CEO ngân hàng lớn nhất thế giới đưa ra tầm nhìn mới về tiền tệ trong thế giới AI

Jamie Dimon, Giám đốc điều hành JPMorgan Chase & Co, không giấu giếm rằng ngân hàng của ông tập trung toàn lực vào trí tuệ nhân tạo (AI). Giờ đây, lãnh đạo ngân hàng lớn nhất thế giới (vốn hóa thị trường hiện là 517,21 tỉ USD) đưa ra tầm nhìn mới về tương lai của tiền tệ trong thế giới AI.

“Bạn có thể hỏi chatbot tương lai của ngân hàng, gọi là ChatJPM, rằng: ‘Tôi 30 tuổi, tôi nên làm gì?’. Có thể nói, chúng tôi đã làm được một chút gì đó hiện nay”, Jamie Dimon nói trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Bloomberg Originals The Circuit with Emily Chang.

Bloomberg Originals The Circuit with Emily Chang là một chương trình tập trung vào phỏng vấn các nhân vật quan trọng trong lĩnh vực giao thoa giữa công nghệ, văn hóa, giải trí và kinh doanh. Người dẫn chương trình là Emily Chang, nhà báo kỳ cựu của hãng tin Bloomberg. Chương trình này cung cấp cái nhìn sâu sắc về những người và xu hướng đang định hình tương lai của thế giới.

Jamie Dimon nói rằng AI đã được đưa vào các kế hoạch quản lý tài sản của JPMorgan Chase & Co, nhưng công nghệ này sẽ càng tinh vi hơn trong thời gian ngắn.

Tỷ phú 68 tuổi người Mỹ nói thêm: “Tất cả những gì AI làm là tìm hiểu thêm về bạn, học hỏi về bạn nhiều hơn, phân tích các mô hình và những điều thành công trong quá khứ. AI sẽ là trợ thủ đắc lực cho những việc như vậy”.

Trong một lá thư gửi các cổ đông gần đây, Jamie Dimon đã dành khá nhiều nội dung để nhấn mạnh tầm quan trọng của AI với JPMorgan Chase & Co nói riêng và xã hội nói chung. Ông ví công nghệ mới nổi này giống như “máy in, động cơ hơi nước, điện, máy tính và internet”.

JPMorgan Chase & Co (đặt trụ sở tại thành phố New York, Mỹ) đã có hàng nghìn nhân viên làm việc về AI.

Jamie Dimon trước đây nói rằng AI sẽ được tích hợp vào mọi quy trình của ngân hàng, bao gồm giao dịch, nghiên cứu, phòng ngừa rủi ro chứng khoán và dịch vụ khách hàng, thường hoạt động dưới dạng một đồng nghiệp. Ông nói AI có thể sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người lao động, nhưng cũng giống như mọi công nghệ mới, một số công việc sẽ bị nó thay thế.

Hồi tháng 3.2023, các nhà nghiên cứu của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs (Mỹ) ước tính rằng 300 triệu nhân viên toàn thời gian toàn cầu có thể bị thay thế bởi AI tạo sinh. Theo Goldman Sachs, các hệ thống AI tạo sinh có thể tạo ra những nội dung không thể phân biệt được so với hoạt động sáng tạo của con người. Điều này có thể kích hoạt sự bùng nổ năng suất, giúp nâng GDP toàn cầu tăng thêm 7% hàng năm trong 10 năm tới.

“Sự kết hợp giữa tiết kiệm đáng kể chi phí lao động, tạo việc làm mới và năng suất cao hơn cho những người lao động không bị đào thải mở ra khả năng cho cuộc cách mạng năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể. Chúng tôi ước tính rằng AI có thể giúp tăng GDP toàn cầu hàng năm lên 7%”, trích báo cáo của Goldman Sachs.

Báo cáo cho rằng công việc của luật sư và nhân viên hành chính sẽ nằm trong số những công việc có nguy cơ dư thừa cao nhất do sự phổ cập của AI tạo sinh. Goldman Sachs ước tính khoảng 2/3 số lượng công việc ở Mỹ và châu Âu có rủi ro bị tự động hóa ở một mức độ nhất định vì sự xuất hiện của AI tạo sinh. Hầu hết người lao động ở hai nền kinh tế này sẽ chứng kiến dưới 50% khối lượng công việc của họ được tự động hóa. Những người lao động này sẽ tiếp tục làm việc nhưng một phần thời gian của họ được chuyển sang cho các hoạt động hiệu quả hơn.

Jamie Dimon tiết lộ JPMorgan Chase & Co đang tập trung toàn lực vào AI - Ảnh: Bloomberg

Các công cụ AI đã bắt đầu tạo ra doanh thu cho ngân hàng và những tiến bộ trong tương lai của công nghệ này có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn nữa. Thế nhưng, không phải AI không mang lại rủi ro cho hệ thống tài chính. Gary Gensler, người đứng đầu Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ, nói AI có thể khiến người ta khó hiểu lý do rằng tại sao lại đưa ra quyết định đó và làm tăng tính biến động, bất ổn.

