CDC Hà Nội mở cửa lại phòng tiêm chủng: Đảm bảo số lượng và chất lượng vaccine

Ngày đầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) mở cửa trở lại phòng tiêm chủng, đông đảo người dân đã nắm được thông tin để đến đăng ký tiêm.

Sáng 12/3, phòng tiêm chủng vaccine của CDC Hà Nội mở cửa trở lại. Nhiều người dân, phụ huynh đã nhanh chóng đưa con em tới đăng ký tiêm chủng phòng bệnh.

Lượng người đến đăng ký tiêm chủng trong ngày đầu mở lại khá đông đúc.

Trên đường đi làm, bất ngờ vì thấy phòng tiêm của CDC Hà Nội đã đông đúc trở lại, chị Vũ Thị Kiều (ở Hà Đông, Hà Nội) tranh thủ vào tiêm mũi vaccine phòng cúm.

Chị cho biết: “Sau thời gian đóng cửa, giờ mở cửa trở lại, tôi thấy phòng tiêm vẫn đảm bảo như trước; cơ sở khang trang, từ quy trình tiêm đến các loại vaccine phục vụ người dân khiến tôi khá yên tâm. Tôi hay bị cúm, nên thấy việc tiêm vaccine rất hiệu quả, trước thai kỳ tôi chủ động tiêm phòng và suốt cả thai kỳ của tôi hoàn toàn khỏe mạnh”.

Chị Hoàng Lê Duyên đưa con đến tiêm chủng ngay khi biết thông tin.

Người dân yên tâm về quy trình tiêm an toàn.

Sau khi tiêm, các bé còn được khám, tư vấn dinh dưỡng.

Cũng đến xếp hàng để đăng ký tiêm chủng cho con từ sớm, chị Hoàng Lê Duyên (ở Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi vẫn thường tiêm chủng ở phòng tiêm của CDC Hà Nội, nên ngay khi có thông tin phòng tiêm mở cửa trở lại, tôi cho cháu đến tiêm ngay mũi phòng cúm để kịp phòng, chống trước vào mùa dịch bệnh. Hôm nay đến tiêm, cháu không chỉ được tiếp đón, khám, tư vấn tiêm chủng, mà còn được cân, đo, khám dinh dưỡng, các bác sĩ thăm khám và tư vấn chế độ ăn, sinh hoạt phù hợp với độ tuổi của cháu”.

Không chỉ trẻ em, người lớn, nhiều phụ nữ mang thai cũng đến tiêm các mũi vaccine trong thai kỳ.

Người dân khi đến tiêm chủng được tiếp đón, khai báo thông tin, sau đó được khám, tư vấn để chỉ định các loại vaccine được tiêm, tiêm và theo dõi sau tiêm tại chỗ. Khi vào phòng tiêm, nhân viên y tế có hướng dẫn cụ thể người dân về loại vaccine được tiêm, liều lượng tiêm và cách theo dõi, hướng dẫn sau khi tiêm.

Sau tiêm, người dân sẽ được ở lại theo dõi trong vòng 30 phút, trong thời gian đó các trẻ có nhu cầu sẽ được các bác sĩ khám, tư vấn dinh dưỡng.

Cân đo cho trẻ đến tiêm.

Không gian vui chơi chờ tiêm của trẻ.

Nhiều người lớn cũng tiêm các mũi vaccine phòng bệnh như cúm, thủy đậu...

Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn cho biết: “Sau một thời gian tạm dừng hoạt động, để vận hành lại phòng tiêm chủng, chúng tôi đã tích cực chuẩn bị trong vòng 1 tháng trước khi mở cửa. Công tác vệ sinh phòng ốc, bố trí tiếp đón, điểm tiêm đảm bảo vệ sinh, an toàn là trên hết. Bên cạnh đó, kho bảo quản vaccine, hệ thống dây chuyền lạnh, các tủ bảo quản vaccine… đã được chuẩn bị hết sức chu đáo, đạt chuẩn, để đảm bảo an toàn tiêm chủng”.

Quy trình tiêm chủng tập trung rất quan trọng, dù kinh nghiệm trên 30 năm triển khai tiêm chủng, nhưng trước khi hoạt động trở lại, CDC Hà Nội cũng đã phải rà soát lại tất cả các khâu, từ việc tập huấn lại quy trình kỹ thuật cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng đến công tác khám, phân loại, sàng lọc thực hiện nghiêm túc, chỉ định tiêm đúng loại, đúng đối tượng, độ tuổi, không chỉ định tràn lan, tránh lãng phí nguồn vaccine.

“Nhhững vướng mắc trong đấu thầu vaccine đã dần được giải quyết. Đến nay, chúng tôi đã mua sắm, được cung ứng các loại vaccine. Hiện số lượng vaccine tương đối đầy đủ cho tất cả các bệnh truyền nhiễm mà có thể phòng được bằng vaccine, được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu. Tuy nhiên, một số loại vaccine vẫn còn khan hiếm trên thị trường toàn quốc, chúng tôi đang phải chờ và sẽ tiếp tục mua sắm khi có được nguồn cung, tùy theo tình hình chung”, ông Khổng Minh Tuấn cho biết.

Trung tâm hiện có hai dây chuyền tiêm chủng, đáp ứng cho khoảng 200 lượt tiêm; với các vaccine hiện có gồm: Vaccine lao; vaccine uốn ván hấp phụ; “6 trong 1” (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib); vaccine tiêu chảy do rota virus; vaccine sởi, quai bị, rubella; vaccine thủy đậu; vaccine viêm não Nhật Bản B; vaccine cúm; vaccine phòng các bệnh do phế cầu khuẩn; vaccine viêm gan A, viêm gan B và các bệnh do HPV...

Người dân khi đến tiêm chủng sẽ được tư vấn dinh dưỡng miễn phí (ưu tiên trẻ em dưới 5 tuổi đến tiêm chủng) vào các thứ 3, 5, 7 và chủ nhật hàng tuần.

Trước đó, phòng tiêm chủng dịch vụ tại 70 Nguyễn Chí Thanh, cơ sở tiêm chủng lớn nhất Hà Nội phải đóng cửa vì hết vaccine. Nguyên nhân do vướng mắc ở việc mua sắm, đấu thầu thuốc, vaccine dẫn tới không nhập khẩu, mua sắm được vaccine khiến nhiều điểm tiêm chủng dịch vụ công lập phải đóng cửa.

Tạ Nguyên/ Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/cdc-ha-noi-mo-cua-lai-phong-tiem-chung-dam-bao-so-luong-va-chat-luong-vaccine-20240312112906109.htm