Cây mai vàng của bố

Bước chân về nhà đã 24 Tết, cây mai đầu cổng bỗng khiến tôi rưng rưng nước mắt. Những cây mai quanh xóm đã bung bông vàng rực từ lúc nào, mà cây mai của nhà vẫn gầy guộc những cành, những búp nụ rảnh rớt nở từ trên cao xuống mà bần thần nhớ bóng dáng cây mai ngày xưa.

Khác với mọi năm chỉ quanh quẩn ở nhà, năm nay tôi và con gái phải ở bệnh viện gần hai tháng, cảm giác vừa sốt ruột vì bệnh tình của con lại vừa nhớ nhà, vừa lo lắng vì sắp đến tết mà con vẫn chưa được xuất viện. Những cuộc gọi video qua màn hình thường xuyên khiến tôi càng nôn nao khi cây mai già đang được lặt lá. Đám mai mới trồng trong vườn thì do ham vui quá nên mới thấy có vài tia nắng le lói ban trưa, cứ tưởng mùa Xuân đến sớm nên te tái bung nụ, trổ hoa và trở lộc luôn rồi.

Cả nhà và cây mai những ngày còn bố, bông vàng rực rỡ

Ngày đó, mấy cây mai mới trồng này không cần phải quan tâm bởi bố có cây mai lão để chơi rồi. Bố cười khà khà: “Cứ để nó tự nhiên ra bông vậy, đồ ngựa non háu đá ấy mà, cứ như tuổi trẻ ấy, phải có sai lầm mới ngộ ra được”.

Quả vậy, chỉ có cây mai già mốc cời, có từ lúc xây nhà mới được bố tôi chú ý, và đợi để tùy mùa gió, tùy nắng để canh ngày lặt lá. Chứ cây mai già nhớ mùa, nhớ gió lắm, nó không vội vã trút lá mà lẩn thẩn giữ lại lá đầy cành cứ như kiểu người ta trữ củi vì sợ lạnh ấy. Đến cả vài đợt rét rồi, các cây trong vườn cũng dần trút lá, trơ cành khẳng khiu, ảm đạm trong gió lạnh mà cây mai chỉ chịu ly cho cơn gió lấy dăm chiếc lá vàng gọi là chứ kiên quyết không cho hơn. Thế nên năm nào cũng vậy, việc oải nhất không phải việc dọn nhà dọn cửa mà là việc theo bố lặt lá mai.

Cây mai to bằng cả khoảng sân rộng nhà người ta, án ngữ gần hết góc vườn quang quẻ, cả năm cây mai cứ um tùm cành xanh lá tốt, chả ai thèm để ý đến. Bây giờ, khi bố hô lặt lá là rộn rịp hẳn, phải đi mượn thang, bắc dàn như người ta làm giàn giáo, rồi huy động bốn năm đứa con cháu, xúm vào lặt. Xung quanh cây mai giờ những chuyện là chuyện, ai có gì góp nấy, từ làng trên xóm dưới, từ trong nhà ra thế giới, chuyện này nối tiếp chuyện kia quên cả mệt.

Cũng đã gần tết, nên ai nấy đều vui vẻ phấn khởi chia việc, chia người ra phụ bố, bỗng có đứa thắc mắc: “Sao lại gọi là lặt lá được? Phải gọi là vặt lá mới đúng chứ”. Bố ngừng tay, ngó lom lom vào đứa mới nói, xả một tràng: “Trời ơi! Là lặt lá, lặt là nương tay, nhẹ nhàng để lặt, để lựa từng lá mai già ra. Là lặt nhẹ tay nhẹ chân như kiểu người ta phải nương tay, nhẹ nhàng cầm từng lá, từng lá một mà gẩy ra khỏi cành để khỏi làm đau cành, buồn lá. Chứ vặt cái gì mà vặt, bay làm như người ta làm lông gà lông vịt, đổ nước sôi vô rồi thẳng tay, thẳng chân mà túm lấy túm rồi vặt ấy hả? Vặt kiểu đó mà coi được sao? Vặt kiểu trơ lông, trụi cành đó năm sau cây nào còn dám ra bông cho tụi bay chụp hình được hả?”.

Đám con cháu đơ người ra mất mấy giây rồi cười rần rần, mới nói có một câu, mà bố cho một bài dài lòng thòng phát sợ kìa. Cười vậy chứ đứa nào nghe bố nói xong cũng thấy có lý mà nhẹ tay lại, lặt lá không còn phăm phăm cho lẹ lẹ để chạy đi chơi nữa, mà chầm chậm từ tốn như cảm được chút gì yêu thương của ngày mùa đang gần đến.

Như biết công của người chăm sóc, cây mai cứ đúng tết mà bung hoa bừng sáng cả góc vườn, cả nhà cứ thế xúng xính áo quần ra chụp rồi tự hào khoe với đám bạn, cây mai nhà tao là to nhất xóm này, đẹp nhất xóm này.

Bố chỉ ngồi bên bàn nước, cười, rồi khề khà bên ly rượu đầu Xuân tiếp khách, những ngày tết cứ thế yên bình mà trôi qua.

Cây mai tết năm Giáp Thìn đã ra nhiều hoa hơn một chút

Rồi bố mất. Cái tết đầu tiên vắng bố, mẹ nhắc phải lặt lá trước một tháng. Cả nhà loay hoay bắc dàn lặt lá, vậy mà cây chẳng ra bông kịp tết.

Năm sau, anh trai đi tới đi lui bảo năm nay lạnh, cần lặt lá sớm hơn một chút, vậy mà cây vẫn rảnh rớt bông.

Và năm nay, năm thứ ba vắng bố, cây mai đã bắt đầu quen tay người lặt lá nên đã đơm nụ, trổ bông gần đúng ngày. Mùng Một Tết, cả nhà lại như những ngày còn bố, sắp hàng ra sân chụp một bức hình kỷ niệm với cây mai, anh trai quay lại thì thầm với tôi: “Năm sau, nhất định anh sẽ canh được ngày để cây mai trổ bông đúng tết”.

Chẳng ai nói thêm gì, bởi khoảng trống nhỏ bên cạnh mẹ, chỉ có chút thôi, chỉ vừa đủ cho một người nữa đứng đã trở thành một khoảng trống không thể lấp đầy. Nhưng mùa đã hẹn rồi, nhất định mùa sẽ lại về, nên cây mai được mọi người chăm chút, nhất định sẽ có ngày lại nở đầy bông như ngày xưa ấy...

LÊ THỊ KIM SƠN

Thị trấn ĐakĐoa - Gia Lai

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cay-mai-vang-cua-bo-post726631.html