quân nhân Mỹ, nhưng thực chất ông thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin cho CIA từ phía Liên Xô nằm bên phía Đông thành phố.

Chúng tôi sống ở Berlin khoảng sáu năm, tôi nhớ cha đưa tôi và hai chị đến xem Bức tường Berlin. Ngày hôm ấy vẫn hiện lên sống động trong kí ức tôi. Bức tường đã bắt đầu được dựng lên từ vài tuần trước đó, và ông biết chúng tôi sẽ nghe được về nó từ những người lớn khác và ở trường, thế nên, ông muốn tự mình đưa chúng tôi đi xem.

Tôi nhớ mình nắm tay cha và sợ hãi trước hàng rào dây thép gai cùng những lính canh có khuôn mặt dữ dằn cầm theo súng, bên cạnh đó là những linh mục người Đức. Cha nói với chúng tôi: “Đừng lo lắng gì cả. Không có gì làm hại con đâu. Đây chỉ là một bức tường”. […]

Tôi có thể chắc chắn một điều rằng cha đã phải sống oằn mình dưới vô vàn áp lực trong những năm đầu Chiến tranh Lạnh. Khi nghiên cứu để viết cuốn sách Spies in the Family (tạm dịch: Gián điệp trong Gia đình) của tôi, tôi đã tìm được các bài phỏng vấn với đồng nghiệp của cha và các tài liệu cho thấy rõ những áp lực ông phải gánh vác.

Như lần đầu ông được cử ra ngoại ô Munich, vào trước thời điểm tôi sinh ra, ông chịu trách nhiệm đào tạo cho những người tị nạn đã lẻn vào Tây Berlin từ Đông Âu, khi đó đang phải đối mặt với sự chiếm đóng của Liên Xô. Ông huấn luyện những người được chọn để nhảy dù trở về đất nước của họ, và làm gián điệp cho người Mỹ.

Paul Dillon và vợ - bà Anne - tại một hội chợ ở Đức năm 1951. Eva Dillon viết: “Bộ quân phục của bố là một phần vỏ bọc của ông ấy". Nguồn: charlestonmag.

Nhưng chiến dịch đã bị phá hoại ngay từ ban đầu, và những người ông huấn luyện đã bị bắn chết ngay từ khoảnh khắc họ đặt chân xuống đất. Tại thời điểm đó, cha không hay biết gì. Sự thật là chính điệp vụ người Anh đầy tai tiếng Kim Philby - người đã làm việc cho người Nga trong mười lăm năm dưới vỏ bọc là sĩ quan thông tin giữa các đơn vị tình báo của Anh và Mỹ - đã điện báo tọa độ hạ cánh ở Moscow của những gián điệp cha tôi đào tạo. Sau này, tôi còn tìm được bản tự đánh giá của cha, ông đã thừa nhận mình phải ở trong trạng thái căng thẳng không nhỏ. Thời điểm vụ việc đó xảy ra, chúng tôi vẫn còn là những đứa trẻ nên chẳng hề hay biết gì.

Dù công việc của cha có nhiều áp lực, hay có lẽ chính vì áp lực, mà anh chị em tôi đều quen với việc tạo niềm vui cho cha. Có một lần, khoảng những năm 1970, Cơ quan Tình báo đang nặng nề với nội đấu, rò rỉ thông tin và nghi ngờ lẫn nhau, do Trưởng ban Phản gián James Jesus Angleton tin rằng CIA đã thực sự bị gián điệp Nga xâm chiếm. Cha không theo phe của Angleton, ông thường về nhà trong trạng thái kiệt sức vì những hoang tưởng tràn ngập khắp CIA.

Lúc đó, các em trai tôi mê mệt nhóm hài Monty Phyton. Khi cha về nhà, các em diễn lại cảnh trong Life of Brian (Cuộc đời của Brian), khi người Do Thái dùng sức mạnh để đấu đá lẫn nhau thay vì chống lại kẻ thù chung là người La Mã. Cha phá lên cười to trước những tiểu phẩm nho nhỏ này. Đây là chính là điều đang diễn ra ở CIA, cha hiểu nhưng các em tôi lại không hề hay biết.

Năm 1973, chúng tôi chuyển đến New Delhi, Ấn Độ, để cha có thể bí mật xử lý một trong những người có giá trị nhất, ở cấp cao nhất, Tướng Dmitri Polyakov. Cha tôi đã tạo một mối quan hệ gần gũi một cách có chiến lược với ông ta.

