CEO Apple đến Việt Nam và những chỉ dấu mở

Việc CEO Apple đến Việt Nam là một chỉ dấu tích cực cho thấy vai trò ngày càng tăng của đất nước trong bối cảnh công nghệ toàn cầu đang phát triển rất nhanh.

Sáng 15-4, sự kiện ông Tim Cook, CEO Apple đến Việt Nam đã tạo ra sự quan tâm của dư luận. Hiện, Apple đã có những đầu tư trực tiếp thông qua các nhà cung ứng của họ đặt các nhà máy sản xuất nhiều sản phẩm tại Việt Nam.

Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam cũng khiến “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ đã giới thiệu cửa hàng trực tuyến Apple dành riêng cho người tiêu dùng Việt cũng như dành những ưu ái nhất định khi đưa sản phẩm iPhone ra mắt rất sớm cho thị trường Việt. Hiện đã có nhiều hãng công nghệ hàng đầu của Mỹ đang đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” đã xuất khẩu đi khắp toàn cầu.

Ông Tim Cook đi dạo tại hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Thế Duyệt

Trong quý I-2024, dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ đã cho thấy Việt Nam duy trì sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có nhiều thuận lợi từ tiềm năng thị trường, cơ sở hạ tầng, nhân lực có kỹ năng tốt và chính sách hấp dẫn cho đầu tư kinh doanh.

Chính phủ Việt Nam đang có những nỗ lực và sự quyết tâm đổi mới và sáng tạo đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, có tầm nhìn, chính sách đầu tư mạnh mẽ cho lĩnh vực công nghệ cao, lấy chất lượng làm trọng tâm cho sự phát bền vững và hiệu quả ở quy mô nền kinh tế lẫn cấp độ doanh nghiệp.

Việc CEO Apple đến Việt Nam là một chỉ dấu tích cực cho thấy vai trò ngày càng tăng của đất nước trong bối cảnh công nghệ toàn cầu đang phát triển rất nhanh. Nó mang đến cơ hội cho Việt Nam về tăng trưởng kinh tế, phát triển kỹ năng và tiếp cận với sự phát triển của các công nghệ hàng đầu, đồng thời đặt ra những thách thức cần được quản lý hiệu quả.

Để tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu của dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, xác định và tập trung vào các công nghệ mới nổi như blockchain, AI, năng lượng tái tạo mà Việt Nam có thể có lợi thế cạnh tranh.

Cùng đó là xây dựng một hệ sinh thái công nghệ cao thịnh vượng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khẳng định mình là quốc gia dẫn đầu về đổi mới trong khu vực. Đồng thời nuôi dưỡng lực lượng lao động lành nghề và tạo ra môi trường kinh doanh phát triển ổn định và minh bạch.

Để tận dụng lợi thế dòng vốn FDI tạo sức bật mạnh mẽ cho nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia để cùng lớn mạnh và phát triển.

Việt Nam có thể vượt xa việc chỉ đơn thuần là một công xưởng gia công và trở thành một trung tâm đổi mới trong khu vực và toàn cầu sẽ phụ thuộc vào sự sẵn sàng đầu tư vào tương lai của Việt Nam; sự sẵn sàng của bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp có thể nắm bắt các ngành công nghiệp dựa trên tri thức và thúc đẩy môi trường hợp tác thu hút và nuôi dưỡng sự đổi mới.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/ceo-apple-den-viet-nam-va-nhung-chi-dau-mo-post785821.html