Cha mẹ có quyền đòi con trả công nuôi dưỡng?

Cha mẹ có trách nhiệm yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng con trưởng thành. Ngược lại, con phải thực hiện nghĩa vụ của mình đối với cha mẹ.

Người dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) tham gia tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh minh họa: Đ.PHÚ

Người dân xã Thanh Sơn (H.Định Quán) tham gia tìm hiểu pháp luật về hôn nhân và gia đình do Hội Luật gia tỉnh tổ chức. Ảnh minh họa: Đ.PHÚ

Đây là truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam và đã được quy định thành luật. Do đó, cha, mẹ, con vi phạm nghĩa vụ đối với nhau sẽ bị pháp luật chế tài, xã hội lên án.

* Đòi công dưỡng dục

Do tuổi già côi cút một mình, ông N.V.U. (72 tuổi, ngụ P.Bàu Sen, TP.Long Khánh) bày tỏ ý định muốn kiện mấy người con để đòi các khoản tiền mà ông đã bỏ công sức ra dưỡng dục như: ăn, ở, học hành…

Ông U. trình bày, vợ chồng ông có 3 người con, nay tất cả đều trưởng thành, có gia đình riêng và cuộc sống ổn định. Năm 2010, vợ chồng ông ly hôn nên phát sinh tranh chấp tài sản là nhà đất giữa ông với vợ và các con.

Sau khi được tòa án giải quyết ly hôn, ông U. già yếu không có việc làm, không có thu nhập để lo cho cuộc sống. Ông muốn các con phải có trách nhiệm chi trả lại tiền công mà mấy chục năm ông lao động nuôi dưỡng. Như vậy, tuổi già của ông mới được bảo đảm được một phần khi không còn sức khỏe tự lo cho bản thân.

Trong khi đó, ông L.T.V. (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) thì muốn người con gái ruột trả lại một phần đất mà ông đã cho trước đó hoặc hàng tháng chu cấp cho ông vài triệu đồng để ông tự lo sức khỏe tuổi già; bởi hiện tại sức khỏe của ông đã giảm, đơn độc nơi nhà trọ bán vé số mưu sinh vất vả.

Tục ngữ có câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” nên khi còn nhỏ, con luôn cần sự che chở, bao bọc, chăm sóc từ cha mẹ. Ngược lại, khi cha mẹ già yếu cũng rất cần con chăm sóc, nuôi dưỡng lại. Đó là đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình của mỗi người một khác nên trong thực tế cuộc sống vẫn còn những người già phải tự lao động lo cho mình khi con trưởng thành. Vậy họ có được quyền yêu cầu con cái phải có trách nhiệm, nghĩa vụ cấp dưỡng cho mình hay không?

* Con phải có nghĩa vụ đối với cha mẹ

Luật sư Nguyễn Đức (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cha mẹ đối với con và của con đối với đấng sinh thành là thiêng liêng. Chính vì vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rất rõ nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như: chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội. Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Ngược lại, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định, con có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình. Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật; trường hợp gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ. Chính vì vậy, trường hợp của ông N.V.U. và ông L.T.V. thắc mắc là chính đáng chứ không sai trái.

Do đó, nếu con vi phạm, có hành vi ngược đãi cha mẹ thì bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng theo Điểm b, Khoản 1, Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 186 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

“Không phải trong mọi trường hợp con không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc cha mẹ là bị chế tài hành chính, hình sự. Khi xử lý và buộc người con thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm nuôi dưỡng, pháp luật luôn cân nhắc, xem xét tới điều kiện, hoàn cảnh, khả năng kinh tế của người con, nguyên nhân vì sao, những yêu cầu đúng luật, chính đáng của cha mẹ nữa” - luật sư Nguyễn Đức lưu ý.

Cũng theo luật sư Nguyễn Đức, mặc dù pháp luật luôn khuyến khích con cái thực hiện sự hiếu thảo, báo hiếu công nuôi nấng, dưỡng dục của cha mẹ bằng khả năng tốt nhất của mình nhưng pháp luật cũng khó điều chỉnh hết bằng những quy định cụ thể mà để cho đạo đức xã hội, gia đình điều chỉnh bằng tình yêu thương, trách nhiệm, đạo lý làm người.

Khoản 1, Điều 53 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi: đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân. Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là người cao tuổi, yếu, khuyết tật.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202305/cha-me-co-quyen-doi-con-tra-cong-nuoi-duong-3165217/