Vào mùa hè năm 1975, tôi lúc đó mười bảy tuổi, một mục trên tờ báo Times of India (Thời đại Ấn Độ) đã chỉ ra cha tôi là nhân viên của CIA. Đây là cách lũ trẻ chúng tôi biết được ông làm việc cho Cơ quan Tình báo, và tất nhiên, chúng tôi đều ngỡ ngàng. (Mẹ thì biết về công việc của ông - thực tế là có lần ông đã thuê mẹ gửi một bưu kiện đến hộp thư bí mật dành cho các gián điệp ở một công viên Berlin. Bà đã căng thẳng vô cùng, và bà từ chối các loại gửi gắm sau lần đó).

Bài báo trên tờ Times of India được trích từ cuốn sách của Phillip Agee, Inside the Company: CIA Diary (tạm dịch: Bên trong Tổ chức: Nhật ký CIA). Vị cựu gián điệp bất mãn này đã tiết lộ danh tính của 250 nhân viên mật, trong đó có cha. Để dễ hiểu thì đây là vụ bê bối WikiLeaks của những năm 1970.

Nhưng kể cả khi danh tính của cha bị bại lộ, chúng tôi vẫn không hỏi hay chất vấn ông. Chúng tôi chỉ biết rằng cha không muốn hoặc không thể kể cho chúng tôi về công việc hàng ngày của mình. Chúng tôi tôn trọng và yêu thương ông quá nhiều nên không muốn hỏi hay khiến ông thấy khó chịu.

Việc bị bại lộ danh tính không gây nguy hiểm cho cha khi ở Ấn Độ, vì ông được hưởng miễn trừ ngoại giao. Nhưng sự nghiệp tác nghiệp ở nước ngoài của ông thì tan tành. Không lâu sau đó, ông được điều về Mỹ và làm việc ở Trại Peary, khu phức hợp đào tạo của CIA ở Virginia, còn được biết đến với biệt danh “Trang Trại”.

Sau khi trở về Mỹ, cha báo rằng chúng tôi cần tham dự một cuộc họp ở trụ sở hành chính Trại Peary. Khi tới nơi, chúng tôi được dẫn đến một phòng hội nghị. Đây là chính sách của Trại, quy định rằng người nhà của các sĩ quan CIA sống ở Trại Peary sẽ được thông báo rằng cha mẹ của họ làm việc cho Cơ quan Tình báo, vì bản thân việc nơi này là cơ sở đào tạo của CIA cũng đã là một bí mật mở.

Một vị quản lý ở trại đã hỏi thẳng chúng tôi: “Có ai ở đây biết cha mình làm gì để kiếm sống không?”. Chúng tôi hơi ngại ngùng, bởi cha chưa bao giờ kể trực tiếp cho chúng tôi về vai trò của ông, kể cả sau khi thân phận gián điệp của ông bị lộ khi ở Ấn Độ, nhưng chúng tôi đều thừa nhận là biết cha mình làm công việc gì.

Lúc đó thật kì cục. Chúng tôi bị bắt phải đối mặt với điều giấu kín cả đời, sự dối lừa được chấp nhận, rằng sẽ không bao giờ tiết lộ sự thật về cha, đây là điều chúng tôi tự nguyện làm ngơ. Ông là một người cha ấm áp và đầy tình thương yêu, ông luôn thành thật với chúng tôi trong những chuyện riêng tư hay cả các vấn đề chúng tôi còn vướng mắc.

Ngày hôm đó, ông xấu hổ, tôi tin là như vậy, bởi ông đã phải để một sĩ quan cho chúng tôi biết về công việc của ông ở CIA, điều mà đáng lẽ ông cần tự mình làm. Câu chuyện của cha tôi là vậy: ông cần phân biệt rõ ràng, nhưng cũng phải là chính mình ở hai nơi, CIA và gia đình, cả hai nơi ông đều tận tụy và trung thành.

------------------

Eva Dillion từng làm việc trong ngành xuất bản tạp chí trong 25 năm. Năm 2017, bà xuất bản cuốn sách đầu tiên, Spies in the Family, về cha của bà và mối quan hệ giữa ông với Tướng Dmitri Polyakov. Bà hiện sống cùng chồng tại Charleston, Nam Carolina.

Joshua David Stein - Nhóm biên tập Fatherly / Gieo Books - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cha-toi-la-gian-diep-post1441987.html