CEO ảo

(TBKTSG) - Có một nghịch lý là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp rất dễ “chết”, nhưng không vì thế mà số người muốn làm chủ doanh nghiệp lại giảm đi. Danh hiệu CEO bao giờ cũng hấp dẫn! Một anh bạn nói vui: “Thời bây giờ ra đường là gặp tổng giám đốc (CEO). Giám đốc nhiều hơn nhân viên”. Nhưng liệu làm chủ có “ngon ăn” như người ta tưởng?

Nguyễn Quỳnh Sa (*)

Có không ít trường hợp vì thất nghiệp, người ta loay hoay không biết làm gì nên mở công ty để làm giám đốc.

Từ một chia sẻ của TS. Phan Quốc Công (người sinh ra thương hiệu ICP và nhãn hiệu X-Men) rằng anh đã từng đi làm thuê hơn 10 năm ở các lĩnh vực thương mại, sản xuất và quản lý rồi mới tính đến chuyện làm chủ.

Cá nhân tôi làm trong ngành tổ chức sự kiện lâu năm cũng đã chứng kiến nhiều cuộc “ra riêng” nóng vội của các bạn trẻ. Có những bạn trẻ chỉ mới tham gia cộng tác tổ chức vài sự kiện đã manh nha ý tưởng mở công ty sự kiện và hầu như không cần biết để điều hành và duy trì một doanh nghiệp thì cần những yếu tố gì.

Về lý thuyết, chúng ta luôn khuyến khích giới trẻ phải có chí tiến thủ, chấp nhận mạo hiểm và thử thách để hoàn thành ước mơ. Song việc đốt cháy giai đoạn khởi nghiệp có thể để lại những hậu quả khôn lường.

Chẳng hạn vì thiếu kinh nghiệm kinh doanh, vốn sống, vốn đầu tư..., công ty của các ông bà chủ trẻ sẽ nhanh chóng “chết non”. Rồi như “con chim sợ cành cong”, có thể sau này sự nghiệp của các bạn bị ảnh hưởng vì thiếu sự tự tin, quyết đoán. Hơn nữa, kiến thức mà các bạn học hỏi được từ một doanh nghiệp cũng là phiến diện và quá ít. Trải nghiệm ở vài môi trường khác nhau không chỉ cho bạn cái nhìn đa chiều về kinh doanh, thị trường mà còn giúp bạn có thêm nhiều mối quan hệ tốt để ra riêng về sau.

Khi chọn con đường khởi nghiệp, có nhiều bạn không có mục tiêu hay kế hoạch rõ ràng mà chỉ tràn ngập khát khao “hái tiền” từ thiên hạ. Cũng có bạn vì không muốn làm thuê nên mở công ty để làm chủ, nhưng nếu các bạn lường trước làm chủ đôi khi cực hơn và thu nhập cũng ít hơn thì sẽ khác.

Có một gia đình mỗi lần gặp tôi là bày tỏ ý định sẽ kinh doanh buôn bán gì đó, tóm lại là họ thích làm chủ và làm giàu. Tôi chỉ có ý kiến đơn giản thế này: cộng thu nhập của ba thành viên đang đi làm lại, rồi tính xem nếu làm ăn buôn bán với sức lực, khả năng của cả ba người thì mỗi tháng có dư được chừng đó không; có vốn đầu tư ban đầu không hay phải đi vay mượn; có chịu cực khổ và chịu được áp lực không?

Tôi cũng từng chứng kiến một nhóm bạn đang đi làm rủ rê nhau hùn hạp làm ăn. Ở giai đoạn vất vả thì còn nương tựa vào nhau, khi bắt đầu có chút doanh thu thì ì xèo chuyện chia chác, kể lể công sức. Và dù công ty hoạt động có lãi nhưng phải chia năm xẻ bảy cho các thành viên, tính ra thu nhập mỗi bạn thua xa đi làm thuê, nên cuối cùng họ quay lại con đường cũ.

Có không ít trường hợp vì thất nghiệp, người ta loay hoay không biết làm gì nên mở công ty để làm giám đốc.
Cũng có thể phong trào CEO bắt nguồn từ thế giới ảo mà chuyện “tự sướng” khoe hình ảnh, danh hiệu... trên Facebook thì hình như không còn gì dễ bằng! Việc gắn nhãn CEO có thể khiến bạn thấy mình trở nên “hoành tráng” hơn, nhưng đối tác và khách hàng sẽ nghĩ sao khi thường xuyên thấy một người tự xưng là doanh nhân mà viết ra dòng (chữ) nào thì sai dòng ấy, không sai chính tả thì sai ngữ pháp, hoặc nội dung đọc xong không ai hiểu nổi. Hoặc một người đàn ông tự xưng là CEO của một công ty nhưng thỉnh thoảng lại đăng ảnh chân dung của mình với diện mạo không khác gì tay cao bồi mặt mày bặm trợn.

Ảo tưởng càng nặng hơn khi trên mạng người ta sẽ không nói thật suy nghĩ của mình mà luôn nồng nhiệt cổ vũ và “like” theo phong trào.

(*) Chủ tịch HĐQT Công ty Chúc Mừng Sinh Nhật

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/116973/