Cây xăng Nhật 'quên' bảo hộ cho nhân viên bán hàng?

Tập đoàn xăng dầu Nhật Bản Idemitsu Q8 (IQ8) có mặt trên thị trường xăng dầu Việt Nam đã tạo ra một luồng gió mới bởi phong cách bán hàng thân thiện, cam kết bán nhiên liệu chính xác đến 0,01 lít,... Đề cao khách hàng nhưng nhiều người đang đặt câu hỏi về quyền và lợi ích của các nhân viên tại trạm xăng này khi không được trang bị bảo hộ lao động tối thiểu.

Nhân viên tại trạm xăng IQ8 không được trang bị khẩu trang, găng tay vải vì lý do thân thiện với khách hàng. Ảnh: K.Oanh

Nhân viên tại trạm xăng IQ8 không được trang bị khẩu trang, găng tay vải vì lý do thân thiện với khách hàng. Ảnh: K.Oanh

Bỏ qua quy định vì sự thân thiện

IQ8 vừa khai trương cửa hàng xăng dầu đầu tiên tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội). Đây được coi là một luồng gió mới cho thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. IQ8 gây ấn tượng với người tiêu dùng bởi thái độ thân thiện, cam kết áp dụng phần mềm quản lý tự động cho phép thanh toán bằng thẻ, quản lý được khối lượng nhiên liệu với độ chính xác lên đến 0,01 lít. Tuy nhiên không biết có phải vì sự thân thiện với khách hàng, mà các nhân viên tại IQ8 không được trang bị đầy đủ những đồ bảo hộ lao động tối thiểu(?).

Theo ghi nhận của PV, tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu của IQ8 trong KCN Bắc Thăng Long, các nhân viên tại đây đều chỉ được trang bị quần áo lao động phổ thông như quần dài, áo phông, mũ vải, giày mũi cứng đối với nam và áo dài, váy, mũ vải, giày mũi cứng đối với nữ. Các nhân viên tại đây đều thiếu những phương tiện bảo vệ như găng tay vải bạt, khẩu trang lọc bụi...

Khi PV thắc mắc về những thiếu sót trên thì được một nhân viên bán xăng giải thích: “Ở đây không được đeo khẩu trang vì đeo khẩu trang sẽ không cười được với khách hàng”. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra liệu việc làm này có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không thì được nhân viên này tiếp lời: “Xăng bây giờ không còn chì nên không ảnh hưởng đến sức khỏe”(?).

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật thì tất cả các nhân viên bán xăng cần tuân thủ tốt những biện pháp phòng ngừa trong lao động. Cụ thể, tại Khoản 2, Điều 4 Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân có ghi rõ: “Tiếp xúc với bụi và hóa chất độc hại” người lao động trong khi lao động tiếp xúc với những yếu tố nguy hiểm này thì được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân.

Tại mục 25 Phần V Phụ lục 1 Thông tư 04/2014/TT-BLĐTBXH cũng quy định về trang bị bảo hộ cho nghề nghiệp “bán lẻ xăng, dầu mỡ, khí hóa lỏng tại các cửa hàng” gồm các trang bị sau: Quần áo lao động phổ thông; Mũ vải; Găng tay vải bạt; Giầy mũi cứng thấp cổ chống va đập, chống trơn trượt; Khẩu trang lọc bụi; Quần áo mưa; Xà phòng. “Quần áo lao động phổ thông; Mũ vải; Găng tay vải bạt; Giầy mũi cứng thấp cổ chống va đập, chống trơn trượt; Khẩu trang lọc bụi; Quần áo mưa; Xà phòng”, cho các nhân viên bán hàng.

Theo thông tư số 26/2013 của Bộ LĐTB&XH có hiệu lực từ 15-12, cũng quy định 77 công việc phụ nữ không được làm, trong đó có nghề bơm xăng dầu tại các cây xăng. Theo Bộ LĐTB&XH, đây là quy định thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đối với phụ nữ nhằm đảm bảo sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản của chị em.

Quy định là vậy nhưng phải chăng vì yếu tố thân thiện với khách hàng mà IQ8 lại bất chấp quy định, coi thường sức khỏe của chính những nhân viên bán xăng tại công ty?

Nhiều nguy hại khi tiếp xúc với xăng

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, xăng dầu là chất độc, có chứa nhiều chất gây ung thư như các hợp chất có vòng thơm benzene, ethylbenzene, toluene, xylene… Thêm vào đó, xăng dầu còn chứa các chất ảnh hưởng đến hệ thần kinh gây đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, bất tỉnh thậm chí bị tử vong. Những người tiếp xúc thường xuyên với xăng, dầu có khả năng mắc các bệnh về đường hô hấp như mũi, họng, khí quản, phổi,… thậm chí có thể gây ung thư, tử vong.

Khả năng mắc các bệnh về da cũng rất cao do các chất gây hại chứa trong xăng, dầu thẩm thấu qua da gây nên dị ứng da, các bệnh về da liễu, ung thư da… Nếu nuốt phải các giọt sương có chứa xăng, dầu lẫn vào trong không khí thì có thể mắc các bệnh về đường tiêu hóa như dị ứng miệng, thực quản, dạ dày... Nồng độ gây nhiễm độc khi hít thở cho 50% mẫu thử (LC 50) trong 5 phút là 300g/m3. Liều gây chết số mẫu thử LD 50 khi tiếp xúc qua da trong 24 giờ là 4g/kg”.

Theo các chuyên gia, để hạn chế được các bệnh không mong muốn từ việc tiếp xúc với xăng, dầu thì những người làm việc trong môi trường này cần phải thường xuyên dùng dụng cụ bảo hộ lao động như găng tay, kính bảo vệ mắt, quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang để ngăn khí và bụi.

Theo bà Phạm Thị Thoa – Giám đốc công ty luật Apolat Legal cho biết: Trong trường hợp chủ cây xăng trang bị đầy đủ cho nhân viên nhưng nhân viên không sử dụng thì nhân viên đó phải chịu trách nhiệm trước cơ quan, nó liên quan đến kỉ luật nội bộ. Trong trường hợp chủ cây xăng không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho nhân viên thì chủ cây xăng sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi cơ quan Nhà nước đến kiểm tra mà cây xăng không đáp ứng đủ các điều kiện thì chủ cây xăng sẽ phải chịu xử phạt hành chính.

Theo đó, mức xử phạt đối với hành vi trên được quy định tại Khoản 4 Điều 17 Nghị định 95/2013/NĐ-CP. Theo đó, trong trường hợp người sử dụng lao động không trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang bị nhưng không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, quy cách theo quy chuẩn kỹ thuật đối với người làm công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại thì có thể bị phạt tiền:

“a) Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 301 người lao động trở lên”.

Kim Oanh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cay-xang-nhat-quen-bao-ho-cho-nhan-vien-ban-hang-20171017102814973.htm