Cây xăng Nhật thôi chào khi vắng ống kính phóng viên?

Đã rõ chuyện nhân viên cây xăng Idemitsu Q8 không cúi đầu chào khi không có ống kính và những lời nói thật của người Việt.

Nhiều ngày qua, người dân xôn xao với một clip cho rằng nhân viên cây xăng Idemitsu Q8 không cúi đầu chào, không mặc đồng phục và cầm tiền một tay... khác với những gì trước đó nhân viên và giám đốc tại trạm xăng đã làm khi có phóng viên báo chí.

Nhân viên cây xăng Idemitsu Q8 vẫn cúi chào khách hàng, Ảnh : Ngọc Ninh

Nhân viên cây xăng Idemitsu Q8 vẫn cúi chào khách hàng, Ảnh : Ngọc Ninh

"Phép lịch sự của người ta, mình không cần"

Ngày 18/10 phóng viên Đất Việt có mặt tại cây xăng Idemitsu Q8 khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

Các trạm xăng khá vắng khách, nhân viên luôn túc trực, mặc đồng phục chuẩn quy định và chào hỏi rất chu đáo, mặc dù thời tiết có gió và mưa lạnh. Đặc biệt, bất kì xe máy hay xe ô tô đều được nhân viên đưa hóa đơn đầy đủ.

Thời điểm đó có sự xuất hiện của một số phóng viên báo đài.

Nhiều xe có biển số từ các tỉnh Hải Phòng, Vĩnh Phúc,...cũng đến, mà theo nhân viên, họ đến để trải nghiệm được đổ xăng tại cây xăng của Nhật.

Về việc được nhân viên cúi đầu chào, chị Lê Na cho biết, "Tôi làm trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long, cũng tiện đường qua đây. Thái độ phục vụ tốt hơn cây xăng của Việt Nam, còn việc có cúi chào hay không, tôi không theo dõi".

"Theo tôi cây xăng không cần phải quá trịnh trọng hoặc cúi chào. Văn hóa mỗi nước đều khác nhau nên đừng mang văn hóa ra nói chuyện.

Ở đây tôi chỉ cần nhân viên lịch sự nói chuyện tôn trọng khách hàng đổ xăng không thiếu và trả tiền thừa là được". chị Na chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Huyền (Đông Anh - Hà Nội) cho biết, "chị đổ xăng ở đây nhiều lần. Lần nào chị cũng được chào hỏi thường xuyên".

Nói về việc cúi đầu chào, chị cho biết “ đây là phép lịch sự của người ta, còn mình thì cũng không cần”.

Khách hàng Việt cần gì?

Trả lời báo chí về việc có clip nhân viên không cúi đầu chào như hôm khai trương, đại diện cây xăng Idemitsu Q8 chia sẻ:

"Tất cả các nhân viên chúng tôi đều nhắc nhở luôn niềm nở với khách và chào hỏi khách đến mua. Tuy nhiên, có thể có đôi lúc nhân viên bán xăng mệt, lại đông khách đến đổ nên khó tránh khỏi thiếu chào hỏi khách."

Cây xăng với vốn đầu từ của Nhật nhưng nhân viên lại là người Việt Nam. Các nhân viên Việt đang phải làm việc và thích nghi với thói quen chào hỏi Nhật.

Việc cúi chào mỗi khi có khách hàng đó là quy định của công ty, nhưng cả nhân viên và khách hàng người Việt chưa có thói quen đó. Việc quên chào, hoặc mệt mỏi quá, hoặc quá đông khách không chào xuể có thể hiểu được.

Khách hàng Việt Nam thực sự cần gì khi đến cây xăng?

Anh Vĩnh Tuấn (công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long) chia sẻ: "Họ cúi đầu chào mình, mình không chào lại được, rất ngại.

Tôi chỉ cần một chỗ thuận tiện có thể mua xăng đúng giá, không bị mua phải xăng kém chất lượng và thái độ vui tươi là được."

Dư luận trái chiều cho rằng, nhiều người tung hô cây xăng người Nhật nhưng lại chê bai rườm rà các siêu thị điện máy Việt Nam nhân viên cũng cúi chào, thậm chí còn đặt tay lên ngực.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn ( SSI) chia sẻ trên trang cá nhân rằng "cúi đầu là văn hóa và thói quen của người Nhật, nên việc một ông giám đốc đứng cúi đầu đón khách mua xăng vào những ngày mới khai trương âu cũng là bình thường".

"Suy cho cùng với khách hàng, người ta chỉ cần một cửa hàng có thể thuận tiện mua được xăng đúng khối lượng và chất lượng, thậm chí cửa hàng đổ xăng tự động càng tốt chứ đâu cần một người đứng cúi đầu", ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, nét văn hóa của mỗi dân tộc luôn là điều khác biệt để phân biệt họ với những dân tộc khác. "Mọi người cười tôi vì tôi không giống họ, tôi cười họ vì họ quá giống nhau".

Clip nhân viên trạm xăng Nhật cúi đầu, lau xe cho khách

Ngọc Ninh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cay-xang-nhat-thoi-chao-khi-vang-ong-kinh-phong-vien-3345377/