Gary Gensler trở thành một trong những người quản lý đầu tiên đề xuất các quy tắc cho AI nhằm buộc các nhà giao dịch và nhà quản lý tiền xác định xem việc sử dụng AI hoặc dữ liệu dự đoán của họ có gây ra xung đột lợi ích hay không. Dân biểu Maxine Waters, đảng viên đảng Dân chủ hàng đầu trong Ủy ban Dịch vụ Tài chính của Hạ viện Mỹ, đã cảnh báo rằng việc các công ty tài chính sử dụng AI có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử nhiều hơn trong việc cho vay.

Về việc AI sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cách mọi người thường xuyên tương tác với tiền, Jamie Dimon nói ông không hình dung ra một “siêu ứng dụng” tài chính duy nhất. Siêu ứng dụng là thuật ngữ mô tả ứng dụng có thể thực hiện hầu hết mọi thứ. Các siêu ứng dụng, chẳng hạn WeChat và Alipay, đã thành công ở Trung Quốc nhưng không thu hút được sự chú ý tại Mỹ.

Năm 2018, Jamie Dimon cử một nhóm đến Trung Quốc để tìm hiểu về việc nền tảng phổ biến như Alipay của Alibaba và WeChat của Tencent Holdings tích hợp các dịch vụ như mạng xã hội, thương mại điện tử và thanh toán vào một nơi. Nhóm này đã quay về và xây dựng biểu đồ về tất cả siêu ứng dụng Trung Quốc cùng dịch vụ của họ. Thế nhưng, Jamie Dimon kết luận rằng thay vì tạo ra một “siêu ứng dụng” trung tâm ở Mỹ, sẽ có hàng loạt “siêu ứng dụng nhỏ” thay thế. JPMorgan Chase & Co đã cung cấp dịch vụ thẻ tín dụng và đang mở rộng sang lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn.

Jamie Dimon cho biết rằng AI nói riêng và công nghệ nói chung sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, phát triển các sản phẩm và dịch vụ mà JPMorgan Chase & Co cung cấp cho khách hàng. “Vì vậy, hãy nghĩ đến bất cứ thứ gì chúng tôi cung cấp cho bạn sẽ được thúc đẩy rất nhiều bởi AI”, ông nhấn mạnh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nói với chatbot trong tương lai của JPMorgan Chase & Co rằng muốn làm giàu nhanh chóng? “Tôi hy vọng nó trả lời rằng bạn thật điên rồ. AI không thể là người chọn cổ phiếu”, Jamie Dimon đáp và chỉ ra rằng công nghệ vẫn có những giới hạn của nó.

Ngay cả khi mọi cổ phiếu đều được định giá hoàn hảo, Jamie Dimon không nghĩ rằng AI có thể đưa ra lựa chọn một cách hoàn hảo mà không mắc lỗi. Thế nhưng, ông tin rằng AI sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với một tương lai có thể đặt tiền của mình vào chế độ tự động. Điều này ngụ ý rằng AI có thể được sử dụng để tự động hóa quá trình quản lý tài sản hoặc đầu tư, giúp bạn không cần theo dõi sát sao hoặc thực hiện quyết định mỗi lúc.

JPMorgan Chase & Co chống lại 45 tỉ ý đồ tấn công mạng mỗi ngày

Hồi đầu năm nay, đài CNN đưa tin JPMorgan Chase & Co đang chống lại khoảng 45 tỉ sự nỗ lực xâm nhập hệ thống mỗi ngày. Con số này cao gấp đôi năm ngoái, phản ánh thách thức an ninh mạng ngày càng lớn mà tổ chức tài chính này cùng nhiều “ông lớn” Phố Wall khác phải đối mặt.

Mary Callahan Erdoes, Giám đốc phụ trách quản lý tài sản tại JPMorgan Chase & Co cho biết, mỗi năm ngân hàng này dành ra 15 tỉ USD và tuyển dụng 62.000 kỹ sư công nghệ để tăng cường năng lực phòng vệ trước tội phạm mạng.

“Chúng tôi sở hữu nhiều kỹ sư công nghệ hơn cả Amazon lẫn Google vì chúng tôi phải làm vậy. Đối tượng lừa đảo ngày càng thông minh, tinh quái hơn”, Mary Callahan Erdoes nói.

Các ngân hàng Mỹ và châu Âu ghi nhận số vụ tấn công mạng gia tăng trong vài năm qua. Một phần nguyên nhân là do hacker thân Nga trả đũa loạt trừng phạt mà phương Tây áp đặt vì cuộc chiến ở Ukraine.

AI phát triển thần tốc cũng khiến hoạt động tấn công mạng trở nên tinh vi hơn. Gita Gopinath, Phó giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho biết giới chức quản lý vô cùng lo ngại về tình trạng hacker sử dụng AI: “Quy mô tác động của công nghệ này cùng tốc độ công nghệ phát triển làm cho chính sách quản lý khó lòng bắt kịp. Có nguy cơ xảy ra một vụ việc lớn trước khi chúng ta tìm ra cách giải quyết”.

Khảo sát gần đây do Ngân hàng Trung ương Anh thực hiện chỉ ra các tổ chức tài chính xem tấn công mạng là rủi ro hàng đầu với ngành. Năm ngoái, hãng kiểm toán KPMG qua khảo sát cũng ghi nhận rằng nhiều giám đốc ngân hàng bày tỏ lo ngại về an ninh mạng.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ceo-ngan-hang-lon-nhat-the-gioi-dua-ra-tam-nhin-moi-ve-tien-te-trong-the-gioi-ai-216200.html